"Ốc đảo” an yên
Gọi khu TĐC xóm Đá Tú là "ốc đảo” bởi nơi đây nằm gọn trên quả đồi có địa hình bát úp, gần như tách biệt với bên ngoài. Tuy nhiên, vì đã quá quen việc đi lại bằng thuyền nên dành 5 phút qua sông Đà để sang bờ bên kia với người dân cũng không mấy bất tiện. Chỉ tay về hướng đối diện, nơi sinh sống từ thời ông, bà ngày trước, chị Đinh Thị Huệ hồi tưởng: Dạo đó, với địa thế chênh vênh lại gặp phải đợt mưa lũ kéo dài cả tháng khiến nhà cửa của các gia đình nứt lún hết cả, trong đó, hộ ông Khuất Đình Minh và Bùi Văn Lực bị sập toàn bộ ngôi nhà. Mưa bão cũng khiến căn nhà 2 tầng mới xây của gia đình bị nghiêng đổ. Đây cũng là nguyên do có tới 33/77 hộ dân xóm Túp và xóm Trê (nay sáp nhập thành xóm Túp) phải di dời ngay khỏi điểm sạt lở, mất an toàn.
Sau khi chuyển về khu tái định cư Đá Tú, xã Tiền Phong (Đà Bắc), gia đình chị Đinh Thị Huệ đã ổn định cuộc sống.
Về nơi ở mới, các hộ được tỉnh quan tâm bố trí cơ sở hạ tầng. Mọi trường hợp chuyển đến đều được hỗ trợ 20 triệu đồng, một vài trường hợp do thiệt hại nặng hơn được hỗ trợ 40 triệu đồng để dựng nhà. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng khu TĐC 54 tỷ đồng. Đặc biệt, điểm TĐC được lựa chọn, khảo sát kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, nhất là phòng tránh được những nguy cơ thiên tai, sạt lở. Ông Đinh Công Canh, một trong những hộ đang sinh sống tại khu TĐC chia sẻ: Hồi còn ở nơi cũ, cứ mưa gió là lại nơm nớp lo sợ đổ nhà. Tính từ thời điểm dọn về khu TĐC đến nay đã qua hơn 3 mùa mưa bão, các hộ đã ổn định nơi ăn, chốn ở. Tuy ở "ốc đảo" có buồn hơn so với nơi cũ do địa thế độc lập, nhưng cuộc sống ổn định hơn, nhà cửa đều được xây dựng chắc chắn. Các gia đình được sử dụng nguồn điện thắp sáng, cung cấp nước sạch đầy đủ, đường đi lối lại có kết cấu bê tông bền vững, thuận tiện...
Vui cuộc sống mới
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân khu TĐC Đá Tú sớm đi vào ổn định. Tại nơi ở mới, bên cạnh việc chăm lo về hạ tầng dân sinh phục vụ sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đã được triển khai như: Cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật... giúp bà con cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững. Các hộ được đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế với nghề chủ yếu là chăm sóc, bảo vệ rừng, thâm canh cây màu, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nguồn thu nhập chính từ nuôi cá lồng bè.
Theo thống kê, các hộ dân khu TĐC đã phát triển trên 200 lồng cá, bình quân mỗi gia đình có ít nhất 2 lồng cá trở lên. Đơn cử như hộ chị Đinh Thị Huệ có 4 lồng cá, anh Lê Đình Hợi có 15 lồng cá... Bình quân thu nhập từ nghề nuôi cá của các hộ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình là hộ anh Lê Đình Hợi có mức thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ dân thuận tiện hơn trong sản xuất, nhất là chăm sóc, trông nom khu vực nuôi cá lồng bè do gần nơi ở mới.
Với nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của các hộ dân ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% hộ đều có ít nhất 1 chiếc xe máy, nhiều gia đình mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt có giá trị như tủ lạnh, ti vi... Nguyện vọng của bà con sau khi an yên ở nơi ở mới là được quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm tại diện tích đã quy hoạch, tạo sân chơi cho trẻ em để cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần.
Bùi Minh