Thế nhưng sự khắc nghiệt của thiên nhiên lại càng chứng minh tình người, vượt qua nỗi đau mất mát, các lực lượng vũ trang, chính quyền, tổ chức công đoàn cùng người dân nhanh chóng chung tay cứu nạn, dọn dẹp để nhanh chóng ổn định cuộc sống…
Trắng đêm phá đá, dọn bùn đất sau mưa lũ
Gần 15 tiếng đồng hồ kể từ khi cơn lũ quét qua, chúng tôi có mặt tại vùng rốn lũ.
22h đêm, con đường từ quốc lộ 1A qua cầu Kim Nọi vào đường làng Chế Tạo cuồn cuộn nước, nước bùn đục ngàu chảy xiết từ đỉnh núi xuống suối Nậm Kim. Những tảng đá hàng chục tấn rơi từ trên đỉnh núi hồi đêm án ngữ giữa đường.
Điểm trường liên cấp thị trấn Mù Cang Chải bị dòng nước đục thông nhiều bức tường, tấm bảng xanh nhầy nhụa bùn đất, bàn ghế và cánh cửa sổ vỡ vụn; rác thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang khắp nơi. Người dân cùng lực lượng chức năng chật vật khắc phục hậu quả do cơn lũ quét kinh hoàng vừa để lại.
Trời đã ngớt mưa, từng tốp đoàn dân quân tự vệ huyện Mù Cang Chải ăn vội mẩu bánh mì, gói mì tôm, xong "xắn tay áo” vào phá đá, dọn bùn, khơi thông dòng nước. Những chiếc máy khoan chuyên dụng được huy động để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Người dân địa phương cũng lặng lẽ lội bùn tìm kiếm hàng xóm mất tích hay những đồ đạc còn sót lại. Chị Nông Thị Mai (54 tuổi) cho biết khi lũ ống xuất hiện lúc 5h30 sáng, hàng xóm xung quanh hốt hoảng kêu cứu. Thời điểm đó chị vội dắt xe máy để thoát thân nhưng chưa kịp chạy thì lũ đã ập xuống. Chị bỏ xe, chạy lên mỏm đồi bên cạnh lánh nạn, bật khóc khi nhìn cảnh ngôi nhà của mình bị dòng lũ dữ "nuốt chửng”.
Dòng lũ tạm lắng xuống cũng là lúc chị cùng chồng trở lại căn nhà tìm đồ đạc xót lại. Tuy nhiên, mọi thứ đều bị cuốn trôi và vùi lấp trong lớp bùn đất dày đặc, buồn bã, hai vợ chồng lại dẫn nhau lội nước về nhà người thân cách đó vài trăm mét ngủ nhờ.
Ông Nguyễn Ngọc Lan (thứ hai, phải sang) - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Yên Bái - động viên, thăm hỏi gia đình đoàn viên Giàng A Hù hiện đang bị mất tích. Ảnh: P.V |
Chia sẻ với chúng tôi tại hiện trường, ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, ngay sau khi lũ quét xảy ra, các lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp cùng với Quân khu 2 triển khai công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả sau trận lũ kinh hoàng.
Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn bởi dòng nước lũ từ đầu nguồn giội về rất nhiều, khối lượng đất đá lớn. Chính vì vậy, lực lượng chức năng tỉnh phải tính toán các biện pháp an toàn như dùng máy khoan chuyên dụng phá đá, không sử dụng mìn vì gần khu dân cư.
Cũng theo vị Chủ tịch tỉnh, tổ công tác cứu hộ cứu nạn lũ quét ở Mù Cang Chải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
"Vợ con có mệnh hệ gì, tôi không thiết sống nữa”
Cùng đoàn người đi dọn đá, sục bùn tìm kiếm thân nhân mất tích, chúng tôi nghe được những câu chuyện đầy thương cảm về số phận những nạn nhân trong đợt lũ kinh hoàng vừa qua. Với người dân nơi đây, đợt lũ này được coi là lịch sử vì mấy mươi năm nay chưa từng xảy ra ở huyện miền núi phía tây tỉnh Yên Bái.
Ông Sàng Sa Pháo (bản Tà Gênh) chia sẻ: "Không ngờ lũ đến đến nhanh như thế, khi nước bắt đầu dâng, tôi và mọi người trong gia đình chỉ kịp chạy lên đồi thoát thân, không di chuyển được đồ đạc. Chưa đầy 10 phút, nửa ngôi nhà bị ngập trong nước lũ, tường nhà nước ngập đến 2m, tất cả đồ chìm trong nước lũ. Đó là chưa kể toàn bộ ruộng lúa, hoa màu cũng bị ngập úng, mọi con đường ngập sâu trong nước và chia cắt hoàn toàn”.
