Khoảng từ 3 - 5h sáng là thời điểm hoạt động vận chuyển thực phẩm, chủ yếu là sản phẩm gia súc, gia cầm vào thành phố qua chốt kiểm dịch động vật xã Yên Mông tấp nập nhất trong ngày. Theo anh Nguyễn Tiến Công, nhân viên thú y trực chốt đã có thâm niên thì mỗi ngày lưu lượng người và phương tiện vận chuyển thực phẩm qua đây bình quân từ 50 – 60 lượt, sản lượng cung ứng cho các chợ của thành phố tương đương 3 tấn. Nếu như trước đây, lợn vận chuyển qua chốt thường là lợn hơi thì hiện nay lái thương chủ yếu vận chuyển sản phẩm thịt đã giết mổ.
Sản phẩm thịt lợn đã giết mổ được lực lượng trực chốt kiểm dịch xã Yên Mông (TP Hòa Bình) kiểm soát trước khi đưa vào địa bàn tiêu thụ.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Vấn đề giết mổ phải được kiểm soát từ gốc. Tuy nhiên, tỉnh ngoài là Phú Thọ lại không làm, nhất là đối với các hộ giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến việc khi đưa vào tiêu thụ ở TP Hòa Bình cần có sự kiểm soát. Tại chốt kiểm dịch động vật của thành phố, lực lượng cán bộ trực chốt liên tục 24/24h, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giết mổ tại lò giết mổ tập trung được tăng cường. Hiện nay, tất cả nguồn thịt có lăn dấu bày bán trên thị trường đều nhập từ lò giết mổ gia súc Ngọc Hà và các huyện trong tỉnh. Việc kiểm soát nguồn thịt còn được thực hiện tại bàn bán sản phẩm. Tại đây, cán bộ thú y kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu lợn bị bệnh, thịt để qua ngày, không lăn dấu đối với các sản phẩm này.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Hòa Bình: Thành phố dân số tập trung đông, lượng thực phẩm gia súc, gia cầm lưu thông rất lớn. Để có nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh đến người tiêu dùng đặt ra cho lực lượng thú y nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Trạm đã tăng cường kiểm tra tại chốt kiểm dịch động vật xã Yên Mông, lập kế hoạch, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ. Mặt khác, tập trung cán bộ kiểm tra tại các chợ đầu mối, kiểm tra vệ sinh thú y tại lò giết mổ tập trung. Từ chỗ xác định kiểm soát chặt đầu vào là giải pháp quan trọng nhất đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, lực lượng thú y đã phối kết hợp với các lực lượng: công an, quản lý thị trường duy trì hiệu quả việc kiểm soát tại chốt kiểm dịch. Với lò giết mổ của doanh nghiệp Ngọc Hà tại xã Sủ Ngòi, trạm Chăn nuôi và Thú y thường xuyên kiểm tra vệ sinh thú y, kiên quyết không để dịch bệnh, lợn ốm giết mổ tại lò giết mổ tập trung. Ngoài ra, trạm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản lấy mẫu thịt, mẫu nước tiểu tại lò giết mổ tập trung và các chợ đầu mối nhằm kiểm tra các chất cấm trong thức ăn và dư lượng kháng sinh trong thịt lợn.
Tính đến hết tháng 7, chốt kiểm dịch động vật xã Yên Mông đã kiểm soát và kiểm dịch vận chuyển qua chốt 171 con trâu, bò, 28.165 con lợn, trên 1 triệu con gia cầm. Về sản phẩm động vật đã kiểm soát gần 237 tấn thịt trâu, bò, lợn, gần 600.000 quả trứng. Lực lượng Thú y địa bàn kiểm soát giết mổ 94 con trâu, bò, 22.000 con lợn, 109.000 con gia cầm, kiểm dịch 95 con trâu, bò, 650 con lợn, 421.000 con gia cầm.
Cũng theo đồng chí Trần Tiến Trường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay nguồn thịt tiêu thụ của thành phố là yên tâm, không sử dụng chất cấm và tồn dư kháng sinh. Đàn lợn chủ yếu là lợn to, lợn nuôi lâu, việc đưa dinh dưỡng, kháng sinh vào cơ thể vật nuôi là không có.
Bùi Minh
(HBĐT) - Ngày 15/8, UBND huyện Yên Thủy đã phối hợp Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh tổ chức bàn giao nhà tình thương cho cháu Phan Mỹ Chi, thôn Ba Cầu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy.
Phương án miễn, giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy sẽ không giải quyết dứt diểm những bức xúc của người dân khi đi qua đây.