Hãi hùng chó thả rông
Sáng 7/4 vừa qua, trên đường đi làm, dù điều khiển xe máy với tốc độ không cao nhưng anh Bùi Vĩnh Lộc ở tổ 10, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đã bị ngã gẫy xương do đâm vào 1 con chó trên đường. "Hai con chó đang nô nhau ở lề đường, đột nhiên 1 con bỏ chạy lao ra giữa đường làm tôi không kịp trở tay. Tôi bị ngã, đi chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ kết luận bị gẫy xương bả vai và phải đeo nẹp” - Anh Bùi Vĩnh Lộc chia sẻ.
Việc tham gia giao thông bất ngờ đâm vào chó và bị thương, thậm chí tử vong không phải là chuyện hiếm. Cô Nguyễn Thị Bằng ở tổ 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) từng đâm vào chó, bị ngã và đứt gân chân trái, phải mổ chân phải để lấy gân nối sang. Công tác tại một trường tiểu học ở thành phố, cô phải xin nghỉ dạy 3 tháng mới đi làm trở lại được.
Bên cạnh đó, chó thả rông phóng uế bừa bãi ra đường gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng chó thả rông cắn người lây truyền bệnh dại.
Phổ biến chó thả rông, "vênh” số liệu
Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Từ T.ư đến UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục đã có các văn bản về tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh dại, quản lý chó nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó. Song, dường như vẫn trong tình trạng "trên nóng, dưới nguội”. Công tác quản lý đàn chó còn nhiều hạn chế. Tình trạng chó thả rông, không xích nhốt, nhất là ở vùng nông thôn phổ biến. Một bộ phận người dân chủ quan với bệnh dại. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quan tâm, phó mặc cho nhân viên thú y cơ sở, không xử lý triệt để chủ nuôi cố tình không tiêm phòng dại cho chó theo quy định (chưa có chủ nuôi chó nào bị phạt). Tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó chưa đạt kế hoạch. Trong khi đó, số liệu thống kê đàn chó của Chi cục CN&TY tỉnh với Cục Thống kê tỉnh "vênh” nhau khá nhiều, gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch tiêm phòng.
Cụ thể, tính đến tháng 12/2017, theo số liệu của Chi cục CN&TY, toàn tỉnh có 110.521 con chó. Còn theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn chó là 141.269 con. Hai số liệu "vênh” nhau đến 30.748 con. Chi cục CN&TY đề ra kế hoạch tiêm phòng dại đạt 82% tổng đàn chó. Thực hiện chiến dịch năm 2018, tính đến tháng 4, lực lượng thú ý đã tiêm được 61.905 con. Nếu so với tổng đàn theo số liệu của Chi cục đạt 56% nhưng so với số liệu của Cục Thống kê tỉnh chỉ đạt 43,8%. Do tỷ lệ tiêm đạt thấp nên Chi cục chỉ đạo lực lượng thú y tiêm bổ sung. Một số huyện có tỷ lệ tiêm thấp gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn…
Để quy định đi vào thực tiễn
Tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó là bắt buộc và được quy định tại Thông tư số 07, ngày 13/5/2016 của Bộ NN&PTNT. Nghị định số 90, ngày 31/7/2017 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nêu: Hành vi không đeo rọ mõm, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng. Song, ở nhiều nơi, chó vẫn chạy rông ngoài đường như chưa hề có quy định.
Theo Trưởng phòng Thú y Nguyễn Văn Tuấn, chính quyền các cấp cần nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo phòng, chống bệnh dại và đưa kết quả thực hiện vào tiêu chí thi đua. Thực tế một số huyện có sự quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó đạt cao như Lạc Sơn, Tân Lạc. Cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó chính là phòng bệnh dại cho người.
Sở NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng dại và khống chế bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cần xác định công tác phòng, chống bệnh dại là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Minh Châu