Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đà Bắc được hoàn thành đúng vào dịp 27/7/2018.
Huyện cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày "Thương binh – liệt sỹ” và thực hiện các hoạt động thiết thực, cụ thể để người có công và thân nhân của họ đều được quan tâm, chăm sóc, ổn định về vật chất, động viên về tinh thần”. Đó là chia sẻ của đồng chí Xa Văn Chí, Trưởng phòng LĐ-TB&XH về những nội dung, phần việc cụ thể mà huyện Đà Bắc triển khai thực hiện trong tháng hành động "Vì người có công với cách mạng huyện Đà Bắc năm 2018”.
Tính đến tháng 7/2018, huyện Đà Bắc có gần 400 người đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến và được công nhận liệt sỹ, 105 người được công nhận là thương binh, 17 người được công nhận là bệnh binh, 9 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 lão thành cách mạng, 5 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 anh hùng LLVT liệt sỹ, 1 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, trên 3.000 người được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến và 131 người tham gia kháng chiến, con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Hiện nay, huyện đang tiến hành việc chi trả chế độ thường xuyên cho 361 đối tượng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Những năm qua, công tác chăm sóc người có công luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như với hồ sơ thờ cúng liệt sỹ còn một số trường hợp khi thay đổi thân nhân nhận thờ cúng liệt sỹ không còn giấy tờ, hồ sơ gốc của liệt sỹ nên bị tạm dừng hưởng chế độ thờ cúng. Công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và người có công cách mạng vẫn tồn đọng do không có giấy tờ gốc, một số người có công khi lập hồ sơ kê khai họ, tên không phù hợp hồ sơ gốc nên vẫn tồn đọng đối tượng tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến nhưng chưa được hưởng chế độ. Đặc biệt, đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính thì quy định hiện hành yêu cầu đối tượng phải có giấy tờ pháp lý lập trước ngày 30/4/1975 ghi mắc bệnh trên. Điều này là không thể đáp ứng được.
Vượt lên những vướng mắc đó, phòng LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện tốt công tác hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ, thực hiện các chế độ của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong năm 2018, huyện đã có 129 người có công được điều dưỡng (30 người đi điều dưỡng tại Trung tâm người có công huyện Kim Bôi, 99 người điều dưỡng tại gia đình). Công tác chi trả trợ cấp thường xuyên một lần, quà lễ, tết cho các đối tượng chính sách được thực hiện đúng, đủ. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 49 nhà tình nghĩa, hiện đang chuẩn bị xây dựng 11 căn. Nghĩa trang liệt sỹ huyện đang được nâng cấp xây dựng với tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong dịp 27/7/2018.
Trong "Tháng hành động vì người có công với cách mạng” năm 2018, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Phát động vận động ủng bộ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa”; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho người có công; hỗ trợ người có công cải thiện về nhà ở, tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách. Tổ chức đoàn cán bộ của huyện Đà Bắc đi thăm viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Tây Ninh; tổ chức lễ dâng hương và đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ, mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện, nhà bia ghi tên các liệt sỹ trên địa bàn huyện.