Bài 2 -Loay hoay chuyện "cần câu”, "con cá”

(HBĐT) - Điều không thể phủ nhận là công tác giảm nghèo ở tỉnh ta trong hơn 2 năm qua luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững luôn có sự chủ động, linh hoạt. Kết quả đạt được khá ấn tượng với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,38% (năm 2016) ước còn 14,9% (năm 2018). Thế nhưng việc hỗ trợ thế nào cho hợp lý để thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững vẫn là chuyện đáng bàn.


Người dân xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Khi hộ nghèo miễn cưỡng nhận "con cá”

"Con cá” ở đây được hiểu là nguồn hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, muối ăn, giống ngô, lúa, cây ăn quả… cho các hộ nghèo mà tỉnh ta đã và đang triển khai, áp dụng. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, tỉnh ta đã có 110.068 lượt hộ với 462.066 nhân khẩu được cấp hỗ trợ trực tiếp bằng muối iốt, bột canh iốt, giống ngô, lúa, giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp và tiền mặt với tổng kinh phí 43.688 triệu đồng. Thực tế đối với hộ nghèo thì mọi sự hỗ trợ đều cần thiết. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ theo cách "đại trà”, không đúng đối tượng thì không những không hiệu quả mà còn gây lãng phí.

 Cách đây 3 năm, trong diễn đàn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh tại xã Thượng Cốc (Lạc Sơn), một người dân trong xã đã thẳng thắn: "Xin Nhà nước đừng hỗ trợ chúng tôi bằng muối ăn và giống lúa nữa. Muối chúng tôi ăn không hết - lãng phí, còn giống lúa, do không cùng loại giống mà các hộ khác đang cấy nên lúa của chúng tôi có thể  chín sớm hoặc muộn hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch hại,  mất mùa…”. 

Mới đây, đến với các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc… chúng tôi tiếp tục nghe phản hồi từ người dân và kiến nghị từ chính quyền địa phương về vấn đề này. Ví như huyện Đà Bắc, lãnh đạo UBND huyện đã mạnh dạn đề nghị: Nên tích hợp chính sách hỗ trợ điện chiếu sáng, dầu hỏa, muối I ốt … vào một chương trình hỗ trợ hộ nghèo. Cho rằng việc tích hợp này sẽ đỡ chồng chéo và giảm dần cơ chế cho không, từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. 

Qua khảo sát nắm bắt tình hình thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong thời gian qua, đồng chí Bùi Văn Tinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cũng có ý kiến: Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không, thay vào đó bằng các chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất thấp để vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…

Rõ ràng đã có chuyện người nghèo miễn cưỡng nhận "con cá” mà Nhà nước hỗ trợ. Không nhiều nhưng đó là điều cần lưu tâm để tạo độ thông thoáng cho lộ trình giảm nghèo bền vững.

Nên đầu tư những chiếc "cần câu” và bổ trợ thêm kỹ thuật "câu cá”

Theo ý kiến của các chuyên gia, để giảm nghèo bền vững, việc hỗ trợ "cần câu”, tức là phương tiện, tư liệu, cách thức sản xuất… cho hộ nghèo là hợp lý.  Đi kèm với nhận định này, nhiều chính sách đã được triển khai thông qua các dự án và tiểu dự án như: Dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135”; dự án "Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”; dự án "Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững” cùng các tiểu dự án:  "Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”; "Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn”… Theo đó, hàng trăm ngàn lượt hộ dân trong tỉnh đã được thụ hưởng. 

Tuy nhiên, ngay cả việc cho người nghèo "cần câu” cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Hay nói cách khác là phải đầu tư cho "chiếc cần câu” bền, chắc, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng cho người dân mới có hiệu quả. Bàn về vấn đề này, đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc trải lòng: Đà Bắc là huyện nghèo, nếu không có các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì việc thoát nghèo hay xóa nghèo có lẽ chỉ có trong giấc mơ. Bởi vậy, chúng tôi thấy tiếc ở một vài chính sách hỗ trợ chưa phát huy hết hiệu quả. Ví như việc hỗ trợ vật tư nông nghiệp, nhiều khi không khảo sát kỹ dẫn đến hỗ trợ nhầm cho các hộ dân có ruộng đồng manh mún, mô hình canh tác nhỏ lẻ. Hay như việc hỗ trợ chăn nuôi, nếu đưa con giống không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và không hướng dẫn cụ thể cách thức chăm sóc, phòng dịch, bệnh… cho bà con thì không những không thể thoát nghèo mà các hộ còn nghèo thêm. Câu chuyện của 188 hộ dân, trong đó có  121 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo thuộc 2 xã Tiền Phong, Vầy Nưa (Đà Bắc) khóc ròng vì nuôi cá lóc trên lòng hồ sông Đà đầu năm 2017 và chuyện mấy trăm hộ thuộc 2 xã Kim Truy, Cuối Hạ (Kim Bôi) khóc dở, mếu dở với những chú gà giống được hỗ trợ cho hộ nghèo theo Quyết định số 102, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ là những minh chứng cụ thể.

