Đáng báo động, nhiều đối tượng đứng đầu trong tổ chức tà đạo này
đã lợi dụng giáo lý, tự do tín ngưỡng, tôn giáo dùng những thủ đoạn tinh vi,
nguy hiểm nhằm lôi kéo nhiều người tham gia, trục lợi cá nhân.
Vòi bạch tuộc
Sau khi du nhập vào Việt Nam từ năm 2001 (từ một số giáo sĩ Hàn Quốc
làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân, người lao động, công nhân sau khi tham
gia lao động, học tập ở Hàn Quốc trở về truyền bá), đến nay, tổ chức "Hội thánh
Đức Chúa Trời” đã xuất hiện trên 20 tỉnh, thành phố, với hơn 2.300 tín đồ. Đáng
lo ngại là giáo lý của tổ chức này có nội dung mang tính chất "tà giáo”, không
đúng với Kinh thánh, nặng về mê tín cực đoan hơn và nhuốm màu sắc mê tín dị
đoan.
Theo tìm hiểu của phóng viên và thông tin từ các cơ quan chức
năng, "Hội thánh Đức Chúa Trời” có các đối tượng cầm đầu, tổ chức giảng đạo, hoạt
động trái phép thường được gọi là các "chấp sự”. Tổ chức tà đạo này không phân
cấp quản lý mà tổ chức theo từng nhóm (Sion) khoảng 30 tín đồ, không có chức sắc
lãnh đạo chung; tín đồ có uy tín hay hiểu biết sâu rộng về việc đạo sẽ hướng dẫn
việc sinh hoạt đạo cho các tín đồ khác. Khi đủ số lượng, một tín đồ đủ điều kiện
sẽ tách ra thành lập Sion mới và tiếp tục thu hút các tín đồ.
Đáng chú ý, các đối tượng được xem chủ chốt trong "Hội thánh Đức
Chúa Trời” thường lợi dụng danh nghĩa mở các văn phòng đại diện, thành lập công
ty, buôn bán hàng đa cấp, trung tâm từ thiện, nhân đạo trá hình... với mục đích
là tuyên truyền, phát triển tổ chức.
Tại Hà Nội, hoạt động của tổ chức này xuất hiện từ năm 2012 tới
nay và Hà Nội là nơi có nhiều Sion nhất, lên tới hàng trăm Sion. Các điểm nhóm
điển hình được kể đến là Sion ở các phường Mộ Lao, phường Quang Trung, phường
Dương Nội (quận Hà Đông), khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều (huyện Thanh Trì),
phường Đức Giang, khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên)…
Trước đây, các đối tượng thường thuê nhà 2-3 tầng với giá vài chục
triệu đồng/tháng để làm nơi tụ tập, truyền đạo trái phép, nhưng hiện nay do bị
kiểm tra nên các đối tượng đã chia cơ sở nhỏ lẻ hơn để dễ dàng chuyển địa điểm
nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, hoạt động của "Hội thánh Đức Chúa Trời”
cũng diễn ra phức tạp tại nhiều quận, huyện như Kiến An, Thủy Nguyên, Tiên
Lãng... với hơn 200 người tham gia, chủ yếu là phụ nữ, sinh viên.
Theo PA88 Công an Hải Phòng, qua công tác điều tra cơ bản và đấu
tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật, lực lượng chức năng đã phát hiện
người đứng đầu tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời” ở Hải Phòng là đối tượng Đàm
Văn Mạnh (29 tuổi, ở thôn Hầu, Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Đối tượng Mạnh
là lao động tự do nhưng lại núp bóng giám đốc chi nhánh một công ty chuyên bán
hàng đa cấp ở khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông). Ngoài ra, chung quanh Mạnh còn
5 đối tượng cốt cán khác và hơn 10 giảng đạo, "chấp sự” của tổ chức này.