Chị Nguyễn Thu Trang (tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải) chưa hết bàng hoàng vì sự đột ngột, tàn phá nặng nề của "con sóng dữ”. Chị kể, thương nhất là trường hợp vợ chồng anh Lê Doãn Dũng (32 tuổi, thị trấn Mù Cang Chải).
"Anh Dũng nước mắt lưng tròng: Cháu nhìn thấy vợ con bị lũ cuốn trôi mà không thể làm gì được, vợ con cháu chết hết rồi cô chú ơi, nghe xong không ai cầm được nước mắt” - chị Trang cho hay.
Cảnh tan hoang sau lũ ở thị trấn Mù Cang Chải. Ảnh: Cường Ngô |
Tìm đến Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải - nơi anh Lê Doãn Dũng đang điều trị. Người đàn ông dáng người hơi đậm, đau đớn kể lại biến cố khủng khiếp xảy ra với gia đình một ngày trước.
"Tôi nhớ khi đó là 5h sáng, gia đình tôi đang ngủ thì thấy mặt đất rung chuyển. Vừa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, vợ chồng tôi lao ra ôm hai đứa con định chạy ra ngoài nhưng không kịp nữa rồi” - anh Dũng nghẹn ngào.
Chỉ trong tích tắc, anh Dũng, vợ và hai con gái (4 tuổi và 1 tuổi) cùng ngôi nhà hai vợ chồng tích góp 5 năm mới dựng được bị lũ dữ cuốn phăng xuống suối Nậm Kim. Vật lộn với dòng nước chảy xiết, anh vẫn giữ bình tĩnh, ngoái đầu lại tìm vợ con.
"Tôi cố gắng tìm vợ con nhưng chỉ thấy nước và đất đá cuộn ầm ầm. Nếu vợ con có mệnh hệ gì, tôi cũng không thiết sống nữa" - anh Dũng nấc nghẹn.
Chính quyền và công đoàn cùng vào cuộc
Ngày 4.8, UBND xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) - một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất mưa lũ đã có báo cáo sơ bộ về tình hình mưa bão trên địa bàn. Theo đó, tổng số nhà bị cuốn trôi là 17 nhà, trong đó có 15 nhà dân, 1 trường mầm non, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng.
Cảnh tan hoang sau lũ ở thị trấn Mù Cang Chải. Ảnh: Cường Ngô |
Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái - cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra và chỉ đạo biện pháp khắc phục mưa lũ tại xã Lao Chải.
Ông Nguyễn Văn Khánh cùng đoàn công tác tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ tiền mặt (mỗi hộ 20 triệu đồng) và động viên các gia đình bị thiệt hại, đồng thời chỉ đạo xã tập trung huy động các ngành giúp đỡ gia đình mai táng người bị nạn; yêu cầu kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở và vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Yên Bái Nguyễn Ngọc Lan (Trưởng đoàn) cho biết, LĐLĐ tỉnh Yên Bái đã trao hỗ trợ cho gia đình 11 đoàn viên Công đoàn huyện Mù Cang Chải. Hầu hết các gia đình đoàn viên bị thiệt hại 100% nhà cửa, tài sản; đặc biệt có hai đoàn viên có người thân bị thiệt mạng và con bị mất tích, đó là gia đình đoàn viên Giàng A Hù (trú tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải) có thành viên gia đình bị thiệt mạng và Giàng A Súa (xã Kim Nọi) có con hiện mất tích.
"Con lũ dữ” đi qua để lại nỗi đau khôn nguôi với người dân huyện miền múi Mù Cang Chải, bao gánh nặng đang chất chồng lên vai những người dân vùng lũ, nhất là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, cần lắm sự chung tay của những tấm lòng mạnh thường quân giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Cũng cần lắm sự vào cuộc của các cấp chính quyền để tìm giải pháp căn cơ hơn cho quy trình phát triển của Yên Bái, để mưa lũ kinh hoàng như những ngày qua sẽ không còn lặp lại.
Phó Chủ tịch tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ. Ảnh: Cường Ngô |
(HBĐT) - Ngày 1/8, Đoàn công tác Ban chỉ huy PCTT & TKCN Trung ương, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã triển khai cuộc khảo sát, đánh giá nhanh về chỗ ở an toàn cho người dân miền núi. Tỉnh ta là 1 trong 2 địa phương miền núi phía Bắc được lựa chọn khảo sát, đánh giá.