Bài 3 - Cần "cú huých" tăng tính chủ động ở người nghèo

(HBĐT) - Muốn tạo được xung lực để giảm nghèo bền vững thì phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực. Như vậy, rõ ràng việc xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý thức chủ động vươn lên của người nghèo là điều cần thiết.


Nông dân xã An Lạc (Lạc Thủy) tiếp cận với mô hình trồng ớt xuất khẩu, cần được hỗ trợ vốn và KH-KT để mở rộng sản xuất.

Vẫn còn một bộ phận người dân không muốn thoát nghèo

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một bộ phận hộ dân không muốn thoát nghèo. Chuyện này xảy ra ở hầu khắp các xã, bao gồm cả vùng khó khăn lẫn vùng thuận lợi. Cùng việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, phường, thị trấn, hàng năm, các xóm, bản, khu dân cư tổ chức hội nghị bình xét hộ nghèo. Những cuộc họp này thường tạo áp lực lớn đối với các đồng chí trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận… bởi, có những chủ hộ đòi vào hộ nghèo. Khảo sát tình hình giảm nghèo ở cơ sở, không ít Chủ tịch UBND xã kể cho chúng tôi nghe chuyện lãnh đạo xã bị dân dọa kiện nếu không đưa họ vào diện hộ nghèo hoặc tiếp tục để họ hưởng lợi từ những chính sách dành cho người nghèo. Có chuyện như vậy là bởi dân ta vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại. 

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì trong những năm qua, người nghèo trên địa bàn tỉnh ta không chỉ được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư các nguồn lực phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng mà còn được tạo mọi điều kiện như: hỗ trợ vay vốn sản xuất, cây, con giống, tập huấn, dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, đất ở, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ tiền điện, tặng quà nhân dịp Tết. Đặc biệt, đối với con em hộ nghèo đến trường được miễn giảm tiền học phí, hỗ trợ tiền ăn bán trú…

Đồng chí Bùi Văn Chanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn chia sẻ: Lạc Sơn là một trong những huyện nghèo, hiện còn 19/28 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 25,5% (số liệu đầu năm 2018).  Xác định rõ điều kiện thực tế của địa phương, trong những năm qua, huyện luôn nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc rà soát, bình xét hộ nghèo được thực hiện công khai, minh bạch. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Lạc Sơn hầu như không có đơn thư khiếu nại, phản  ánh, thắc mắc… trong bình xét hộ nghèo. Nhưng, chuyện nể nang thì vẫn còn, tuy chưa đến mức phải xử lý. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách Nhà nước hỗ trợ nên không muốn thoát nghèo. 

Thực tế, đây không chỉ là chuyện riêng ở Lạc Sơn mà phổ biến ở 11 huyện, thành phố trong tỉnh. UBND tỉnh đã nắm bắt và nêu tại Báo cáo số 274, ngày 17/9/2018 về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2018: "… Vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ (cho không)  liên quan đến lợi ích trực tiếp của hộ nghèo. Từ đó làm mất đi động lực phát triển, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo, thậm chí muốn vào hộ nghèo để được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước”. 

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía 

Để người nghèo có nền tảng thoát nghèo thì việc hỗ trợ giống, vốn sản xuất thôi là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Như giải pháp mà Sở LĐ-TB&XH (cơ quan thường trực tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh) đưa ra cho thời gian tới là: Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể, vai trò của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. UBND chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững phù hợp với mỗi địa phương và vùng miền. 

Trăn trở với lộ trình giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng chí Võ Ngọc Kiên, Bí thư Huyện ủy Cao Phong chỉ rõ: Đa số hộ nghèo đều sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nếu chỉ sản xuất manh mún, cân đo, giành giật với thiên tai thì việc thoát nghèo đã khó, chứ chưa nói đến giảm nghèo bền vững. Vậy nên cùng với việc hỗ trợ về giống, vốn, cần hỗ trợ cho người dân cách thức tổ chức, liên kết sản xuất để tiêu thụ nông sản. Như vậy sẽ tránh được giá cả bấp bênh, tư thương ép giá, nông sản mới có thể giúp người nông dân thoát nghèo. Hiện tại, ở Cao Phong và một số địa phương trong tỉnh như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Thủy… người dân thiếu đất sản xuất, đề nghị UBND tỉnh giao quyền cho địa phương rà soát, thu hồi các dự án được cấp đất nhưng triển khai không hiệu quả để giao lại đất cho người dân sản xuất. Cấp có thẩm quyền cần giao và đánh giá trách nhiệm của cơ quan chủ trì các tiểu dự án nằm trong chương trình giảm nghèo bền vững. Khi đưa các dự án hỗ trợ về cơ sở cần khảo sát rõ thực tế, nhu cầu. Đồng thời, quản lý chất lượng, hiệu quả công trình, dự án sau đầu tư, tránh tình trạng nhiều công trình hạ tầng xây xong nhưng không sử dụng được hoặc không phù hợp với kết cấu thổ nhưỡng chỉ sau một trận mưa lũ đã hỏng…

Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo

Thực tế, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã có nhiều thay đổi (so với giai đoạn trước), trong đó đặc biệt chú trọng việc thu hút sự tham gia của người dân. Chương trình có cơ chế phân cấp, phân quyền, giao cho người dân tham gia sâu hơn trong công tác lập kế hoạch tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.  Có nghĩa là hàng năm các xóm, xã trong vùng dự án tổ chức họp dân, lấy ý kiến bàn bạc cụ thể với chừng ấy kinh phí có thể đầu tư vào việc gì? Nếu là hỗ trợ sản xuất thì trồng cây gì, nuôi con gì? Nếu là đầu tư hạ tầng cơ sở thì chọn xây mới, sửa chữa, nâng cấp công trình điện, đường hay công trình thủy lợi?… Bên cạnh đó, người dân cùng phải đóng góp kinh phí, ngày công lao động (theo hình thức đối ứng) để triển khai, thực hiện các dự án. 

Tuy nhiên, để khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, cần  phát huy hơn nữa tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo. Cùng với đó, đa dạng hóa về nguồn vốn huy động từ các chương trình, đề án phát triển KT-XH để đầu tư giảm nghèo. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm. Có như vậy mới phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra: Giai đoạn 2019 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm trên 3%/năm, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%/hộ nghèo/năm. Và điều quan trọng là tỷ lệ giảm nghèo sẽ được duy trì bền vững.


 
                                                                           Thúy Hằng






Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục