Tuyến đường nối liền trung tâm xã Thái Thịnh và 2 xóm Bích, Trụ tạo điều kiện cho dân cư trên địa bàn mở mang giao thương, nâng cao đời sống.
CCB Đỗ Xuân Rộng, nhớ lại: Từ chiến trường trở về quê hương được ít năm, năm 1980, gia đình tôi cùng bà con trong xóm di chuyển nhà cửa, mồ mả ông cha về nơi ở mới. Quả là khó khăn trăm bề, vì thời điểm đó không ai hướng dẫn đâu là cốt 110 nên nhà ít thì 2 lần, nhà nhiều thì tới 6 lần "chuyển vén” mới định cư được. Xóm Trụ đồi núi chênh vênh, về nơi ở mới kiếm kế sinh nhai thực sự là bài toán hóc búa. Cuộc sống lúc đó chỉ trông chờ vào con tôm, con cá dưới hồ, còn lại là khai hoang, phục hóa để từng bước phát triển kinh tế rừng. Đường giao thông chưa có, ngoài con đường mòn ven đồi còn lại từ việc đi học của các cháu đến khám - chữa bệnh hay vận chuyển tải măng, bao sắn đều phụ thuộc vào bè mảng và vài chiếc thuyền nhỏ.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giờ đây, cuộc sống của người dân xóm Trụ đã có nhiều đổi thay. Điện lưới quốc gia thắp sáng 23/23 hộ dân. Công trình cấp nước do Dự án 747 đầu tư đã cấp nước sinh hoạt đầy đủ cho trên 130 nhân khẩu. Các cháu trong độ tuổi đều được đến trường nhờ những lớp học bán trú được xây dựng tại trung tâm xã. Trong nhịp sống mới, người dân xóm Trụ đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng bản, làng ngày càng bình yên, no ấm. Cách bến Bích Hạ hơn 3 km, nơi một thời là điểm nóng về ma tuý, cờ bạc nhưng hàng chục năm qua, trong xóm không có phạm pháp hình sự, không có người dân nào mắc vào các tệ nạn xã hội. Với trên 70% là người dân tộc Mường, ngoài ngôi nhà "nhân ái” do Tập đoàn Bảo việt Việt Nam trao tặng cho gia đình ông Đỗ Xuân Rộng còn lại người dân xóm Trụ vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống. Thêm nữa, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân xóm Trụ còn tự nguyện đóng góp trên 8 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa với diện tích trên 70 m2 làm nơi hội họp, sinh hoạt, giao lưu hàng ngày. Sự đoàn kết, gắn bó và nếp sống mộc mạc, giản dị cũng là cội nguồn để hàng chục năm qua ở xóm Trụ không có người sinh con thứ 3 và không gia đình nào có con cái tảo hôn. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, xóm Trụ vẫn giữ danh hiệu làng văn hóa.
Trưởng xóm Đinh Xuân Hưng, phấn khởi cho biết: "Chi bộ xóm Trụ có 5 đảng viên đều gương mẫu trong phát triển kinh tế và mọi phong trào ở cơ sở. Từ khi thành lập đến nay, chi bộ luôn giữ vững TCCS Đảng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật”.
Ngoài khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên, đến nay, 22/23 hộ dân xóm Trụ có thu nhập ổn định từ 109 lồng cá. Bình quân mỗi hộ có 5 lồng với các loại cá nheo, trắm đen, trắm cỏ được thương lái đến tận nơi đặt mua, trừ chi phí đem lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, người dân xóm Trụ luôn thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng. Với các cây trồng chính là bương, luồng, tre Bát Độ, việc thu hoạch luôn đảm bảo đúng chu kỳ, từ nguồn thu chính là măng với giá tại vườn bình quân 6.500 đồng/kg, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
37 năm đã trôi qua, giờ đây xóm Trụ chỉ còn 1 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm. Đưa chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông sắp hoàn thành dài 3,1 km, rộng 3,5 m nối liền trung tâm xã với 2 xóm Bích, Trụ được đầu tư từ Dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng hồ Hòa Bình với tổng mức đầu tư trên 51 tỷ đồng, Trưởng xóm Trụ Đinh Xuân Hưng bày tỏ kỳ vọng: Con đường hoàn thành sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân đi lại, mở mang giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa, tương lai của vùng đất một thời nghèo khó thực sự đang rộng mở phía trước”
Đức Phượng