Thôn Suối Cái có 23 hộ, 107 nhân khẩu sinh sống tập trung tại khu vực đỉnh núi Quèn Đô và rải rác dưới chân núi Đải. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, do địa hình đa phần là đồi núi cao, đất sản xuất khô hạn, toàn bộ nguồn nước tưới tiêu dựa vào thiên nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao.
Loay hoay tìm cách thoát nghèo, nhiều hộ dân trong thôn lựa chọn mô hình trồng cây lâm nghiệp để nâng cao thu nhập. Theo thống kê, so với năm 2016, diện tích trồng keo trên địa bàn thôn Suối Cái mở rộng trên 30 ha. Ngoài ra, một số hộ đã mạnh dạn vay vốn mở rộng chăn nuôi dê (170 con), trâu (45 con). Tuy nhiên, các hộ dân đang lo lắng trước thực trạng sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép giá do đường giao thông khó khăn. Theo thống kê năm 2017, thu nhập bình quân đầu người thôn Suối Cái chỉ đạt 8 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 52%. Tỷ lệ hộ dân có nước sử dụng mới đạt 65%. Nhiều hộ ở nhà tạm, bán kiên cố.
Nhiều hộ dân ở thôn Suối Cái, xã Long Sơn (Lương Sơn) chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên của thôn. Ảnh: Chị Quách Thị Tiền ở thôn Suối Cái chăm sóc vườn keo của gia đình.
Đồng chí Bùi Xuân Đệ, Trưởng thôn Suối Cái cho biết: "Đối với bà con, cản trở lớn nhất khiến kinh tế trì trệ là đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư xây dựng. 100% đường giao thông của thôn đều là nền đất xen lẫn đá tảng. Do đó, người dân gặp nhiều khó khăn để khi đi lại, vận chuyển hàng hóa xuống khu vực trung tâm tiêu thụ. Bên cạnh đó, do đường sá khó khăn nên chi phí vận chuyển hàng hóa lên khu vực Suối Cái thường có giá cao hơn so với các thôn, xóm khác. Vì làm ăn quá khó khăn nên nhiều thanh niên đã đi làm thuê ở trung tâm huyện và các thành phố lớn với mong muốn cải thiện thu nhập.
Không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đường giao thông còn gây cản trở việc đến trường của trẻ nhỏ. Được biết, toàn thôn có trên 10 học sinh theo học tại xã và các vùng lân cận. Chị Quách Thị Tiền ở thôn Suối Cái cho biết: "Hàng ngày, các cháu nhà tôi phải đi học từ 5 h sáng để kịp giờ vào lớp. Mùa khô bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội. Đặc biệt, những hôm mưa kéo dài đường trơn, trượt rất nguy hiểm, tôi buộc phải cho các cháu nghỉ học”.
Đồng chí Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Đường giao thông là vấn đề lớn nhất của thôn Suối Cái hiện nay. Nhằm giúp đỡ người dân thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí đường giao thông từ thôn Yên Lịch đến thôn Suối Cái. Công trình được khởi công vào tháng 10/2016, tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên công trình vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, chính quyền xã mong muốn các ban ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ bà con trong thôn xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên. Qua đó nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Đức Anh
(HBĐT) - Ngày 19/4, tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Lạc Thủy đã diễn ra Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam huyện Lạc Thủy lần thứ I, nhiệm kỳ 2018 – 2021.