Một nhóm của tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời” tổ chức truyền đạo
trái phép
Lợi dụng tự do tín ngưỡng
Mặc dù không nằm trong hệ phái và các nhóm đạo Tin Lành Việt Nam
được Nhà nước công nhận, nhưng tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời” vẫn lợi dụng
quyền tự do tín ngưỡng để thực hiện việc truyền đạo trái phép, thậm chí chia rẽ
tôn giáo khi nhiều đối tượng trong nhóm này thường xuyên lôi kéo tín đồ, kể cả
các tín đồ thuộc Hội thánh Tin Lành khác.
Số đối tượng cầm đầu tổ chức này ở một số địa phương có dấu hiệu lợi
dụng giáo lý, giáo luật, ép buộc tín đồ dâng hiến 1/10 thu nhập để trục lợi, thể
hiện qua việc quản lý thu, chi không rõ ràng, minh bạch. Theo yêu cầu của một số
"chấp sự”, những người đã được tuyển chọn khi đến nghe giảng đạo đều phải "tự
nguyện” cho vào phong bì đã in sẵn chữ "Cha mẹ yêu anh em rất nhiều” do người
giúp việc của trưởng nhóm Sion đưa, mỗi ca nghe giảng đạo 2 giờ là 50.000 đồng,
còn người ở lại với tổ chức này thì nam giới sẽ được bố trí chạy xe ôm, còn với
nữ thì đi bán bóng bay, mỹ phẩm... Cuối ngày, họ cho tiền vào phong bì rồi nộp
cho trưởng nhóm 100.000 - 200.000 đồng.
Để lôi kéo được nhiều người tham gia vào tổ chức, những kẻ cầm đầu,
"chấp sự” trong tổ chức thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của
không ít người, dùng các luận điệu như: ngày tận thế sắp đến, chia sẻ tình yêu
thương, không cần làm gì cũng được sung sướng... nhằm tác động đến suy nghĩ,
hành động để họ đi theo tổ chức tà đạo này.
Tinh vi hơn, nhiều đối tượng cầm đầu còn lợi dụng tâm lý lập nghiệp,
mong muốn làm giàu của thanh niên, sinh viên để mời họ tham gia các lớp học,
hội thảo kỹ năng mềm, qua đó mượn danh tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo số người
tham dự tham gia.
Thậm chí, không chỉ có những tác động về tâm lý, nhiều kẻ cầm đầu
còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ về kinh tế như: thuê nhà cho sinh viên ở các
tỉnh xa, hỗ trợ tiền sinh hoạt... để các sinh viên này tham gia và trở thành
tín đồ lôi kéo bạn bè khác tham gia.
Nguy hiểm hơn, một số người cầm đầu các Sion còn đưa ra những mức
thưởng bằng vật phẩm, hoặc tiền cho những ai lôi kéo được những người thân, bạn
bè, hàng xóm tham gia vào hội, thậm chí nếu lôi kéo được nhiều người sẽ được
phong lên làm "chấp sự” giảng đạo. Nếu ai đã tham gia vào tổ chức tà đạo này
khi có ý định rời bỏ sẽ bị đe dọa là kẻ phản bội, phải bị xử tử, chết không được
siêu thoát...
Qua tiếp xúc với nhiều gia đình có người thân tham gia vào "Hội
thánh Đức Chúa Trời”, chúng tôi nhận thấy hầu hết họ thất vọng, đau khổ với cảnh
gia đình tan nát, tương lai của người thân mù mịt, tối tăm khi những người tham
gia tà đạo này bỏ bê công việc, lao động, học tập, vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí
ly hôn.
Cảnh giác đối với việc dụ dỗ, tuyên truyền về ngày tận thế
Phản ứng trước hoạt động tôn giáo trái pháp luật, mê tín dị đoan của
tổ chức "Hội thánh Đức Chúa Trời”, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo
Chính phủ, nêu rõ: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng
của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe,
tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung
ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên
"Hội thánh Đức Chúa Trời” và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm
theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe,
tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của
pháp luật.
Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi quần chúng nhân dân nâng
cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất
và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh
thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc.
TheoSGGP