Bác Hồ đã từng nói: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”. "Máu đào của liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vai trò, vị trí của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc. Đầu tháng 7/1947, tại hội nghị bàn cờ xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu tổng bộ Việt Minh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên cứu quốc, Nha thông tin tuyên truyền và một số đại biểu địa phương đã quyết định lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, ngày thương binh toàn quốc được đổi thành ngày Thương binh - liệt sỹ của cả nước. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7, nhân dân cả nước lại sôi nổi tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ, coi đó là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc.
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao đổi với cán bộ Phòng Người có công về công tác quản lý hồ sơ các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh.
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa”. Toàn tỉnh hiện có trên 9.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp, hưởng ứng có hiệu quả của MTTQ, các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân, công tác chăm sóc đời sống người có công trong tỉnh đã trở thành hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa sâu sắc và đạt được kết quả quan trọng. Việc thực hiện chính sách ưu đãi được quan tâm đầy đủ, kịp thời. Các chế độ trợ cấp thường xuyên, trợ cấp một lần và ưu đãi khác như: Hỗ trợ nhà ở, cấp thẻ BHYT, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí… được quan tâm chu đáo.
Từ năm 2011 đến nay, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” được phát động sâu rộng với 270 cơ quan, đơn vị và nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, đối tượng chính sách nhằm động viên, tri ân, tôn vinh những đóng góp, hy sinh to lớn của người có công và nhân dân.
Cùng với đó, công tác vận động xây dựng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa” hàng năm cũng đã trở thành truyền thống. Phong trào đã được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực, số thu năm sau cao hơn năm trước. Trong 5 năm, từ 2011- 2016, tổng số tiền từ vận động quỹ thu được 22,2 tỷ đồng, trong đó nguồn quỹ cấp tỉnh là 2,8 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các cơ quan, tổ chức ủng hộ tích cực với tổng số sổ được tặng từ năm 2011 đến nay là 520 sổ với trị giá 550 triệu đồng.
Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cũng được quan tâm thực hiện. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, tỉnh đã xây mới được 213 ngôi nhà, tu sửa và nâng cấp 524 nhà với tổng kinh phí 13,7 tỷ đồng. Phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát động rộng rãi tới các cơ quan, đơn vị đã được các cấp, ngành tích cực hưởng ứng. 12 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng và thường xuyên quan tâm chăm sóc, động viên tinh thần các mẹ.
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh- liệt sỹ hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ, các thương binh, thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9… Hàng năm thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh cho trên 10.000 lượt đối tượng người có công với kinh phí trên 9 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh cũng đã trích kinh phí để tổ chức gặp mặt, động viên, tặng quà các đối tượng người có công trong dịp này. Bên cạnh đó, công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ luôn được quan tâm đầu tư thực hiện tốt… Nhờ đó, đến nay, đời sống của các hộ gia đình chính sách được ổn định và nâng cao. Toàn tỉnh có 95,7% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú. Trên 90% thương binh, bệnh binh được công nhận là người công dân kiểu mẫu; 97% gia đình liệt sỹ được công nhận là gia đình cách mạng kiểu mẫu; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ. Qua cuộc vận động toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã có nhiều đơn vị, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc được ghi nhận và khen thưởng.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa”, ngành LĐ-TB&XH, các cấp, ngành liên quan và nhân dân cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau: Triển khai đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật chính sách ưu đãi đối với người có công tới tận cơ sở. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm. Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đầy đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thực hiện xã hội hoá sâu hơn, thường xuyên hơn các phong trào và việc làm tình nghĩa như: ủng hộ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa”; xây nhà tình nghĩa; chăm sóc giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố, mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và phụng dưỡng bố, mẹ liệt sỹ neo đơn; ưu tiên đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm đối với con thương binh, con liệt sỹ và người có công. Khuyến khích tạo điều kiện để thương, bệnh binh tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập đời sống cho gia đình, thu hút, giải quyết việc làm cho lao động xã hội. Phấn đấu để không còn hộ thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công có mức sống và nhà ở dưới mức trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn cư trú. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Cộng đồng doanh nghiệp chung tay chăm lo gia đình chính sách
Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp có sự phát triển đáng kể, giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động, góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Cùng với chú trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng luôn chú trọng tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội như: Tham gia ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ người tàn tật, trẻ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, nuôi dưỡng học sinh nghèo vượt khó... Nhiều doanh nghiệp đã có những việc làm thiết thực chăm lo, tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đỡ đầu bà mẹ Việt Nam anh hùng…Trong đó tiêu biểu là các Công ty Hoàng Sơn, Anh Kỳ, An Thịnh, Định Nhuận…được các bộ, ngành T.ư và địa phương ghi nhận.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn về vật chất, tinh thần, từng bước giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Phan Xuân Trí
(Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh)
Mong muốn quan tâm, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người có công
Tôi là nạn nhân chất độc da cam. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã được cấp thẻ BHYT để khám - chữa bệnh miễn phí, được quan tâm tặng quà vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm…Ngoài ra, chúng tôi được nhận đầy đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng. Các con cháu của chúng tôi đi học đều được nhận chế độ đúng với quy định của Nhà nước. Nhờ vậy mà đời sống vật chất, tinh thần của những nạn nhân chất độc da cam nói riêng, người có công trên địa bàn xã đã được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, tôi được biết, trên địa bàn huyện Lạc Thủy vẫn còn nhiều đối tượng người có công, nhất là nạn nhân chất độc da cam chưa được hưởng các chế độ chính sách do vướng mắc về thủ tục giấy tờ, đời sống của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhất là ngành LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm, có những điều chỉnh phù hợp trong quy định để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, không để người có công phải chịu thiệt thòi, cuộc sống khó khăn.
