Tôi đã bật khóc nhiều lần khi nghe tâm sự của BS. V.H.C. - Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn (Hà Nội) - người bác sĩ bị hành hung trong đêm 13/4 vừa qua tại bệnh viện. Và càng đau đớn hơn khi thấy những giọt nước mắt của anh rơi xuống khi anh nói: "Chúng tôi sẽ khâu cho cháu, dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa”; "Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ”.
Chưa bao giờ và ở đâu mà vấn nạn bạo hành y tế lại diễn ra nhiều và liên tục như ở nước ta hiện nay. Mỗi lần một cán bộ, nhân viên y tế bị đánh đập, lăng mạ là thêm một lần nỗi đau lại nhân lên trong trái tim các thế hệ người làm nghề. Các em sinh viên băn khoăn, lo lắng mất niềm tin vào nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Phải chăng trong xã hội ta, nghề cao quý nhất đang dần trở thành nghề nhiều nguy hiểm nhất? Họ không chỉ bị chửi mắng, sỉ nhục mà còn bị hành hung rất tàn nhẫn. Mỗi lần có sự cố xảy ra, dư luận lại "nhảy vào” ném đá ngành y không thương tiếc.
Bác sĩ V.H.C đã khóc khi nói về vụ bị hành hung.
Liệu những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và xã hội, mấy ai hiểu được đằng sau những gương mặt căng thẳng, sự cương nghị, nguyên tắc của mỗi y, bác sĩ là những hy sinh thầm lặng. Mấy ai biết được một ngày họ phải tiếp đến hàng trăm lượt bệnh nhân, họ phải đứng mổ nhiều giờ đồng hồ, thậm chí cả ngày… Tôi vẫn nhớ, khi bạn tôi là bác sĩ nhi khoa tâm sự: "Những ngày Tết là những ngày mọi người được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, nhưng trong bệnh viện, cấp cứu liên tục, đói đến lả đi, tranh thủ thay nhau ăn bát mỳ tôm, rồi lại làm tiếp”.
Đâu chỉ có bị đe dọa về tính mạng, họ còn bị bủa vây bởi những tai họa hết sức khó lường như trường hợp của BS. Hoàng Công Lương - BVĐK tỉnh Hòa Bình vừa bị truy tố, tội danh mà BS. Lương hiện đang phải gánh chịu là tội thiếu trách nhiệm, vô ý làm chết người gây hậu quả nghiêm trọng. Một bác sĩ vô cùng hiền lành, tận tụy với bệnh nhân, đang chữa bệnh cứu người, bỗng vướng vào vòng lao lý?
Một nghề yêu cầu sự tỉ mỉ, không được sai sót, dù là nhỏ nhất, nhưng họ đang phải đối mặt với muôn ngàn sự hiểm nguy và trái ngang. Bạo lực rình rập họ ngay chính lúc họ đang thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là cứu sống người bệnh - đem lại sức khỏe cho người khác. Họ bị đối xử bất công và tàn nhẫn, họ phải nhẫn nhịn, chịu đựng và câm lặng. Tôi thực sự mong muốn hành lang pháp lý phải siết chặt hơn và những người bạo hành nhân viên y tế phải bị xử nghiêm minh như những kẻ chống người thi hành công vụ.
Khi một xã hội mà những người làm nghề bị dồn đuổi đến tận cùng, bị cái xấu và cái ác lộng hành, khi những giọt nước mắt cay đắng lăn dài là khi hồi chuông báo động cần phải vang lên. Mỗi chúng ta - hạt nhân của xã hội cần đoàn kết lại, lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, không để nạn bạo hành tiếp diễn, đó là hành động phi đạo đức cần phải loại bỏ, để mỗi người khoác trên mình chiếc áo blouse không cảm thấy sợ hãi và phải mang tâm lý cảnh giác khi đang thực thi nhiệm vụ. Hãy để họ được sống và cống hiến trong một môi trường văn minh và nhân ái.
Như chính BS. C. đã trải lòng sau khi bị đánh: "Tôi không thể nói là tôi đúng, tôi sai, tôi nói không ai tin. Tôi rất tiếc vì camera không có tiếng. Khi dư luận xã hội không biết tin ai, người ta không tin bác sĩ, người ta tin những người khác hơn là người cứu chữa bệnh cho mình nên tôi không muốn thanh minh với bất cứ ai”. Vâng, anh không cần phải thanh minh với bất cứ ai, không cần chiếc camera phải có tiếng bởi chỉ có điều duy nhất đáng tin là chúng ta tin vào chính mình, tin vào tình yêu nghề và lương tâm con người.
Theo Báo SKĐS
(HBĐT)-Trong khi nhiều xã tại các huyện, thành phố trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tại huyện Đà Bắc xây dựng NTM vẫn là "bài toán khó” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Đến nay, toàn huyện chưa có xã nào về đích xây dựng NTM. Nguyên nhân thì nhiều, song thu nhập và hộ nghèo là "rào cản” chính trong công cuộc xây dựng NTM của huyện.
(HBĐT) - Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Hòa Bình năm 2018.