"Chúng tôi đã yên tâm, ổn định nơi ở mới”
Một ngày cuối tháng chạp, cùng cán bộ xã Vầy Nưa, chúng tôi đến thăm Lau Bai, bản tái định cư được xây dựng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2017. Trên đường đi, anh Lường Văn Thanh, Phó thôn kiêm công an viên thôn Lau Bai nhiều lần chỉ cho chúng tôi dấu tích của những mảng đồi đã bị sạt lở trong trận mưa kỷ lục cuối năm 2017. Anh Thanh chia sẻ: Đến nay, mặc dù không còn hiện tượng sạt lở nghiêm trọng nhưng thỉnh thoảng vào những ngày mưa, từng mảng đất lớn vẫn đổ xuống đường gây ách tắc giao thông. Đặc biệt là khu vực làng cũ, hiện vẫn ghi nhận tình trạng sụt đất nên bà con đã chuyển hẳn nhà, gia súc vào khu tái định cư, ngôi làng cũ giờ không ai còn ý định quay lại. Bà con đã yên tâm ổn định nơi ở mới.
Người dân khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) gấp rút hoàn thiện nhà để kịp đón Tết trong ngôi nhà mới.
Lời anh Thanh như được minh chứng khi vừa chạm ngõ khu tái định cư là con đường bê tông kiên cố chạy dài từ đầu khu xuống đến tận bến sông, hai bên đường, từng mái nhà xây kiên cố san sát nhau đang được gấp rút hoàn thiện. Trạm biến áp công suất lớn kéo điện đến 100% hộ trong khu. Thời điểm này, mọi nhà đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng để kịp vào ở trước Tết. Một vài ngôi nhà đã thấy những bông hoa cúc khoe sắc, vườn rau trước cửa cũng bắt đầu xanh lá, báo hiệu cuộc sống đang dần ổn định.
Vừa trông cháu, vừa tranh thủ dọn dẹp trước sân của ngôi nhà mới 3 gian khang trang, rộng rãi, bà Bàn Thị Nga phấn khởi: Ngày xưa ở hai làng khác nhau, nhà này cách nhà kia cả quả đồi và dốc lắm, nay chuyển về đây anh em họ hàng gần nhau ai cũng phấn khởi, Tết này bố con, anh em thịt lợn ăn chung.
Ngoài niềm vui khi công to việc lớn có anh em, họ hàng, chòm xóm chia sẻ, anh Bàn Văn Vinh cảm thấy yên tâm và tin tưởng nơi ở mới bởi khu vực này gần sông Đà, thuận tiên đường sông nên ngoài làm nương rẫy, trồng rừng, các hộ còn có thêm nguồn thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đà. Hiện xóm đã có 21 hộ bắt đầu phát triển nghề nuôi cá lồng. Ngoài ra, các hộ cũng hướng tới phát triển đàn dê, lợn bản địa để tăng thêm thu nhập. Anh Vinh chia sẻ: Xóm ở gần đường sông chính, chỉ mất 30 phút đi thuyền là sang được bến Thung Nai, nhiều thuyền lớn cũng thường xuyên qua lại, đây là điều kiện thuận lợi để xóm phát triển kinh tế.
Còn đó những trăn trở
Gần, năm thoát khỏi cơn đại hồng thủy, cuộc sống của người dân Lau Bai dần ổn định. Tuy nhiên, tìm một hướng đi để phát triển là nỗi băn khoăn của người dân nơi đây. Thực tế, cuộc sống của bà con vẫn chủ yếu làm nương rẫy và đánh bắt thủy sản theo mùa trên sông Đà. Anh Bàn Văn Thanh cho biết: Với độ dốc cao, chỉ có hai loại cây phù hợp là keo và luồng. Đây là những cây trồng đòi hỏi thời gian và quay vòng vốn chậm. Vì vậy, cuộc sống thường ngày của bà con phụ thuộc vào đánh bắt cá. Tuy nhiên, đánh bắt thủy sản cũng theo mùa vụ, không phải lúc nào cũng thuận lợi nên chỉ đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, để chuyển về nhà mới, người dân gần như làm lại từ đầu, nhiều hộ xây dựng nhà phải vay mượn. Người dân mong muốn có sự định hướng, hỗ trợ để phát triển kinh tế bền vững hơn.
Diện tích mặt nước và giao thông đường thủy đang là thế mạnh của Lau Bai, để phát huy được tiềm năng, lợi thế, người dân mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, có sự định hướng cụ thể để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Phương Linh