Người dân di chuyển trên địa bàn thành phố không cần giấy đi đường, áp dụng từ 6h ngày 21/9, theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Chiều 20/9, ông Chử Xuân Dũng cho biết thành phố bỏ nguyên tắc phân vùng chống dịch từ ngày mai; đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính với cá nhân, doanh nghiệp.
Chính quyền tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa hẹp trên địa bàn, truy vết thần tốc F0 nếu có, cách ly nguồn lây trong cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, Sở tham mưu lãnh đạo thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt tại cửa ngõ để kiểm soát ra vào; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho xe luồng xanh của các tỉnh đi qua Hà Nội, luồng đi vào thành phố vẫn kiểm soát như hiện nay.
Các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn thành phố tiếp tục tạm dừng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu cho phép hoạt động lại một số shipper công nghệ với số lượng phù hợp với việc bán hàng mang về, đảm bảo đời sống cũng như giải quyết công ăn việc làm.
"Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sau 21/9 được chúng tôi tham mưu cho thành phố trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa thực hiện chỉ thị 15, 16 và 19, đảm bảo hoạt động bình thường và yêu cầu chống dịch", ông Viện nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát đầu cầu Chương Dương hôm 4/9. Ảnh: Ngọc Thành.
Đại tá Nguyễn Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an Hà Nội, nói 23 chốt cửa ngõ sẽ kiểm soát cả chiều ra và vào, nhất là đối với người từ vùng có dịch, nguy cơ cao vào thành phố.
Quá trình kiểm soát, lực lượng chức năng chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và quét mã QR. Công an thành phố cũng duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn; chuẩn bị phương án chốt chặt tại các vùng phong tỏa, cách ly.
Trước đó, từ 6h ngày 6/9, Hà Nội bắt đầu phân ba vùng chống dịch. Trong đó, vùng một gồm 10 quận, huyện Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng một tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc "ai ở đâu, ở đó".
Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng ba là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng hai và vùng ba áp dụng chỉ thị 15. Người dân ở cả ba vùng khi ra khỏi nhà phải có giấy đi đường.
Trong đợt giãn cách lần thứ tư (từ ngày 24/7 đến nay) Hà Nội đã 5 lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường. Ngày 29/7, chính quyền lần đầu ban hành mẫu giấy đi đường, sử dụng thống nhất toàn thành phố. Tối 8/8, thành phố thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu môt số trường hợp cần có xác nhận của uỷ ban phường và cơ quan, thêm lịch trực, lịch làm việc. Tuy nhiên sau một ngày, quy định này bị hủy bỏ.
Ngày 3/9, Công an Hà Nội thông báo sẽ chủ trì cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ 6/9. Tuy nhiên, thủ tục đáp ứng cần nhiều giấy tờ và cách thức lòng vòng, chưa rõ tiêu chí xét duyệt. Tối 7/9, Hà Nội bất ngờ cho phép người dân được dùng cả giấy mẫu mới lẫn cũ.
Trưa 16/9, khách xếp hàng trước quán phở trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) để mua mang về sau khi thành phố nới lỏng giãn cách tại 19 quận, huyện. Ảnh: Giang Huy.
Từ ngày 7/9 đến nay, Hà Nội thực hiện đợt giãn cách thứ tư, ghi nhận 353 ca mắc nCoV, trong đó có 32 ca tại cộng đồng. So với 3 đợt giãn cách trước, số ca mắc trong đợt giãn cách thứ tư giảm rất mạnh, chỉ còn 27,7 ca mỗi ngày so với 71,2 ca trong đợt giãn cách thứ nhất. Hiện thành phố còn 10 chùm ca bệnh tại 10 phường, xã thuộc 9 quận, huyện.
Đến hết ngày 18/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó có hơn 5,6 triệu mũi một, đạt 94,2% dân số từ 18 tuổi trở lên và 68,33% tổng dân số. Tổng số mũi 2 là hơn 786.000, đạt 12% dân số từ 18 tuổi trở lên và 9,2% tổng dân số.
Từ ngày 8/9 đến 15/9, thành phố đã lấy tổng số gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát y tế toàn dân, đạt 84% kế hoạch; phát hiện 21 ca dương tính.
Theo Vnexpress.net
(HBĐT) - Không tổ chức tưng bừng như mọi năm, nhưng Trung tâm Công tác xã hội tỉnh vẫn mang đến cho các em nhỏ một chương trình Tết Trung thu vui vẻ trong không khí ấm áp "gia đình”.
(HBĐT) - Trước tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội và cả nước diễn biến phức tạp, xác định tinh thần "mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình, khu dân cư là một pháo đài chống dịch”, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lương Sơn nâng cao trách nhiệm của từng gia đình, khu dân cư trong phòng, chống dịch (PCD) bệnh.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 46 km, xã Trung Thành (Đà Bắc) có 5 xóm, 506 hộ, 1.956 nhân khẩu, trên 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đường giao thông gập ghềnh, trắc trở, mùa mưa lũ hay sạt lở, nông sản bị ép giá… là nỗi trăn trở của người dân nơi đây.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, lý giải số F0 được phát hiện lưu thông trên đường có giấy phép là do đã được cấp giấy, sau đó mới biết bị dương tính với virus SARS-CoV-2 chứ không phải đang bị bệnh mà vẫn được cấp.
(HBĐT) - Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Yên Thuỷ, Quỹ xã hội từ thiện Hành trình xanh và Happy Woman vừa tổ chức chương trình "Trung thu cho em", trao quà Tết Trung thu cho học sinh trường Tiểu học Lạc Lương, xã Lạc Lương.
(HBĐT) - Ngày 18/9, Công ty Bảo Việt Nhân thọ Hoà Bình đã chi trả quyền lợi Bảo hiểm Rủi ro cho khách hàng Nguyễn Tất Huấn - Thôn Tân Phú - Phú Thành Lạc Thuỷ với số phí đã đầu tư 30 triệu đồng, số tiền chi trả là trên 322 triệu đồng.