Ngay tại thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh băn khoăn về tính hiệu quả của mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo. Đồng chí Bùi Hồng Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) bày tỏ: Chúng tôi thấy việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là không khả thi. Bởi 3-5 hộ nuôi chung 1 con bò (hộ nuôi đầu tiên sẽ giữ lại bê con và chuyển bò mẹ sang hộ khác), nhưng thực tế có con bò giống đã nuôi 3 năm chưa đẻ, vậy hiệu quả giảm nghèo ở đâu? Đề nghị tỉnh nên nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Thời gian tới, việc hỗ trợ chăn nuôi nên đầu tư thẳng cho các hộ chứ không nên đầu tư theo nhóm. Như vậy mới nêu cao được tinh thần trách nhiệm, ý thức tự lực vươn lên của người nghèo. 

Khảo sát qua ý kiến của người dân và những người có trách nhiệm trong công tác giảm nghèo ở các địa phương, cơ sở có thể thấy, đến nay, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được hơn nửa chặng đường nhưng vẫn chưa ngã ngũ chuyện hỗ trợ người nghèo "cần câu” hay "con cá”.  Nói cách khác là chưa biết hỗ trợ người nghèo bằng tiền mặt hay hiện vật và hỗ trợ bằng cách nào cho hiệu quả. Khảo sát, đánh giá lại tình hình, kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh là việc cần làm để có hướng đầu tư phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.
            (Còn nữa)
  

                                                                           Thúy Hằng




Các tin khác


Xã Yên Bồng ổn định hoạt động sau nhập, kiện toàn xóm

(HBĐT) - Theo Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” thì Yên Bồng là 1 trong 2 xã của huyện Lạc Thủy được chọn triển khai thí điểm. Cụ thể, xã Yên Bồng đã nhập thôn Tiền Phong và thôn Hồng Phong thành thôn Hồng Phong; nhập thôn Sóc Bai và thôn Đồng Bít thành thôn Sóc Bai Đồng Bít. Sau hơn 9 tháng nhập, kiện toàn, hoạt động của các thôn đã tương đối ổn định.

Kim Bôi ra quân khởi động chiến dịch “Tình nguyện mùa đông”

(HBĐT) - Ngày 17/11, Huyện Đoàn Kim Bôi tổ chức chương trình ra quân, khởi động chiến dịch "Tình nguyện mùa đông” và Ngày thứ 7 tình nguyện tại xã chuẩn bị về đích nông thôn mới Hạ Bì.

Huyện Đà Bắc tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc cho biết: Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và sự nỗ lực của nhân dân trên địa bàn, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Huyện Lạc Sơn quan tâm, chăm sóc người cao tuổi

(HBĐT) - Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Lạc Sơn hiện có 12.901 hội viên, sinh hoạt ở 29 tổ chức cơ sở Hội. Trong những năm qua, các cấp Hội NCT trong huyện đã xây dựng kế hoạch hiệu quả, thiết thực trong các hoạt động chăm sóc NCT.

Loay hoay tìm sinh kế

(HBĐT) - Là một trong những hộ gia đình ở tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) chịu thiệt hại nặng nề khi toàn bộ ngôi nhà bị đổ sập xuống sông Đà trong đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8/2018. Sau khi được UBND thành phố cấp đất ở nơi tái định cư tại phố Ngọc, xã Trung Minh, gia đình chị Vân, anh An đã vất vả vay mượn anh em họ hàng, bạn bè xây được ngôi nhà gọi là có chỗ để ở. Khi ngôi nhà cất nóc cũng là lúc chị Vân tìm được việc làm đi trông trẻ thuê. Từ đó, ngôi nhà mới của anh chị chỉ sáng điện khi bắt đầu chiều muộn...

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em

(HBĐT) - Toàn tỉnh có 210 cán bộ làm công tác trẻ em, trong đó trình độ đại học chiếm trên 80% và hơn 2.000 cộng tác viên (CTV) tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, CTV luôn phát huy vai trò của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc 209.383 trẻ em toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục