Xóm Can, xã Độc Lập thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, cơ sở vật chất, đường giao thông khó khăn, trình độ sản xuất, canh tác còn lạc hậu, nông sản chủ yếu tự cung, tự cấp. Tuy vậy, từ khi được huyện, tỉnh chọn làm điểm thực hiện đề án xây dựng "Làng văn hóa - quốc phòng - an ninh”, bộ mặt vùng quê nghèo ngày càng tươi sáng.
Cùng sống với những thăng trầm, đổi thay của xóm, ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng xóm Can, xã Độc Lập cho biết: "Với điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông bất lợi, nông sản chủ yếu tự cung, tự cấp nên tư duy sản xuất, trình độ canh tác của bà con nơi đây còn hạn chế, đời sống bấp bênh. Nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đường sá chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, nguồn đóng góp của nhân dân hầu như không có. Từ khi Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện cùng các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, quan tâm giúp đỡ, đời sống nhân dân đã chuyển biến đáng kể”.
Quân và dân xóm Can, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình "Làng văn hóa quốc phòng và an ninh”.
Với mục tiêu xây dựng xóm Can làm khu vực phòng thủ huyện, tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương trong tình hình mới, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng sâu, vùng xa, xóm được Đảng ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, chú trọng. Khởi đầu từ mô hình "Làng văn hóa” từ năm 2005, tuy mới ở những bước đi đầu nhưng quá trình xây dựng "Làng văn hóa - quốc phòng an ninh” luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Trong nhiều năm qua, bằng những hoạt động cụ thể, quân và dân cùng làm, các đoạn đường giao thông liên thôn, xóm, công trình dân sinh được xây dựng, tu sửa và làm mới; nhiều gia đình khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà, cây, con giống để sản xuất...
Nhằm minh chứng rõ hơn tính khả thi, lợi ích to lớn của mô hình, cán bộ Ban CHQS huyện cùng đại diện mô hình đã tới từng cơ sở phân tích, làm rõ từng khúc mắc để bà con hiểu. Nhờ đó, việc triển khai mô hình ngày càng được thuận lợi, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương xây dựng các công trình hạ tầng, chuyển dịch cây trồng hiệu quả, xây dựng khu vực phòng thủ, hậu cần vững chắc. Trong đó, đáng kể nhất là thay đổi tư duy, thói quen của bà con trong sản xuất nông nghiệp. Từ phương thức sản xuất tự cung, tự cấp, đến nay hàng hóa nông sản mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Diện tích vườn tạp, đất hoang hầu như đã được loại bỏ, thay vào đó là các cây trồng như lặc lày, đậu côve, bí xanh, mướp đắng... đem lại giá trị kinh tế cao. Toàn xóm có 3 ha bí xanh, 0,5 ha mướp đắng, 1 tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch với hơn 10 hộ tham gia...
Trước kia, con đường vào xóm Can lầy lội, trời mưa trơn trượt, đi lại rất khó khăn, vất vả. Nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của quân và dân, đến nay, con đường nội xóm đã được cứng hóa hoàn toàn gồm 3 nhánh đường dài hơn 2 km. Góp công sức, tiền của nhằm hưởng ứng phong trào, 57 hộ trong xóm đã hiến 6.933 m2 đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở vật chất, nhà văn hóa, công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, quân và dân đã tích cực tham gia tổng vệ sinh hàng tháng nhằm bảo vệ môi trường sống, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp; tham gia cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây, con giống năng suất cao vào sản xuất, cải thiện và tăng thu nhập đáng kể cho nhân dân.
Trong 2017, nhân dân xóm Can cùng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tích cực tham gia xây dựng NTM, hiến 1.120 ngày công, tổ chức phát quang đường làng, ngõ xóm, khơi thông kênh mương, cống rãnh; kè 100m3 đá các đoạn đường bị sạt lở, sửa chữa nhà hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Hoàng Anh