(HBĐT) -Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc da cam /dioxin vẫn đè nặng, tàn phá nhiều gia đình tại Việt Nam. Không trực tiếp nằm trong vùng rải hóa học nhưng với hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, trực tiếp chiến đấu dưới những cánh rừng trụi lá bởi hóa chất, nhiều người lính của tỉnh ta trở về mang trên mình nỗi đau da cam, những di chứng đã truyền đến thế hệ thứ ba.


Bằng các nguồn vốn hỗ trợ, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng nhà tình nghĩa cho hội viên khó khăn về nhà ở tại xã Yên Trị (Yên Thủy).

 

Cùng cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam / dioxin tỉnh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Nọi - CCB thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xóm Dệ, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong. Gần 70 tuổi, sức tàn, tóc bạc nhưng ông Nọi vẫn phải lao động để nuôi 3 con mù lòa. ông Nọi kể: Năm 1970, theo tiếng gọi của Đảng, tôi cùng hàng nghìn thanh niên quê hương Hòa Bình lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn đi cứu nước. Sau thời gian huấn luyện, tôi vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nơi đế quốc Mỹ rải hàng nghìn lít chất độc hóa học dioxin. Có những ngày, cả bầu trời đục ngàu màu da cam. Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cánh rừng bị trụi lá, trở thành vùng đất chết.

 

Năm 1975, với chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa bình được lập lại, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nọi trở về quê hương Cao Phong với mong muốn có cuộc sống bình yên bên gia đình. Sau đó, ông xây dựng gia đình, bắt đầu cuộc sống mới. Với ông, hạnh phúc gia đình ngắn ngủi khi lần lượt ba con ra đời đều không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đã hơn 30 năm, ông Nọi vừa phải đánh vật với những căn bệnh phát sinh do di chứng của chất độc hóa học, vừa phải lao động kiếm tiền nuôi các con.

 

Đó cũng là nỗi đau chung của rất nhiều nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin. Nỗi đau của những căn bệnh quái ác dày vò, là những đứa trẻ sinh ra trong thời bình nhưng phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh, là những ông bố, bà mẹ sức cùng, lực kiệt vẫn phải làm lụng để nuôi nấng những đứa con không vẹn nguyên hình hài và đau đáu nỗi lo sau này mình qua đời thì những mảnh đời bất hạnh ấy biết nhờ cậy ai?. ông Vũ Công Đào, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 3.700 nạn nhân chất độc da cam dioxin, trong đó 3.064 nạn nhân trực tiếp, 625 nạn nhân gián tiếp, có 204 cháu là di chứng đời thứ ba. Điều đáng nói là hầu hết nạn nhân trực tiếp hiện nay đều là những người đã già yếu và mang trong mình nhiều bệnh tật. Mong muốn lớn nhất của họ là được đi điều trị thải độc để có sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, đau đáu của họ không phải là những đau đớn của bản thân mà chính là thế hệ di chứng thứ hai, thứ ba. Hiện nay, thế hệ này dù không bị phơi nhiễm trực tiếp nhưng mà lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, bại não, mù lòa, câm điếc…, mọi sinh hoạt của bản thân đều phải dựa vào gia đình, người thân nhưng sẽ ra sao khi người thân duy nhất có thể giúp họ chính là ông bà, cha mẹ, những người mang trong mình chất độc và ngày một già yếu.

 

Trong những năm qua, nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã luôn quan tâm đến đối tượng nạn nhân chất độc da cam / dioxin. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam luôn được triển khai thực hiện. Bằng các nguồn lực, 5 năm trở lại đây, tỉnh ta đã trao tặng hơn 15 nghìn suất quà cho nạn nhân da cam, trị giá hơn 10 tỷ đồng; tặng 195 sổ tiết kiệm, trị giá 143 triệu đồng; tặng 24 con bò, trị giá 286 triệu đồng; trợ cấp khó khăn trực tiếp cho 452 nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, nỗi đau mang tên chất độc da cam vẫn hết sức dai dẳng và nhức nhối. Đó là di chứng của thế hệ thứ ba. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vẫn còn đó hàng trăm đứa trẻ với nguy cơ dị tật, di dạng do ảnh hưởng của chất độc. Tuy nhiên, di chứng thế hệ thứ ba hiện chưa có bất cứ chế độ hỗ trợ nào đó thực sự là nỗi nhức nhối không chỉ của những người lính đã dành cả tuổi trẻ, máu xương của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn của cả xã hội.

 

                                                                                          P.L

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục