Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, thực hiện tốt Nghị quyết số 6b về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hiện, toàn tỉnh có trên 88.000 lao động, trong đó, CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ quản lý trên 63.000 người, đoàn viên Công đoàn gần 61.000 người, sinh hoạt tại 1.081 Công đoàn cơ sở (khu vực hành chính Nhà nước 862 đơn vị, khu vực sản xuất, kinh doanh 219 đơn vị). Trong những năm qua, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh tiếp tục phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, đa dạng về cơ cấu. Lực lượng CNVCLĐ có mặt trong tất cả các ngành nghề, thành phần kinh tế, sử dụng và vận hành những công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH.
Một trong những nội dung quan trọng được LĐLĐ tỉnh chọn làm nhiệm vụ trong chương trình hành động là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ. Với nhiệm vụ này, LĐLĐ tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ, nhất là công nhân lao động trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ công dân, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; đẩy mạnh việc Công đoàn tham gia xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng; phát triển đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất.
Bên cạnh đó, BTV LĐLĐ tỉnh đồng hành, chăm lo cho lực lượng CNVCLĐ để phát huy vai trò giai cấp công nhân trong tình hình mới, với phương châm "Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động”, các cấp Công đoàn trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chăm lo, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH của tỉnh. Các chương trình phúc lợi cho đoàn viên ngày càng đi vào thực chất, làm tăng thêm niềm tin của đoàn viên, NLĐ vào tổ chức Công đoàn. Phong trào thi đua trong CNVCLĐ có sự lan tỏa sâu rộng. Các cấp Công đoàn thường xuyên tổ chức hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tuyên dương công chức, viên chức "Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, tôn vinh "Doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống NLĐ”. Chương trình "Tết sum vầy”, cùng với chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp và các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tặng hàng nghìn suất quà cho đoàn viên và NLĐ hoàn cảnh khó khăn, tặng vé xe cho hàng nghìn lượt đoàn viên về quê ăn Tết mỗi năm…
Để tiếp tục phát huy vai trò của CNVCLĐ, trong chương trình hành động, LĐLĐ tỉnh đã đưa ra nhiệm vụ tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ. Việc đề ra nhiệm vụ này nhằm vận động CNVCLĐ phát huy trí tuệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất, hoạch định chính sách mới; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống NLĐ, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Các phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, gắn với các quyền lợi của NLĐ và việc phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện của từng ngành, địa phương, đơn vị xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp. Các chương trình, kế hoạch cũng xoay quanh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ ngày càng tốt hơn; xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở đáp ứng được phong trào công nhân lao động, nhu cầu về sinh hoạt, cuộc sống, đặc biệt là nâng cao nhận thức về chính trị. Qua đó, không nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn cơ sở.
Minh Tuấn