HTX mây, tre đan xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã và vùng lân cận.
Trong chuyến công tác khai xuân đầu năm, chúng tôi có dịp ghé thăm xã Nhân Nghĩa - một trong những xã trung tâm của vùng Mường Vó xưa. Khác với những năm trước đây, ra xuân, sau khi hoàn tất công việc đồng áng, phụ nữ, thanh niên chuẩn bị hành trang, quần áo lên thành phố kiếm việc làm thêm, năm nay, chị em ở đây lại tất bật chạy đua với công việc để hoàn thành đơn hàng đầu tiên của năm mới.
Chị Bùi Thị Sành, Chủ nhiệm HTX phấn khởi cho biết: Đầu năm, HTX nhận được đơn hàng hơn 20 chiếc mâm mây cho một khu du lịch nổi tiếng ở Hòa Bình. Đây là đơn hàng sản phẩm hoàn thiện đầu tiên của HTX, ngoài những đơn hàng thô mà các chị đã ký kết. Vì vậy, chị em phấn khởi, đơn hàng này sẽ mở ra cơ hội mới giúp HTX có thể đưa ra những dòng sản phẩm hoàn thiện thay vì chỉ làm sản phẩm thô cho những công ty đầu mối thu mua.
Chính thức hình thành từ năm 2011, ban đầu, mô hình của chị Sành là tổ hợp tác sản xuất và chủ yếu đan thủ công một số mặt hàng thô khay mây, hộp mây… Tuy nhiên, từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, từ tổ hợp tác nâng cấp thành HTX, các chị đã tính đến những dòng sản phẩm hoàn thiện và hướng tới sản phẩm mang tính nghệ thuật, giá trị cao. Chia sẻ về vấn đề này, chị Sành cho biết: Việc thành lập HTX sản xuất giúp chúng tôi rất nhiều, chị em xã viên được bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao tay nghề. Ban chủ nhiệm được hỗ trợ kỹ năng về quản lý, nghiệp vụ tài chính và đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, được kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, HTX thu hút hơn 500 hội viên trong xã và nhiều chị em các xã lân cận. Với mức thu nhập bình quân từ 70.000 - 100.000 đồng /ngày, nghề đan mây khọ giúp nhiều hộ dần ổn định cuộc sống. Chị Quách Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Nghĩa cho biết: Thuận lợi của nghề này là mình có thể tranh thủ làm mọi nơi, mọi lúc và rất dễ để truyền nghề. Quan trọng nhất là thu nhập ổn định, với người tay nghề thành thạo, thu nhập 1 tháng có thể đạt từ 2 - 3 triệu đồng / người. Nếu cả gia đình cùng tranh thủ đan, cùng với các khoản thu nhập khác như chăn nuôi, làm ruộng thì kinh tế cũng được cải thiện đáng kể.
Từ thành công ban đầu của HTX, mới đây UBND huyện Lạc Sơn đã có đề án xây dựng trên địa bàn xã Nhân Nghĩa làng nghề truyền thống mây, tre đan. Tuy nhiên, theo chị Sành, muốn phát triển thành làng nghề đòi hỏi phải đa dạng về sản phẩm, trong khi hiện nay, HTX chủ yếu đan sản phẩm thô theo đơn đặt hàng. Mục tiêu HTX hướng đến, ngoài những sản phẩm thô là dòng sản phẩm gia dụng, sản phẩm mỹ thuật, hàng lưu niệm. Chính vì vậy, mong muốn của HTX là có sự hỗ trợ, liên kết để các chị có thể giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường, vừa tăng thu nhập, vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phương Linh
(HBĐT) - Ngày 4/3, tại NVH xóm Trung, xã Trung Minh (TP Hòa Bình), Thành Đoàn tổ chức lễ khởi động Tháng thanh niên năm 2018. Tham dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn, thành phố Hòa Bình và 400 ĐV-TN, học sinh trên địa bàn.