(HBĐT) - Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội, nhiều người mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đậm tính nhân văn, qua đó đem sự ấm áp từ những tấm lòng hảo tâm đến với đối tượng yếu thế, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.


Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà cho hô nghèo tại xã Cun Pheo (Mai Châu).

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: "Đẩy mạnh công tác nhân đạo, từ thiện, thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, tạo sức lan tỏa, hướng đến đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tàn tật trong xã hội. Cùng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, "Tháng nhân đạo”, "Ngân hàng bò”, xây nhà "Chữ thập đỏ”… được triển khai sâu rộng tới các cấp cơ sở, đem lại hiệu quả tích cực, giúp đỡ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn trong cuộc sống”. 

Anh Vì Văn Nhuận, xóm Rợn, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không may bị tai nạn, cả 2 vợ chồng vĩnh viễn mất đi thị giác, không còn khả năng lao động, nuôi 2 con nhỏ, sống trong căn nhà dột nát. Chi phí sinh hoạt của gia đình đều từ khoản trợ cấp xã hội hàng tháng ít ỏi và những lần cho gạo, cho mắm của bà con xóm làng. Hội CTĐ TP Hòa Bình đã kết nối với câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Áo xanh tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ hơn 16 triệu đồng, cùng gạo, chăn màn, nhiều nhu yếu phẩm… giúp gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Bà Bùi Thị Thú, khu Khang Chóng, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh. Được sự quan tâm của Hội CTĐ huyện, các nhà hảo tâm trên địa bàn, bà được hỗ trợ 1 con bò giống từ chương trình "Ngân hàng bò”, qua đó có cơ hội tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bà Thú chia sẻ: "Được hỗ trợ bò giống, tôi rất phấn khởi và dùng số tiền tiết kiệm của gia đình để xây chuồng kiên cố, chăm sóc để bò khỏe mạnh, đàn bò tăng dần số lượng trong những năm tiếp theo sẽ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo”. 

Với vai trò cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các cấp Hội CTĐ đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội thông qua việc thăm hỏi, tặng quà, tiền, gạo, nhu yếu phẩm, phát cơm miễn phí, sửa chữa, xây nhà, trao bò giống, trao học bổng, hỗ trợ viện phí… cho hàng nghìn đối tượng. Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2021, các cấp Hội đã trao tặng 24.886 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam với tổng trị giá trên 11,3 tỷ đồng. Thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội đã trợ giúp 274 địa chỉ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già yếu bằng hình thức trợ cấp hàng tháng, chi trả viện phí trị giá gần 90 triệu đồng; tặng quà, nhu yếu phẩm cho 13.261 đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, lao động bị ảnh hưởng việc làm do đại dịch Covid-19, tổng trị giá trên 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ việc kêu gọi ủng hộ "Quỹ nhân đạo”, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đã ủng hộ trên 1 tỷ đồng.  

Trong năm, tỉnh Hội và các cấp Hội cơ sở đã phối hợp các tổ chức, cá nhân sửa chữa, xây mới 34 căn nhà cho gia đình khó khăn tại các huyện, tổng trị giá gần 1,4 tỷ đồng; bàn giao 2 công trình nước sạch, 5 km đường giao thông nông thôn cho các xã vùng cao, tổng trị giá trên 3,4 tỷ đồng. Các chương trình như: ngân hàng bò, khám bệnh nhân đạo, trao học bổng, chợ nhân đạo, thùng quỹ nhân đạo được triển khai rộng khắp, đạt hiệu quả tích cực. Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã tổ chức 17 ngày hội hiến máu với 13.624 lượt người tham gia, thu được 9.478 đơn vị máu. Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Hội đã trao gần 120.000 chiếc khẩu trang y tế, hàng nghìn bộ bảo hộ y tế, chai nước rửa tay sát khuẩn cùng nhiều nhu yếu phẩm cho các hộ tại khu phong tỏa, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bà con lao động đi làm xa trở về quê hương do dịch Covid-19. 

Qua những hoạt động thiết thực của Hội CTĐ các cấp đã thể hiện sự quan tâm của xã hội tới đối tượng yếu thế, kém may mắn trên địa bàn, lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy tinh thần "tương thân tương ái”, "lá lành đùm lá rách”, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.


Hoàng Anh

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục