(HBĐT) - Bão số 2 đang đi sâu vào đất liền, gây áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tại tỉnh ta kể từ chiều tối ngày 3/7. Bên cạnh những cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn đã làm ngập, dâng nước ở nhiều sông suối, tuyến giao thông gây mất an toàn tại các điểm cầu, ngầm tràn. Lúc này, các địa phương cần đặc biệt lưu ý cảnh báo, chỉ dẫn để người dân, các phương tiện giao thông hạn chế đi lại qua cầu, ngầm trong điều kiện mưa bão phức tạp để tránh nguy cơ tai nạn, bị lũ cuốn trôi.
Ngầm Rỗng, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) thường bị ngập cao do lũ suối đặc biệt nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trong những đợt mưa bão kéo dài.
Trên địa bàn TP Hòa Bình có khoảng hơn 10 ngầm lớn, nhỏ, trong đó có một số ngầm dễ xảy ra tai nạn khi tham gia lưu thông thời điểm lũ bão như ngầm Cang - xã Hòa Bình, ngầm Rỗng - xã Sủ Ngòi, cầu Nà Cạn - xã Dân Chủ... Đồng chí Nguyễn Văn Chung, Phó phòng Kinh tế thành phố cho biết: Công tác thông tin về diễn biến, tình hình của bão số 2 được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và hệ thống truyền thanh phường, xã. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thành phố đã trực tiếp kiểm tra tại các cầu, ngầm trọng yếu, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các xã đặt biển báo nguy hiểm tại các ngầm tràn. Khi xảy ra mưa lớn, nước lũ dâng cao, các xã cắt cử lực lượng túc trực 24/24h ở 2 đầu điểm ngầm để chặn, không cho người và phương tiện đi qua. Riêng khu vực ngầm Cang - xã Hòa Bình hiện đã xây xong cầu mới, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN địa phương sở tại cắt cử lực lượng làm công tác phân luồng giao thông, yêu cầu người dân không đi qua ngầm Cang.
Với địa hình nhiều sông, suối chia cắt, Ban Chủ huy PCLB & TKCN huyện Kim Bôi có lý do để lo nhiều về việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông khi qua lại trên các ngầm khi mưa bão đổ về. Theo thống kê, toàn huyện có 32 ngầm lớn, nhỏ. Các ngầm nguy hiểm phải kể đến ngầm Bai Ma - xã Sơn Thủy, ngầm Bo đi Trung Bì, ngầm Khang 1 - xã Thượng Tiến. Tại cơn bão số 1 xảy ra hồi đầu mùa mưa bão, trong tình huống nước lũ dâng lên bất ngờ, một người dân đi qua ngầm Khang 1 - xã Thượng Tiến đã bị lũ cuốn. Rất may, lực lượng dân quân trực chốt barie tại ngầm đã ứng cứu kịp thời đưa người bị nạn vào bờ. Theo đồng chí Bùi Xuân Bộ, Phó phòng NN & PTNT huyện, việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, phương tiện cho người tham gia giao thông qua các ngầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi xảy ra thiên tai mưa lũ. Hiện nay, để ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các xã, thị trấn trực 24/24h, cắt cử lực lượng có mặt tại các điểm ngầm để hỗ trợ, hướng dẫn, cảnh báo người dân.
Tại huyện Lạc Sơn có 14 điểm ngầm cần chú ý khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, sông, suối mùa mưa lũ. Các ngầm đã từng có người bị lũ cuốn trôi là ngầm Vó - xã Nhân Nghĩa, ngầm Riệc - xã Mỹ Thành... Trước thời điểm bão số 2 diễn ra, UBND huyện đã ban hành công điện cùng 2 văn bản chỉ đạo đối với các địa phương, trong đó yêu cầu các xã, thị trấn quan tâm chủ động đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi đi qua các ngầm tràn. Cụ thể, ứng trực 24/24h, lắp đặt biển báo và lập chốt chặn barie không để người và phương tiện đi qua ngầm khi nước lũ về.
