(HBĐT) - Khắc phục và vượt lên những khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, huyện Kim Bôi vẫn thực hiện đạt 16/17 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2021 đề ra. Kết quả trên có đóng góp không nhỏ của ngành LĐ-TB&XH với 3 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,1%, đạt 125% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo 61%, đạt 100% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 2.357 lao động, đạt 109% kế hoạch.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, trên cơ sở chỉ tiêu được tỉnh giao về giải quyết việc làm mới, phòng đã kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch hàng năm, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện. Việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm, Quỹ quốc gia về việc làm, công tác đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… được đẩy mạnh. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cập nhật ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh, liên kết đào tạo… được tăng cường với nhiều hình thức. Việc tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho lao động tại các xã, thị trấn, học sinh lớp 9, lớp 12 của các trường trên địa bàn được quan tâm.
Trong năm, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp Trung tâm VH-TT&TT, UBND các xã, thị trấn truyền thông về xuất khẩu lao động, phối hợp các công ty xuất khẩu lao động tư vấn tuyển dụng lao động tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổ chức 7 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, 5 hội nghị tư vấn học nghề với 35 công ty, cơ sở đào tạo nghề tham gia, thu hút trên 1.800 lao động. Công tác xuất khẩu lao động có nhiều khởi sắc với 15 lao động đã đi làm việc tại thị trường ngoài nước, 23 lao động đang chờ xuất cảnh. Từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã giải quyết việc làm tại chỗ cho 146 lao động (đạt 146% kế hoạch).
Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, huyện chủ trì phối hợp tổ chức các buổi làm việc giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và chính quyền địa phương nhằm thống nhất cách thức tổ chức thực hiện, ký cam kết trách nhiệm giữa hai bên. Kết quả năm 2021 đã phối hợp mở 10 lớp nghề với 275 học viên. 100% học viên sau học nghề có việc làm, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/ người/tháng. Bên cạnh đó, phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn kêu gọi và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình thành lập, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 3 công ty may công nghiệp; 13 xưởng may túi xách siêu thị; 5 xưởng quấn thiết bị điện; 25 xưởng chế biến gỗ, chổi chít, mây tre đan xuất khẩu; 23 điểm thu mua sản phẩm mây tre đan xuất khẩu; 33 HTX nông nghiệp thực hiện 16 chuỗi liên kết sản xuất…
Năm 2022, huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động, trong đó có 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động thông qua đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh của người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tiếp tục hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về chương trình việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương, tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp. Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ việc làm, góp phần thúc đẩy giải quyết việc làm cho thân nhân người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.