(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, huyện Cao Phong đề ra mục tiêu thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các xã, xóm đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng NTM. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản…
Người dân xã Tân Phong (Cao Phong) đầu tư trồng cây có múi, tăng thu nhập.
Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong cho biết: Thực hiện mục tiêu đề ra, từ năm 2016 đến nay, các dự án, tiểu dự án và hoạt động của Chương trình đang được triển khai thực hiện. Đối với Chương trình 135, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, từ năm 2016- 2018, tổng số vốn thực hiện 4.595 triệu đồng, hỗ trợ mua vật tư phân bón, bò lai sind sinh sản cho 536 lượt hộ, nhóm hộ hưởng lợi. Về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng số vốn T.Ư giao trong 3 năm 19.504 triệu đồng, đầu tư cho 60 hạng mục công trình. Trong 2 năm (2016 - 2017) đã có 41 công trình được đầu tư với tổng kinh phí 12.424 triệu đồng. Năm 2018 có 19 công trình với tổng mức đầu tư 10.435 triệu đồng. Có 12 công trình do huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 5.014 triệu đồng, đã giải ngân đạt 100% kế hoạch giao… Các công trình sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng đều được duy tu, bảo dưỡng phục vụphát triển KT-XH trên địa bàn.
Thực hiện dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135, huyện đã thực hiện tổng kinh phí 6.136 triệu đồng, triển khai một số mô hình, dự án phát triển sản xuất như: Mô hình chanh leo tại các xã: Xuân Phong, Đông Phong, Tây Phong, Thung Nai với tổng diện tích 2,1 ha, 4 hộ tham gia. Mô hình cải tạo vườn tạp trồng bưởi Cát Quế tại các xã Tây phong, Nam Phong, Tân Phong, Xuân Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Yên Thượng, Yên Lập, tổng diện tích 51,71 ha với 233 hộ tham gia. Dự án hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cam Cao Phong theo hướng nâng cao chứng nhận chất lượng và quản lý thương hiệu năm 2017- 2018 tại các xã Tân Phong, Thu Phong, Dũng Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Đông Phong và vùng phụ cận, tổng diện tích 400 ha với 350 hộ tham gia. Đề án cải tạo vườn tạp trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh tại 12 xã với tổng diện tích 57 ha, 667 hộ tham gia. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, dạy nghề, tạo việc làm, chính sách ưu đãi về giáo dục, hỗ trợ hộ nghèo ăn tết, nhà ở cho hộ nghèo hàng năm đều được huyện quan tâm thực hiện…
Cùng với các chính sách quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, người dân Cao Phong đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đầu tư thâm canh phát triển sản xuất hàng hóa với 2 giống cây chủ lực là mía và cây có múi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, huyện có diện tích mía khoảng 2.400 ha, cây ăn quả có múi trên 2.100 ha. Nhiều hộ trồng cam, mía ở Cao Phong đã có cuộc sống ổn định và làm giàu từ nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều trang trại, hộ dân thu nhập từ trồng cam, quýt đạt từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha. Cùng với duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia súc, thủy sản, huyện đang khai thác tốt tiềm năng, đặc thù để phát triển du lịch, dịch vụ, tạo hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nhờ định hướng đúng đắn xây dựng và khai thác các lợi thế đặc thù trong sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch gắn với lồng ghép và thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua, kết quả giảm nghèo của huyện Cao Phong đã vượt chỉ tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2016- 2020, huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm. Năm 2017, theo phương pháp tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 18,17%. Năm 2018, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 14,67%.
Hương Lan