Ở các mùa mưa bão trước, trên địa bàn TP Hòa Bình, các huyện Lương Sơn, Lạc Sơn, Đà Bắc... đã để xảy ra các trường hợp chết người do bị lũ cuốn khi đi qua suối, ngầm tràn. Nguyên nhân phần lớn do người dân chủ quan, lơ là, không chấp hành khuyến cáo của các cấp chính quyền. Mặt khác, ở một số địa phương chưa sâu sát, quan tâm đến việc bố trí lực lượng hoặc lập rào chắn, chốt chặn để khuyến cáo, cấm nhân dân đi qua suối, ngầm tràn khi gặp lũ. Đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục Trưởng chi cục PCLB & TKCN tỉnh lưu ý: Tỉnh ta đang chịu ảnh hưởng của bão số 2 và tới đây sẽ còn xảy ra các cơn bão khác gây mưa lớn kèm dông lốc cực đoan, đề phòng lũ, lũ quét, sạt lở. Riêng vấn đề đảm bảo an toàn khi qua các suối, ngầm tràn khi mưa lũ đến đã được đề cập tại các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tuần tra, kiểm tra, thường trực để cảnh báo, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại tại các ngầm tràn, các đoạn đường giao thông thường bị ngập sâu, sạt lở, có nguy cơ xảy ra đá lăn, các bến đò ngang, dọc để đảm bảo an toàn. UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý đường bộ tại các huyện phân công trực 24/24h tại các điểm ngầm tràn. Với người dân, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao năng lực tự phòng tránh thiên tai..
Bùi Minh
(HBĐT) -Theo kết quả rà soát của UBND huyện Đà Bắc, toàn huyện có 11/20 xã, thị trấn có các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao về thiên tai, 74/163 thôn, bản với 149 điểm có nguy cơ thiên tai cao. Trong tổng số 710 hộ dân cần bố trí ổn định chỗ ở, có 492 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất, đá; 218 hộ nằm trong vùng nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Từ năm 2018, UBND huyện đã xây dựng phương án bố trí ổn định chỗ ở cho các hộ dân này, nhưng do khó khăn về nguồn lực, đến nay, các phương án vẫn chưa được triển khai.
(HBĐT) - Trung tâm hỗ trợ phát triển Thanh niên Nông Thôn – Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Hòa Bình phối hợp với Huyện Đoàn Đà Bắc vừa trao 8.000 con gà giống cho 40 gia đình ĐVTN 2 xã Toàn Sơn và Cao Sơn của huyện Đà Bắc.
(HBĐT) -Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình về việc bảo đảm ANTT và thống nhất phương án miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí trên QL6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
(HBĐT) -Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và trẻ em về phòng, chống đuối nước, tuy nhiên, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn xảy ra. Toàn tỉnh xảy ra 17 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước, tăng 6 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP Hòa Bình xảy ra 8 trẻ tử vong do đuối nước, Lạc Thủy: 3 trẻ, Lạc Sơn: 2 trẻ, Mai Châu: 2 trẻ, Cao Phong: 1 trẻ, Kim Bôi: 2 trẻ.
(HBĐT) - hực hiện công tác cải cách tư pháp, trong 6 tháng đầu năm, ngành Tư pháp đã thẩm định 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, đóng góp ý kiến vào 47 dự thảo văn bản. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
(HBĐT) - Theo thống kê, huyện Đà Bắc hiện có 16.217 trẻ em dưới 16 tuổi. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đà Bắc quan tâm, trăn trở. Hiện, các xã của huyện vẫn chưa xây dựng được sân chơi nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ. Dịp nghỉ hè, đa số trẻ em phải phụ cha mẹ công việc nhà như cấy, gặt, chăn trâu, trông em…; chơi các trò chơi như: bắn bi, nhảy dây, đá bóng ven suối. Tất cả đều tiềm ẩn những mối nguy hiểm đe dọa các em như đuối nước, tai nạn thương tích.