Thế nhưng, không gian mạng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi những đứa trẻ vị thành niên lao vào một thế giới mạng rộng mở, lướt mạng, đắm mình trong bể kiến thức bao la, truy nhập vào những thư viện băng hình, tham gia vào các phòng chat và xây dựng các mạng xã hội, chúng sẽ bị phơi nhiễm trước một số hiện tượng xã hội mà trong thế giới thực chúng ta cố tránh xa.
Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng, vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam nhưng lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Không phủ nhận, từ mạng internet, nhiều người đã quen biết và trở nên thân thiết, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Nhưng đằng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Đó là những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em như: bạo lực, tình dục... hay khiến nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm, xâm hại trên môi trường mạng đều có thể xảy ra.
Đầu năm nay, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 tiếp nhận bệnh nhân là nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội. Cô gái mắc chứng trầm cảm điển hình do nghiện mạng xã hội, đến nỗi muốn đưa con nhập viện, bố mẹ em đã phải dùng đến thuốc mê để cưỡng chế...
Việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng ở xã hội, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, truy cập các trang web đen, game online không phù hợp với lứa tuổi khi không có sự giám sát của người thân, thầy, cô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của trẻ em. Nếu chúng ta không kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em đi bụi đời trên mạng xã hội và sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trẻ em là tương lai của đất nước, Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ Internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em từ các trang web đen, trò chơi online không phù hợp với trẻ em chưa được kiểm soát chặt chẽ và luôn là nỗi lo của các gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện tại, hầu hết việc truy cập Internet trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh Internet hay các mạng wifi tự do bên ngoài không có sự phân biệt người truy cập là người lớn hay trẻ em.
Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo đó, Điều 29 "Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” của Luật An ninh mạng quy định cụ thể như sau:
Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em.
Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.
Để tránh những rủi ro trên môi trường mạng, các bậc cha mẹ cần áp dụng một số giải pháp để có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được; chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web. Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em. Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…
Phạm Quang Hưng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)