Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho thấy, doanh thu thu phí của hàng loạt dự án BOT giao thông bị sụt giảm, không đạt như dự kiến, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ phương án tài chính và nợ xấu gia tăng cho các ngân hàng tài trợ vốn.


Hầm Đèo Cả, một trong số những dự án BOT có doanh thu thu phí giảm mạnh, năm 2018 chỉ đạt hơn 450 tỷ đồng (giảm 95%).

26 dự án giảm doanh thu

Theo Báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện có 32% số dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến; dư nợ cho vay các dự án này khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Các dự án doanh thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhìn nhận sẽ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Theo phân tích của đại diện NHNN, do các khoản vay đối với các dự án BOT giao thông có mức vay lớn, thời gian vay vốn dài (chủ yếu từ 15 năm đến 20 năm), trong khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Trường hợp các vướng mắc trong thu phí không được xử lý dứt điểm, sẽ ảnh hưởng khả năng trả nợ và chất lượng tín dụng của các ngân hàng về dài hạn.

Tổng cục ĐBVN đang quản lý 57 dự án BOT, trong đó có 27 dự án doanh thu tăng và 26 dự án doanh thu giảm so hợp đồng; bốn dự án còn lại do mới vận hành, khai thác cho nên chưa có đánh giá. Trong số những dự án giảm mạnh doanh thu, có dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, năm 2018 chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, giảm 87%; hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đạt 260 tỷ đồng, giảm hơn 90%; hầm Đèo Cả hơn 450 tỷ đồng, giảm 95%,... Giải thích về lý do các dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện nhận định, do lưu lượng thực tế thấp hơn so dự kiến hợp đồng; tăng trưởng doanh thu thực tế thấp hơn tăng trưởng doanh thu dự kiến. Ngoài ra, do sự phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; việc giảm phí chung và giảm cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc đưa vào thu phí chậm,... "Thậm chí, có những dự án, dù lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so phương án tài chính hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí khu vực lân cận trạm thu phí như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, BOT quốc lộ 1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ,...” - ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Các dự án BOT được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký với nhà đầu tư những năm qua được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó có thỏa thuận mức phí ba năm được điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, Bộ GTVT chưa thể cho tăng phí theo lộ trình, dù nhiều nhà đầu tư đã kiến nghị. Để giảm rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi, thu hút các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ các dự án giao thông, NHNN đề nghị Bộ GTVT tham mưu Thủ tướng Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan thu phí, đồng thời đẩy mạnh thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. Đối với các dự án không đạt doanh thu như dự kiến do ảnh hưởng của chính sách thu phí, hoặc các dự án mất an ninh trật tự, NHNN đề nghị Bộ GTVT tổng hợp, có giải pháp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cần giải pháp căn cơ, bền vững

Trên thực tế, các dự án BOT có doanh thu giảm không phải việc mới, mà đã xảy ra từ lâu, ảnh hưởng xấu đến phương án tài chính của chủ đầu tư. Phương án tài chính có thể đã bị vỡ nếu các nhà đầu tư không chủ động có giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Đơn cử, với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả, dự án hầm Đèo Cả doanh thu giảm tới 95%, phương án tài chính khó khăn, nhưng doanh nghiệp đã chủ động ứng phó hiệu quả, trụ vững và vận hành các công trình hầm đường bộ thông suốt, không để gián đoạn, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân. Hiện nay, cảnh báo nguy cơ bị vỡ phương án tài chính với các dự án BOT vẫn chưa xảy ra, tuy nhiên trong thời gian tới, nếu diễn biến không khả quan, phương án tài chính dự án BOT gặp khó khăn thì nhà đầu tư và cả xã hội sẽ phải đối diện cảnh báo xấu này.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chi phí đầu tư, như điều chỉnh vị trí cửa hầm, làm giảm chiều dài tuyến hầm, giảm tổng mức đầu tư hạng mục hầm Đèo Cả từ 15.600 tỷ đồng xuống còn 11.378 tỷ đồng; giảm quy mô các trạm thu phí hầm Cù Mông, Hải Vân,… Các phương án tiết giảm được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của nhà đầu tư và ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT). Đồng thời, qua các đợt kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định việc tiết giảm chi phí đầu tư là cần thiết và mang lại hiệu quả đầu tư cho dự án. Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, Đèo Cả tiếp tục bù đắp một phần vốn chủ sở hữu để duy trì hoạt động cơ bản của dự án (như vận hành hầm Hải Vân, Đèo Cả, không để gián đoạn) và điều chỉnh giá vé phù hợp. Đồng thời, rà soát lại các thông số đầu vào để điều chỉnh phương án tài chính, yêu cầu ngân hàng cùng tham gia giải quyết.

Trên thực tế, các dự án BOT vẫn đang gặp khó khăn khi vừa không có hỗ trợ, vừa bị sức ép giảm giá vé, tăng lãi suất; các chính sách bất cập về trạm thu phí. Một vấn đề quan trọng khác là nguồn vốn được hỗ trợ thường chậm hoặc cơ chế xử lý không bảo đảm, sẽ tiếp tục gây áp lực cho các dự án, nhất là những dự án bị giảm doanh thu. Đơn cử, tại dự án hầm Đèo Cả, phần vốn trái phiếu Chính phủ hơn 1.800 tỷ đồng đã bị thu hồi khi dự án đang gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Phương án tài chính cho các dự án BOT sẽ còn khó khăn hơn khi thời gian tới, tuyến đường cao tốc bắc - nam sẽ được đầu tư, lúc này sẽ xuất hiện đường song hành, lượng xe cộ sẽ bị phân lưu. Để ngăn ngừa hệ lụy xấu có thể xảy ra trong thời gian tới, cần có ngay các giải pháp chủ động, căn cơ, kịp thời. Nếu không, hệ lụy vỡ phương án tài chính xảy ra, không chỉ nhà đầu tư mà cả ngân hàng và xã hội đều phải gánh chịu.

TheoNhanDan

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục