Bài 1 - Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức

(HBĐT) - Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng của nhân dân, công tác dân số của tỉnh có chuyển biến tích cực, đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề "nóng”.


Cán bộ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tư vấn sức khỏe cho bà mẹ mang thai.

Chuyển biến tích cực trong công tác dân số

Hòa Bình là tỉnh miền núi với nhiều dân tộc cùng chung sống, dân số tính đến cuối năm 2017 có 892.412 người, trong đó người Mường chiếm 63,3%, người Kinh 27,73%, còn lại là các dân tộc như Thái, Tày, Dao, Mông… Thượng Tiến là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi với dân số trên 1.400 người, 99% là dân tộc Mường. Nghèo đói - sinh nhiều - không chăm sóc được tốt - nghèo đói… là cái vòng luẩn quẩn mà Chủ tịch Hội LHPN xã Bùi Thị Hường đã thấm thía từ khi còn là cộng tác viên dân số năm 1995. Chị chia sẻ: Khi đó vẫn còn những cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, nhiều người có tư tưởng phải sinh con trai để nối dõi tông đường… Tư tưởng ăn sâu không dễ gì thay đổi nên công tác tuyên truyền phải kiên trì, khéo léo, chia sẻ một cách gần gũi. Nhiều chị em tâm sự không muốn sinh nhiều nhưng do áp lực từ chồng và gia đình nhà chồng nên phải theo. Do đó, với nam giới phải tận dụng mọi lúc, mọi nơi có thể như khi đi làm đồng, đi đám cưới, tranh thủ những lúc vui vẻ để vận động. Ngoài nói chuyện về những chủ trương, chính sách về công tác dân số, tôi lấy ví dụ về những gia đình sinh 2 con, nhất là 2 con gái nuôi dạy con tốt. Liên tục 19 năm trở lại đây, Thượng Tiến không có người sinh con thứ 3. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã 0,8%. Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, tập trung chăm sóc, nuôi dạy con đã từng bước nâng cao chất lượng dân số của xã.

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản nhằm cụ thể hóa, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Giai đoạn 2011 - 2017 đã có 16 văn bản được ban hành về thực hiện chiến lược dân số, sức khỏe sinh sản; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và mắc bệnh tan máu bẩm sinh thalasemia; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng với tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên; giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ 4 và 5; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao hiệu quả công tác dân số; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em…

Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ được thành lập từ tỉnh đến cấp xã. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng của nhân dân các dân tộc, công tác dân số của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng.

Thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh đánh giá: Nhận thức của toàn xã hội đã chuyển biến trong chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, ít con ngày càng rộng rãi, từ đó tác động trực tiếp, có hiệu quả đến sự phát triển KT-XH ở địa phương. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn xấp xỉ 1%. Tỉnh đạt mức sinh thay thế từ năm 2005 và duy trì đến nay. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thấp dưới 7%, chất lượng dân số từng bước được nâng lên cả về thể lực và trí lực. Trên 99% phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén hàng năm và sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân giảm từ 21,6% năm 2011 xuống 16,8% năm 2017; thể thấp còi giảm từ 28,9% xuống 24,9%... Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được xét nghiệm sàng lọc gen bệnh thalasemia; sàng lọc sơ sinh xét nghiệm phát hiện bệnh suy giáp bẩm sinh. Từ năm 2015, tỉnh triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong khuôn khổ chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ…

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Đến buồng máu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhiều lần nhưng lần nào chúng tôi cũng xót xa khi chứng kiến những em nhỏ thường xuyên phải truyền máu để chống chọi với bệnh thiếu máu tán huyết và sợi dây truyền máu quấn lấy cuộc đời con trẻ. 13 tuổi nhưng cháu Đinh Thế Giang ở xã Cao Răm (Lương Sơn) chỉ cao 1,3 m và mang những dấu hiệu đặc trưng của bệnh thalasemia như mặt xanh xao, mũi tẹt, bụng trướng to... Tháng nào Giang cũng phải nghỉ học 1 tuần để đến bệnh viện truyền máu, có lúc chỉ cách 10 ngày đã phải quay lại truyền.

Khoa đang điều trị cho gần 400 bệnh nhi mắc bệnh thalasemia. Khánh kiệt kinh tế, suy sụp tinh thần là hoàn cảnh éo le của những gia đình có con mắc bệnh lý huyết học di truyền này. Người bệnh không thể tự sinh ra máu để nuôi cơ thể mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn máu truyền định kỳ. Hai người mang gen bệnh lấy nhau sẽ sinh ra những đứa con mắc bệnh. Đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số. Trong khi đó, theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhi T.ư đối với 22.369 trường hợp trong 4 năm (2011-2015) tại một số xã của tất cả các huyện trong tỉnh cho thấy có 15,4% người mang gen bệnh, 45 cặp vợ chồng được chẩn đoán trước sinh và 12 trường hợp phải đình chỉ thai. Như vậy, bệnh thalasemia còn tiềm ẩn trong cộng đồng, trong khi nhiều người chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm trước khi kết hôn.

Ngoài ra, MCBGTKS vẫn là vấn đề "nóng” trong công tác dân số của tỉnh. Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh tình trạng MCBGTKS cao nhất cả nước; năm 2011 là 119,9 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2017 giảm nhưng vẫn ở mức cao 115,1 trẻ trai/100 trẻ gái (cả nước là 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái và T.ư nhận định đã ở mức nghiêm trọng). Tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, năm 2016 là 476 trường hợp, năm 2017 là 399 trường hợp. ở vùng sâu, xa, khó khăn, người dân sống chủ yếu dựa vào kinh tế nông nghiệp và đồi rừng, hộ nghèo cao, nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em còn hạn chế, từ đó sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa được đảm bảo tốt.

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993 của Hội nghị lần thứ tư BCH T.ư Đảng khóa VII về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, BTV Tỉnh ủy nêu những hạn chế, yếu kém. Đó là: Mức sinh ở các vùng không giống nhau, giảm sinh nhưng chưa bền vững. Nghịch lý là người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng (đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, xa) còn sinh nhiều con, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng, trong đó có một số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Tuổi thọ trung bình thấp hơn tuổi thọ bình quân toàn quốc (năm 2016 là 72,4 tuổi so với 73,5 tuổi). Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số địa bàn, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm thay đổi. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp cơ sở còn thấp...

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém được xác định là một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ, chưa nhận thức đúng và đầy đủ về công tác DS-KHHGĐ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, hiệu quả thấp. Thiếu nguồn lực đầu tư; còn nặng về công tác kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn trong một bộ phận dân cư, kể cả cán bộ, đảng viên. ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo, nhất là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số có đạo không chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Các vấn đề nêu trên là những thách thức đặt ra trong công tác DS-KHHGĐ hiện nay và những năm tiếp theo, cũng như việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu BCH T.ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

(Còn nữa)

Cẩm Lệ

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục