Bài 3 - Đồng bộ các giải pháp để nghị quyết đi vào cuộc sống
(HBĐT) - Chủ trương về công tác dân số của T.ư và tỉnh đã có những điểm mới và mục tiêu cụ thể phù hợp với tình hình của đất nước. Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế đã nêu và thách thức đang đặt ra trong việc tổ chức đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Cán bộ, công chức Chi
cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh bàn cách thức triển khai hiệu quả
chính sách dân số trong tình hình mới.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền
Đây chính là giải pháp đầu tiên mà T.ư và tỉnh đề ra
để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Bởi
một trong những nguyên nhân hàng đầu của những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra
là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu
dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ. Từ
đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, thiếu hiệu quả. Trong tình hình
mới, với những quan điểm chỉ đạo mới, nội dung chuyển trọng tâm sang chính sách
dân số và phát triển thì vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc nghiêm túc
quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo hiện
thực hóa các mục tiêu đặt ra có vai trò then chốt.
Nói
về bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản
giai đoạn 2011 - 2020, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng:
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đi đôi với
việc kiểm tra thường xuyên, sâu sát và nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cơ
quan, đơn vị là yếu tố quyết định thành công. Bên cạnh đó, phát huy tính chủ
động trong công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trên cơ sở hợp đồng
trách nhiệm, lồng ghép nội dung này với chương trình công tác thường xuyên của
các đơn vị. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động của BTV
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai; đánh giá tình hình thực
hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 và đề ra mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đến năm 2025, 2030; xây dựng Tờ trình BTV Tỉnh
ủy ban hành Chỉ thị về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS)...
Để Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào cuộc sống, cần thực
hiện các giải pháp BTV Tỉnh ủy đã chỉ ra. Trước hết là nâng cao vai trò, trách
nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH từ tỉnh
đến cơ sở, của toàn xã hội đối với công tác dân số trong tình hình mới. Đưa
công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung quan
trọng trong chương trình hoạt động của hệ thống chính trị; lồng ghép có hiệu
quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, từng
ngành, từng địa phương; phát huy tối đa lợi thế dân số vàng để phát triển KT-XH
nhanh và bền vững, bảo đảm QP-AN. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán
bộ, đảng viên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
Gắn bó nhiều năm với công tác dân số, Chi cục trưởng
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương đúc rút: Cán bộ cơ sở phải quan
tâm, vào cuộc thì thực hiện các hoạt động tại cơ sở mới hiệu quả. Trung ương,
tỉnh có lãnh đạo, chỉ đạo "nóng” thế nào mà cán bộ ở cấp xóm, xã "nguội”, không
quan tâm và gương mẫu thì Nghị quyết không thể đi vào cuộc sống. Cần nắm chắc
đối tượng và phòng ngừa ngay từ đầu, ví như vấn nạn tảo hôn có thể ngăn chặn
được nếu cán bộ sâu sát.
Đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, vận động
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền,
công tác tuyên truyền, vận động cũng được tỉnh xác định cần được đặc biệt quan
tâm. Truyền thông thay đổi hành vi phải được đổi mới cả về nội dung, phương
pháp, địa bàn triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng nhóm đối tượng. Để thực
hiện được điều này, Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ, giải
pháp là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ chuyên
trách dân số và cộng tác viên dân số thôn, xóm, tổ dân phố. Tranh thủ sự ủng
hộ, tham gia tuyên truyền, vận động từ các chức sắc tôn giáo, người có uy tín
trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là
tiếp tục, kiên trì thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo
đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con, nuôi dạy con tốt; ngăn ngừa tư
tưởng, tâm lý không hạn chế số con; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng
giới; giảm thiểu MCBGTKS. Đẩy mạnh công tác truyền thông về vận động, tạo phong
trào mọi người dân thường xuyên luyện tập TD-TT, có lối sống lành mạnh, chế độ
dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực. Nâng cao nhận thức
cho người dân, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và
hôn nhân cận huyết thống...
Thực
tế cho thấy, truyền thông vận động là một trong những giải pháp quan trọng, tác
động trực tiếp đến thành công của ngành Dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW với
nhiều điểm mới được đánh giá mang tính bước ngoặt, thay đổi đến tận gốc. Vì
vậy, truyền thông vừa phải đi trước một bước, vừa lâu dài, kiên trì, khéo léo,
phù hợp với đặc thù. "Công tác truyền thông vận động phải được cụ thể hóa theo
từng địa phương, nhóm đối tượng như vùng dân tộc Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò tập
trung vào vấn đề tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên nhiều. Năm 2017 có 75 trường
hợp người Mông tảo hôn và 6 tháng năm 2018 là 35 trường hợp. Trung tâm DS-KHHGĐ
huyện đã thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Mông để đồng bào hiểu. Các nhà
trường trước còn khá e dè trong truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành
niên, cần chung tay trong tuyên truyền, định hướng hình thành kiến thức, kỹ
năng đúng đắn cho học sinh. Ví như hiểu biết về tác hại của hôn nhân cận huyết
thống, tảo hôn, các biện pháp tránh thai, bình đẳng giới... Một số chỉ tiêu
tỉnh đặt ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW như
về chiều cao, xét nghiệm trước hôn nhân… khá khó đối với huyện vùng cao nên cần
đồng bộ giải pháp và quyết tâm cao trong thực hiện.” Giám đốc Trung tâm
DS-KHHGĐ huyện Mai Châu Hà Thị Dậu chia sẻ.
Là
một trong những điểm "nóng” về MCBGTKS, những năm qua, tỉnh tập trung nhiều
giải pháp để kiểm soát, trong đó có công tác truyền thông. Ngoài tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa ở thôn xóm, phát tờ gấp…
đã tăng cường truyền thông đến đối tượng khó tiếp cận. Năm 2017, ngành Dân số
tỉnh tổ chức tuyên truyền tới nhân dân 7 xã vùng sâu, xa, khó khăn của các
huyện: Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi với nhiều hình thức như nói
chuyện chuyên đề, buổi tối tổ chức sân khấu hóa có giao lưu, tương tác với bà
con. Già làng, trưởng bản, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể cũng được mời
đến tham dự. So với năm 2011, tình trạng MCBGTKS đã "hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức
cao. Do đó, thời gian tới, một trong những giải pháp được đưa ra là truyền
thông, giáo dục cho các đối tượng có liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn giới
tính khi sinh như các cặp vợ chồng, trưởng họ và gia đình, thanh niên chuẩn bị
kết hôn. Đồng thời, biểu dương, chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các
cháu gái trong gia đình sinh con một bề là gái chăm ngoan, học giỏi.
Hội viên phụ nữ phường Hữu Nghị
(TP Hòa Bình) tìm hiểu chính sách dân số trong tình hình
mới qua tài liệu truyền thông.
Đồng
bộ với 5 giải pháp khác
Cùng với 2 giải pháp quan trọng trên, để đạt được mục
tiêu về công tác dân số trong tình hình mới, Chương trình hành động của tỉnh
đồng thời đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp khác. Đó là thực hiện đầy đủ, kịp
thời và hiệu quả các chính sách, pháp luật về công tác dân số: Căn cứ vào tình
hình thực tiễn, các địa phương nghiên cứu, đề xuất bổ sung, xây dựng các chính
sách cụ thể trên địa bàn, trong đó chú trọng giải quyết toàn diện các vấn đề về
quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số của tỉnh.
Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ
dân số: Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số; huy
động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội; phát
triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước
sinh và sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn
nhân. Phát huy vai trò mạng lưới y tế tư nhân nhằm góp phần tạo điều kiện thuận
lợi cho người dân dễ tiếp cận các dịch vụ về dân số; củng cố mạng lưới cung cấp
dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trong các cơ sở y tế công lập; đổi mới phương
thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua
mạng. Phát triển các dịch vụ TD-TT, vui chơi, giải trí lành mạnh. Phát triển
mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế; khuyến khích phát
triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi tại cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp
với người cao tuổi. Đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số: Quản lý và sử dụng
hiệu quả nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu y tế - dân số; ngoài kinh
phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương cân đối đảm bảo đủ nguồn
kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác dân số; huy động xã hội hóa, lồng
ghép các chương trình, dự án tại địa phương.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ
cán bộ dân số: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho
đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ theo hướng chuyên sâu; ổn định đội ngũ
cộng tác viên dân số và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao năng lực và
hiệu quả hoạt động của đội ngũ này ở các thôn, xóm, tổ dân phố... Tăng cường
hợp tác quốc tế.
Cẩm Lệ
Nhóm ý kiến:
Quan tâm giải quyết những vấn đề đặt ra trong
công tác dân số
Công tác dân số trên địa bàn huyện Cao Phong những năm
qua đã có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức như tình trạng tảo
hôn, sinh con thứ ba trở lên, suy dinh dưỡng trẻ em… Năm 2017, huyện có 45
trường hợp tảo hôn, 7 tháng năm 2018 có 5 trường hợp. Một số xã có người sinh con thứ 3, trong đó có cả cán bộ, đảng viên; đối với nhân dân
có trường hợp sinh con thứ 4... Những vấn đề đó ảnh hưởng đến chất lượng dân
số.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng dân số, giải quyết
các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số
21-NQ/TW là vấn đề cấp ủy Đảng, chính quyền huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Huyện ủy xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động số 21 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn.
Quách Văn Ngoan
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao phong
Nhận thức đúng để hành động đúng
Huyện
Kim Bôi đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ban hành kế hoạch thực
hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy. Song, qua nắm bắt có
những cán bộ cơ sở dù đã được quán triệt, đi tiếp thu các nội dung của Nghị
quyết nhưng vẫn chưa hiểu đầy đủ về một số điểm mới như nhiều người cho rằng đã
thoải mái sinh con thứ 3. Từ đó cho thấy, công tác quán triệt, truyền thông để
trước hết cán bộ hiểu đúng về Nghị quyết rất quan trọng, từ đó mới tuyên
truyền, vận động nhân dân thực hiện được. Toàn huyện có 353 cộng tác viên dân
số nhưng công tác dân số là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, nếu cán bộ xã, xóm không hiểu đúng thì triển khai thực
hiện khó khăn. Trong khi công tác dân số còn nhiều thách nhức như vấn đề tảo
hôn, bệnh thalasemia tiềm ẩn trong cộng đồng, suy dinh dưỡng trẻ em...
Phạm Thị Thủy
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Kim Bôi
(HBĐT) - Hiện nay, tổng số trẻ em toàn tỉnh có 209.383, chiếm 25% dân số, trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2.499 trẻ và 38.696 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Vấn đề trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp.
Một ngày sau khi bị khai trừ Đảng, ông Triệu bị UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) buộc thôi việc.
Sau 3 phiên họp, đại diện doanh nghiệp và người lao động đã tìm được tiếng nói chung về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
(HBĐT) - Vừa qua, tại xã Miền Đồi, Chương trình vùng huyện Lạc Sơn (thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Miền Đồi tổ chức giao lưu Truyền thông chủ đề "Phòng ngừa xâm hại trẻ em”. Tham gia chương trình truyền thông có lãnh đạo Chương trình vùng huyện, lãnh đạo Đảng ủy xã Miền Đồi, các đoàn thể xã cùng đông đảo nhân dân xã Miền Đồi tham gia cổ vũ.
Bài 1 - Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức
(HBĐT) - Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng của nhân dân, công tác dân số của tỉnh có chuyển biến tích cực, đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề "nóng”.
Ông Nguyễn Bình Triệu bị Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) khai trừ Đảng vì hành vi sàm sỡ nữ đồng nghiệp.