Lực lượng 911 TP Đà Nẵng kiểm tra một trường hợp nghi có hành vi vi phạm pháp luật.
Lực lượng đặc biệt trấn áp tội phạm
Những năm gần đây, kinh tế - xã hội, văn hóa tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh như tệ nạn xã hội; buôn bán ma túy; tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản của người đi đường; tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông (thường gọi chung là loại tội phạm đường phố)… Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải có một lực lượng đặc biệt, liên ngành tham gia trấn áp tội phạm trên các tuyến đường, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Tại địa bàn TP Hà Nội, vào thời điểm năm 2010 - 2011, tình hình tội phạm hình sự có những biểu hiện phức tạp. Các vụ trọng án có xu hướng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt... Trước tình hình nêu trên, "Tổ công tác 141” chính thức ra đời. 141 là tên gọi tắt của mô hình tổ công tác đặc biệt được thành lập dựa trên Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV11 (ngày 29-7-2011) của Công an TP Hà Nội về việc "Tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô-tô, xe máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định... mang theo vũ khí khi tham gia giao thông” với mục đích chính là chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Hoạt động của lực lượng 141 là kết hợp giữa biện pháp bí mật với biện pháp hành chính công khai, phối hợp của các lực lượng, nòng cốt là Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông. Ban đầu, 141 gồm năm tổ công tác, sau đó tăng lên 15 tổ và đến hiện tại là 30 tổ để bảo đảm có thể bao quát đủ các địa bàn quận, huyện của TP Hà Nội. Trải qua chín năm hoạt động liên tục, với hàng nghìn vụ việc có dấu hiệu tội phạm được ngăn chặn, triệt phá, 141 đã trở thành một lực lượng có tiếng của Công an TP Hà Nội. Nhắc đến 141 là nhắc tới "khắc tinh” của những tên tội phạm đường phố. Tính riêng trong năm 2018, các tổ công tác 141 đã phát hiện 623 vụ, bắt giữ 991 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, bàn giao cho lực lượng địa bàn tiếp tục đấu tranh, làm rõ. Cùng với đó, thu giữ hàng trăm dao, kiếm, công cụ hỗ trợ, 277 mô-tô nghi là tang vật vụ án…
Lan tỏa những cách làm, mô hình hay, sau một thời gian gặp mặt, trao đổi với Công an TP Hà Nội, từ cuối tháng 12-2018, Công an TP Đà Nẵng đã thành lập lực lượng 911. Tổ công tác 911 gồm Ban chỉ đạo, tổ giúp việc và ba tổ công tác trực tiếp với 51 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Lực lượng 911 Đà Nẵng hoạt động bằng biện pháp trinh sát gắn với biện pháp hành chính công khai để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Từ ngày thành lập (29-12-2018) đến ngày 23-3-2019, lực lượng 911 Đà Nẵng đã tổ chức chốt chặn, tuần tra, kiểm soát tại 70 vị trí và 32 khu vực, là các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Qua đó, các tổ công tác 911 đã dừng, kiểm tra hơn 4.265 lượt người, phương tiện tham gia giao thông, phát hiện 3.968 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về an ninh trật tự. Trong đó, đã lập biên bản hành vi có dấu hiệu tội phạm 80 vụ với 107 đối tượng; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự 114 trường hợp với 168 đối tượng; lập biên bản 142 đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Bà Phạm Thị Thảo, trú tổ 12, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng chia sẻ: Lực lượng 911 và các lực lượng tuần tra, kiểm soát khác đã giúp hạn chế hiện tượng thanh, thiếu niên đi xe máy rồ ga, lạng lách. Anh Hồ Văn Thành, trú tổ 56, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phấn khởi cho biết, sự ra đời của lực lượng 911 khiến người dân yên tâm hơn nhiều vì trước đây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khá phức tạp.
Tại TP Hồ Chí Minh, địa bàn thường xảy ra các vụ cướp, cướp giật tài sản và gần đây nhất là tình trạng vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn, việc ra đời lực lượng 363 (Công an TP Hồ Chí Minh) đã đáp ứng được mong mỏi của người dân. Điển hình như, cuối tháng 3 vừa qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ 363 và Đội Cảnh sát giao thông An Sương, quận 12 đã phát hiện và bắt giữ hai đối tượng vận chuyển gần 300 kg ma túy. Đây là một trong những vụ bắt giữ ma túy lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh từ trước đến nay. Tính từ khi Tổ công tác 363 đi vào hoạt động (từ ngày 31-12-2018 đến 20-4-2019), trên địa bàn thành phố xảy ra 1.027 vụ phạm pháp hình sự, giảm 139 vụ (giảm 11,92%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các loại án xâm phạm sở hữu tài sản đều giảm so với cùng kỳ năm 2018: án cướp giật xảy ra 200 vụ, giảm 36 vụ; án cướp tài sản xảy ra 23 vụ, giảm 19 vụ; án trộm cắp tài sản xảy ra 552 vụ, giảm 72 vụ. Tai nạn giao thông cũng giảm, hiện tượng đua xe trái phép không xảy ra, tình trạng thanh niên tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng được hạn chế đáng kể. Các Tổ công tác 363 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 8.342 vụ vi phạm pháp luật và vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đổi mới phương thức hoạt động vì sự bình yên của nhân dân
Việc cho ra đời những "quả đấm thép” bảo đảm an ninh trật tự tại các đô thị lớn, các địa bàn trọng yếu cho thấy quyết tâm của ngành Công an nói chung và Công an các địa phương nói riêng trong công cuộc đấu tranh với các loại tội phạm. Tuy nhiên, để các mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, đem lại tính chiến đấu cao, cần có sự duy trì thường xuyên, liên tục, đi đôi với đó là việc nhìn nhận, đánh giá thực tế những hạn chế, thiếu sót để cải tiến, khắc phục.
Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, lực lượng 911 khi triển khai nhiệm vụ, tùy tình hình mà các tổ công tác sẽ cơ động, linh hoạt trong việc chốt chặn, tuần tra để xử lý tình huống. Hiện, các đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát liên tục 24 giờ trong ngày, đặc biệt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Tùy tình hình thực tế mà Đà Nẵng sẽ có những điều chỉnh phù hợp đối với lực lượng 911.
Cùng chung niềm trăn trở làm sao để bảo vệ cho thành phố mang tên Bác được bình yên, người dân, du khách ra đường không còn lo bị cướp giật, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động của các Tổ công tác 363 đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong việc răn đe, trấp áp tội phạm, mang lại niềm tin trong nhân dân, được lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo thành phố đánh giá cao. Thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tiếp tục tổ chức đánh giá lại cách thức, phương thức bố trí lực lượng các Tổ công tác 363 để đạt được hiệu quả cao nhất, phối hợp đồng bộ với các lực lượng tuần tra khác, bảo đảm an ninh trật tự. Điều chỉnh tuyến, địa bàn hoạt động, kể cả lực lượng tham gia các Tổ công tác 363 ở cấp thành phố và cấp quận, huyện một cách linh hoạt, phù hợp yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác, tạo môi trường tốt cho hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đối với mô hình 141 tại Hà Nội, trải qua gần mười năm hình thành và phát triển, lực lượng 141 không ngừng cải tiến, đưa ra nhiều phương thức hoạt động mới để tội phạm khó nắm bắt, khó "qua mặt”. Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, lực lượng 141 giờ đây không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trấn áp tội phạm đường phố mà cao hơn nữa là góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô. Trong thời gian tới, cùng với 911 ở Đà Nẵng, 363 ở TP Hồ Chí Minh, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng 141 ở TP Hà Nội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời phát hiện, giải quyết tốt các tình huống, xác minh nhanh chóng các vụ việc vi phạm pháp luật, không để xảy ra đột biến bất ngờ, mang lại bình yên cho người dân.
TheoNhanDan