Nguyễn Hồng Dương
(Hội viên Hội Cựu chiến binh, thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy)
Phát huy tinh thần anh "Bộ đội Cụ Hồ”
Trong những năm tháng chiến tranh, tên gọi anh bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý dành cho người bộ đội. Đó là những chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của người quân nhân cách mạng. Đây cũng là niềm tự hào của mỗi người lính. Bởi vậy, việc tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” của người CCB trong cuộc sống đời thường hiện nay càng quý giá.
Với trách nhiệm là người CCB từng trải qua bao năm tháng rèn luyện trong quân đội, tôi nghĩ chúng ta phải giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” để các thế hệ noi theo. Đó là cách sống chuẩn mực đạo đức, nhân ái thương yêu mọi người, tích cực lao động sản xuất góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Trần Văn Toa
(Xóm Khụ, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong)
Đưa chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với người có công
Phòng Người có công (NCC) có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, các chính sách ưu đãi đối với NCC và các phong trào tình nghĩa trên địa bàn tỉnh ta đã được thực hiện đầy đủ, chu đáo, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực và đơn, thư khiếu nại. Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Đặc biệt, trong năm 2017, hưởng ứng các phong trào thi đua "Đền ơn, đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ, toàn tỉnh đã nỗ lực trong công tác hỗ trợ nhà ở cho NCC, xây mới và sửa chữa nâng cấp 187 nhà với kinh phí trên 6,7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, trong đó một số gia đình NCC được nhận nhà ở mới dưới hình thức "chìa khoá trao tay”.
Tuy vậy cho đến nay, đời sống của một bộ phận gia đình NCC còn khó khăn, vẫn có những hộ phải ở nhà đã xuống cấp. NCC trong tỉnh rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn như huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn và những xã thuộc Chương trình 135. Những địa phương này rất cần nâng mức hỗ trợ cao hơn so với các xã vùng thấp, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác "Đền ơn, đáp nghĩa” đề chương trình xóa nhà tạm cho NCC được triển khai hiệu quả.
Vũ Hồng Nghiệp
(Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH)
Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh
Chúng tôi, những thanh niên sinh ra khi đất nước không còn tiếng súng, được sống trong hòa bình. Chính vì vậy, thế hệ thanh niên luôn có ý thức tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh. Tuổi trẻ huyện Lương Sơn từng bước trưởng thành, phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Các cơ sở Đoàn thực hiện có hiệu quả phong trào thanh niên tình nguyện như: Thanh niên bảo vệ môi trường, thanh niên chung tay xây dựng NTM, các hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa”, "uống nước nhớ nguồn” chương trình "Thanh niên khởi nghiệp”… Hình ảnh ĐV-TN với mũ tai bèo, màu áo xanh tình nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ đem tri thức và sức trẻ đến với những vùng khó khăn góp công sức vào sự phát triển KT-XH của huyện đã trở nên quen thuộc.
Trong thời gian tới, thanh niên huyện Lương Sơn sẽ phấn đấu thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống vẻ vang, ý chí quật cường và những chiến công vang dội của thế hệ cha anh. Từ đó tiếp tục củng cố niềm tin, xây dựng lý tưởng và quyết tâm cống hiến cho quê nhà.
Đinh Thị Thuý Hoà
(Bí thư Huyện Đoàn Lương Sơn)