(HBĐT) - Cũng như nhiều người nghiện ma tuý (NNMT) trên địa bàn phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), 5 năm qua, anh L.Ng.G ở tổ 19 đều đặn đến cơ sở cung cấp thuốc để uống Methadone vào khung giờ nhất định. Sau khi tham gia điều trị thay thế bằng Methadone đến nay, anh L.Ng.G không còn phụ thuộc vào ma túy. Sức khỏe được hồi phục, tinh thần thoải mái, có khả năng lao động bình thường.
Không chỉ anh L.Ng.G mà thời gian qua, nhiều NNMT trên địa bàn tỉnh được điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Bupernorphin cũng đã từ bỏ, không còn phụ thuộc vào ma túy. Sức khỏe được hồi phục, tinh thần thoải mái, có khả năng lao động bình thường. Quá trình điều trị, hầu hết người bệnh chấp hành tốt thời gian uống thuốc, thực hiện theo đúng hướng dẫn của các y, bác sỹ tại cơ sở. Nhờ đó, 100% người bệnh phục hồi sức khỏe và tham gia lao động, hòa nhập cộng đồng...
Theo thống kê của lực lượng chức năng, tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 2.010 NNMT, tăng 105 người so với năm 2020 (2.010/1.905 người). Trong đó, có 1.578 NNMT ngoài cộng đồng, tăng 92 người so với năm 2020 (1.578/1.486 người), có ở 120/151 xã, phường, thị trấn, tăng 6 xã so với năm 2020 (120/114 xã, phường, thị trấn); 139 NNMT ở trại tạm giam, nhà tạm giữ, 293 NNMT trong các cơ sở cai nghiện. Ngoài ra, qua theo dõi, thống kê, toàn tỉnh có 353 trường hợp nghiện ma túy tổng hợp (MTTH), số này tập trung chủ yếu trong lứa tuổi thanh niên. Đồng chí Lâm Ngọc Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dù tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện, tuy nhiên, số người tái nghiện sau cai còn phổ biến. Bởi vậy, chương trình điều trị cai nghiện bằng các loại chất thay thế đang được xem là liệu pháp hiệu quả.
Chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh được triển khai vào tháng 10/2012. Sau 8 năm hoạt động, từ 1 cơ sở điều trị đã tăng lên 12 cơ sở điều trị và 12 cơ sở cấp phát thuốc, bao phủ 10/10 huyện, thành phố. Trong đó, 10 cơ sở do ngành y tế quản lý; 2 cơ sở do Sở LĐ-TB&XH quản lý. Các cơ sở hiện đang điều trị cho 805 người, nhiều nhất là huyện Lạc Sơn với 210 người. Đối với điều trị cai nghiện bằng Buprenorphin được triển khai từ cuối năm 2019. Sau khi kết thúc việc thí điểm triển khai tại TP Hòa Bình và huyện Mai Châu đã triển khai tại các huyện Lạc Sơn, Cao Phong, hiện đang điều trị cho 40 người ở các địa phương này, nhiều nhất là TP Hòa Bình với 16 người, huyện Mai Châu 15 người. Buprenorphin là dạng viên ngậm, thuốc có tác dụng kéo dài trong 72 giờ, bệnh nhân đến cơ sở y tế 2 - 3 ngày/tuần, ngậm thuốc khi đã đạt ổn định liều, giảm thời gian đi lại cho người bệnh, phù hợp với các bệnh nhân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... Buprenorphin được xem là an toàn và ít tác dụng phụ hơn. Hơn nữa, Buprenorphin không tương tác với thuốc ARV (điều trị HIV/AIDS), không gây tăng liều khi người bệnh đang điều trị Buprenorphin có kết hợp với điều trị ARV. Sau khi sử dụng ổn định, bệnh nhân không còn cảm giác thèm sử dụng ma túy nên phù hợp với bệnh nhân có quyết tâm, giúp ít bỏ trị hơn.
Theo đồng chí Lâm Ngọc Tĩnh, thực tế cho thấy, hầu hết những bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone và Buprenorphin trước đây đều đã từng cai nghiện ma túy nhiều lần với các phương pháp khác nhau nhưng chưa thành công. Trong khi đó, việc điều trị Methadone và Buprenorphin mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Qua điều trị không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều, hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra; các hành vi sử dụng ma túy trong số người tham gia điều trị Methadone và Buprenorphin giảm rõ rệt. Người dùng thuốc 1 lần sẽ duy trì trạng thái ổn định cả ngày, không tăng liều; tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu giảm hẳn... Nhờ vậy, giúp người tham gia điều trị cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng, xã hội, giảm gánh nặng chi phí cho việc mua, sử dụng ma tuý bất hợp pháp; nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.
Thêm một hiệu quả tích cực nữa, qua thực tế triển khai chương trình đã ghi nhận, đó là tình hình trật tự, an toàn xã hội ở những địa bàn triển khai điều trị Methadone và Buprenorphin từng bước thay đổi rõ nét. Tình trạng vi phạm pháp luật, mâu thuẫn trong gia đình đối với người có liên quan đến ma túy như trộm cắp tài sản... có nhiều chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm.
Mạnh Hùng