(HBĐT) - Từ xa xưa, ông cha ta đã khuyên dạy:"Bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Điều đó thể hiện rõ tinh thần tương thân, tương ái, là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Từ đó lòng nhân ái không chỉ lan toả trong cuộc sống đời thường mà càng thể hiện sinh động hơn, hiệu quả, thiết thực hơn khi người dân lâm vào tình cảnh rủi ro, khó khăn, hoạn nạn đều được cả cộng đồng đùm bọc, chia sẻ.


Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lịch sử trung tuần tháng 10/2017 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện Đà Bắc, Tân Lạc... làm 34 người chết và mất tích, thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất lên tới hơn 2.400 tỷ đồng... Các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả nhằm giảm bớt thiệt hại đối với người dân. Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức CT-XH, đoàn thể, doanh nghiệp và đồng bào cả nước, từ em nhỏ đến các cụ già, từ người nông dân, công nhân đến trí thức, nhà tu hành, cùng bà con tiểu thương, ở miền ngược và miền xuôi đều người ít, người nhiều gom góp tiền của trợ giúp đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất. Đúng là "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách” của dân tộc tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội với tất cả tấm lòng, tình cảm của đồng chí, đồng bào cả nước hướng về người dân trong cơn nguy khốn.

Sáng 12/10/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh đã có mặt tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc), nơi xảy ra sự cố sạt lở đất, đá đặc biệt nghiêm trọng làm 18 người thiệt mạng để chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên các gia đình. Những ngày sau đó nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chia sẻ với người dân xóm Khanh, nhất là những gia đình có người chết. Suốt 7 ngày dưới trời mưa tầm tã, hơn 300 CB,CS công an, quân đội, dân quân, dự bị động viên cùng nhiều phương tiện, máy móc nỗ lực vượt qua khó khăn, nguy hiểm đã tìm được 18 thi thể trong "núi” đất, đá ngổn ngang. Những tấm lòng, sự nỗ lực ấy là sự "chia ngọt, sẻ bùi” giúp người dân trong vùng thảm họa nguôi ngoai đau thương, mất mát, sớm ổn định cuộc sống.


Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao số tiền 150 triệu đồng ủng hộ tỉnh ta khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 gây ra.

Tại huyện Đà Bắc, trận mưa lũ lịch sử đã làm 11 người chết và mất tích, 211 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều hộ dân đang phải ở tạm trong lều lán, nhà bạt dã chiến, đời sống muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Ngày 11/10/2017, khi mưa lớn vẫn trút xuống, lãnh đạo UBND tỉnh đã có mặt ở những "điểm nóng” Đồng Nghê, Đồng Ruộng. Từ ngày 14 - 20/10/2017, khi các tuyến đường liên xã tạm thời thông tuyến, Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh uỷ Trần Đăng Ninh đã có mặt ở các xã: Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Vầy Nưa, Tiền Phong, kịp thời nắm bắt tình hình, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích và lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, với tinh thần chỉ đạo "Tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ kịp thời những gia đình bị mất nhà cửa để người dân sớm ổn định đời sống”.

Đồng bào xã Đồng Nghê và xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng vô cùng xúc động và thực sự ấm lòng trước hình ảnh Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nghẹn ngào, rớm lệ khi ôm ấp, động viên những cụ già, em nhỏ và chứng kiến những đau thương, mất mát cùng sự tàn phá khủng khiếp do đợt mưa lũ lịch sử gây ra.


CB - CNV Mobifione - Chi nhánh Hòa Bình hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp người dân xã Suối Nánh (Đà Bắc) ổn định đời sống sau đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017.

Với tinh thần không để người dân phải sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất”, thiếu ăn, thiếu mặc, ốm đau, dịch bệnh, hàng trăm CB,CS Bộ CHQS tỉnh đã vận chuyển, lắp đặt trên 50 nhà bạt dã chiến tại xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng; xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc); Sở Y tế cấp hoá chất và hàng trăm cơ số thuốc... giúp người dân vùng lũ quét, có nguy cơ sạt lở sớm ổn định cuộc sống.

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động và tiếp nhận tiền, gạo, mì tôm, nước mắm, bột canh, quần áo, nước uống... trị giá trên 8 tỷ đồng từ T.ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tỉnh Nam Định; Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup; Công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang; Ban từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế... UBMTTQ tỉnh đã vận động và tiếp nhận trên 14 tỷ đồng từ các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành T.ư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ đồng bào các vùng trong tỉnh bị thiệt hại do thiên tai. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không quản đường sá xa xôi, đi lại khó khăn đến tận nơi, trao tận tay chính quyền và người dân vùng lũ, vùng bị sạt lở những món quà tình nghĩa, động viên kịp thời để đồng bào vượt qua khó khăn, mất mát.

Dù chưa một lần đặt chân đến Hòa Bình, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng nghe tin nhiều hộ dân đang trong tình cảnh nguy khốn do thiên tai, cụ bà ô Xuân Lan, 80 tuổi ở tỉnh Tiền Giang đã gửi qua Báo Hòa Bình 5 triệu đồng dành dụm, tích cóp bấy lâu nay để góp phần nhỏ bé giúp đỡ đồng bào mình sớm vượt qua cơn hoạn nạn.

Sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hàng trăm chuyến tàu đưa các đoàn thiện nguyện về với đồng bào vùng lũ và bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá. Thường lệ giá thuê một chuyến tàu từ cảng Bích Hạ và bến Thung Nai đến Đồng Nghê, Suối Nánh, Đồng Ruộng... từ 4,5 - 5 triệu đồng nhưng với tinh thần "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, các chủ tàu đã tự nguyện ủng hộ tiền dầu, chỉ nhận số tiền công ít ỏi nên mỗi chuyến tàu thiện nguyện họ đã âm thầm đóng góp trên 2 triệu đồng cho những người dân vùng lũ.

Đến nay, sau hơn 3 tháng tiến hành công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt CB,CS LLVT và các lực lượng tại chỗ của địa phương nhưng vẫn còn 5 nạn nhân mất tích, khối lượng công việc vẫn ngổn ngang, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Để xây dựng lại các công trình công cộng, trường học, bệnh xá, hệ thống giao thông, thủy lợi... đòi hỏi cần có nguồn lực tài chính và vật chất rất lớn. Công cuộc tái thiết những bản, làng hoang tàn sau mưa lũ nhanh hay chậm, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân có sớm trở lại bình thường như trước hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nghị lực vượt qua gian khó của từng gia đình, người dân vùng lũ, cùng sự đoàn kết, chung tay, góp sức, ủng hộ của cả cộng đồng, xã hội.

Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân, tương ái cần tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội để nhân lên sức mạnh cộng đồng, huy động thêm nguồn lực vật chất, tinh thần giúp đồng bào vùng bị lũ quét, sạt lở đất sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất.


Đức Phượng

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục