Người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt. Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin hòa nhập, chủ động vươn lên trong cuộc sống, tạo việc làm cho nhóm lao động đặc thù được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các hội đoàn thể quan tâm.
Kết nối việc làm
Có mặt tại phiên giao dịch việc làm giành cho người khuyết tật (NKT) do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội kết hợp với một số đơn vị hữu quan tổ chức mới đây, anh Dương Minh Hiếu (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội), người khuyết tật vận động, học công nghệ thông tin Cao đẳng Bách Khoa muốn tìm công việc thiết kế, đồ hoạ. Anh Dương Minh Hiếu chia sẻ: "Tôi đã từng đi làm một đơn vị theo hình thức khoán sản phẩm. Đợt dịch COVID-19 vừa rồi cũng có nghỉ và nay đi tìm công việc mới ổn định hơn. Nhìn chung, các đơn vị khi tuyển người khuyết tật thường lo ngại về mặt sức khoẻ không tốt đảm bảo cho công việc nhưng bản thân tôi nhận thấy đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu. Chúng tôi cũng mong muốn có công việc ổn định để tự trang trải cuộc sống và vươn lên”.
Người khuyết tật tham gia phiên giao dịch việc làm chuyên đề đẻ tìm kiếm thông tin việc làm phù hợp. Ảnh: HN .
Còn anh Nguyễn Tuấn Vinh, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), một người khuyết tật phấn khởi: "Tôi mới được một doanh nghiệp tuyển vào làm công nhân may mặc. Tôi sẽ cố gắng làm việc tốt để có thể làm chủ cuộc sống của bản thân”.
Bà Chử Thị Thanh Hương, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam cho biết: Một trong những mục tiêu của doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam là tạo cơ hội việc làm cho người đồng cảnh. Thực tế, làm công tác tuyển dụng, giới thiệu cho người khuyết tật khiếm thính, điều tôi trăn trở nhất là để các bạn đồng cảnh ngộ có việc làm ổn định, vượt qua tự ti, qua đó vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, ngoài chính sách chung, các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo việc làm cho người khuyết tật. Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: "Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với NKT vốn đã khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho NKT thêm nhiều trở ngại. Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật chính là một trong nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho NKT trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”.
Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. "Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… mà còn khẳng định vai trò của NKT, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của thành phố Hà Nội”, ông Hoàng Thành Thái cho biết.
"Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người "tàn mà không phế”, ông Hoàng Thành Thái cho biết.
Theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội (thuộc Thành đoàn Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) để tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật. Cùng với đó, Hội phối hợp với một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Intel Life, Công ty cổ phần Lotus, Công ty cổ phần Việt Chuẩn, Viện Nghiên cứu ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực... để đào tạo nghề theo vị trí việc làm cho lao động là người khuyết tật. Giúp người lao động tiếp cận với thông tin về thị trường lao động, Hội Người khuyết tật thành phố còn lập kênh Youtube, xây dựng các website về việc làm...
Các cơ sở hội khác cũng có nhiều nỗ lực để tạo việc làm cho người khuyết tật như Hội Người mù Việt Nam đang quản lý gần 400 cơ sở cùng nhiều tổ, nhóm sản xuất với gần 7.000 lao động đang làm việc...
Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hoá, với trên 217.000 người khuyết tật, xác định đây là nhóm đối tượng yếu thế , nhiều thiệt thòi nên thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật giúp họ ổn định cuộc sống. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hoá đã tập trung khảo sát nhu cầu học nghề của người khuyết tật đến từng đối tượng, dạng tật. Hội đã chọn được 22 nghề phù hợp với người khuyết tật như: chế biến cói mỹ nghệ, mây tre đan, làm tranh lưu niệm bằng đá quý, tranh gạo rang, may, thêu ren, làm chổi đót, trồng trọt, sửa chữa điện dân dụng, nấu ăn, cắt tóc...
Trên cơ sở chọn nghề phù hợp với nhu cầu và phù hợp với dạng tật của người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã xây dựng kế hoạch báo cáo các cấp thẩm quyền và vận động các HTX, các làng nghề truyền thống ở các địa phương mở các lớp học từ 20 đến 30 người theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Những học viên sau khi kết thúc khóa học đều được bố trí việc làm và được tạo điều kiện tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra.
Để tạo điều kiện cho người khuyết tật không phải đóng học phí và các khoản tiền ăn, tiền lưu trú trong suốt thời gian đào tạo, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trực tiếp vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nhân đạo nước ngoài. Trong 10 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp huy động nguồn lực, chủ trì phối hợp với các tổ chức và các doanh nghiệp, mở được 65 lớp học nghề cho 1.853 học viên là người khuyết tật; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn tỉnh dạy nghề cho 4.895 học viên. Việc quan tâm dạy nghề đã tạo được những chuyển biến đột phá trong công tác tạo việc làm cho người khuyết tật. 80% người khuyết tật sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định; 1.072 hộ có người khuyết tật thoát nghèo, 286 người khuyết tật trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có trên 3.000 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Đặc biệt, nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm với người khuyết tật... được quy định rõ tại Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở, hành lang thuận lợi để các bên cùng quan tâm hỗ trợ về việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có hành trang vững chắc vượt lên khó khăn, hòa nhập xã hội.
Chăm lo, bảo đảm quyền quyền lợi của người khuyết tật
Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, song việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Theo Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu NKT (chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên), trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2021, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Người khuyết tật được học nghề và làm việc tại HTX Vụn Art. Ảnh: XM.
Các mặt hoạt động công tác NKT luôn được triển khai đồng bộ, chủ động với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Cụ thể, về công tác trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, riêng năm 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT. Đến nay cả nước có gần 1,1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Bằng nguồn ngân sách bố trí cho Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức của NKT triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp tại 15 xã cho 110 người khuyết tật và cơ sở của người khuyết tật.
Bên cạnh nguồn nhân lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT, điển hình như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 522 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 339 tỷ đồng; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 6,4 tỷ đồng để hỗ trợ chăm sóc điều trị, phẫu thuật, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn,…
Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế đã tập trung nghiên cứu xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả Bảo hiểm y tế cho NKT. Theo đó, trong năm đã cấp thẻ BHYT cho trên 1,1 triệu NKT.
Cùng với đó, Bộ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, cơ sở y tế cơ sở bảo trợ xã hội về phòng chống COVID-19 đối với NKT, hướng dẫn phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19; đặc biệt đối với NKT về nghe, hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà…
Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2021 đã có 1.138 dự án của lao động là NKT được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 513 dự án trong đó có 458 dự án của NKT tạo việc làm cho 553 hội viên trong đó có 458 lao động là NKT.
Bên cạnh đó, các công tác về giao thông tiếp cận, văn hóa thể thao, du lịch đối với NKT, tiếp cận thông tin,…cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó từng bước gỡ bỏ các rào cản xã hội, quyền của người khuyết tật ngày càng được hiện thực hóa và đảm bảo.
Việc bảo vệ quyền của NKT và thực hiện các chính sách trợ giúp NKT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT; một số chính sách trợ giúp NKT được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân NKT vẫn chưa đúng và chưa đầy đủ, một bộ phận NKT chưa tự tin vượt lên số phận và chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hòa nhập cộng đồng và chưa cố gắng tham gia các nội dung để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành đối với NKT; vẫn còn nhiều NKT chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất.
Bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông tin, đánh giá nhanh của UNDP tại Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người khuyết tật ở nước ta bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thực trạng này đòi hỏi các bên cần chung tay quan tâm, hỗ trợ người lao động tiếp cận việc làm. Đó cũng là yếu tố cốt lõi để người lao động chủ động vươn lên, tự tin hòa nhập...
Bà Đào Thu Hương cũng cho rằng, cùng với chính sách việc làm đối với người khuyết tật có những điểm không còn phù hợp, người lao động khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm… thì nguyên nhân còn do nhận thức của chính người khuyết tật còn hạn chế.
"Rào cản đối với người khuyết tật là thiếu thông tin. Người khuyết tật hiện nay còn thiếu nhận thức về những chính sách ưu đãi mà họ được hưởng từ phía Nhà nước. Việt Nam có rất nhiều Luật, chính sách văn bản dưới Luật quy định về những ưu tiên mà người khuyết tật được hưởng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm. Tuy nhiên, từng cá nhân người khuyết tật lại chưa nhận thức rõ về những chính sách ưu đãi đó. Chúng ta vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để người khuyết tật tìm đến để có thể thấy cơ hội đào tạo nghề và cơ hội việc làm dành cho mình", bà Đào Thu Hương chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ có 90% người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng kịp thời. Văn phòng Ủy ban quốc gia Người khuyết tật và Bộ LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật. Cơ quan chức năng tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.
Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…
Không chỉ quan tâm về đời sống, người khuyết tật còn được hỗ trợ tiếp cận giao thông, thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao... Thông qua nhiều biện pháp trợ giúp, đời sống của người khuyết tật ngày càng được cải thiện. Hiện tại, hơn 90% gia đình có thành viên là người khuyết tật ở nước ta không còn phải sống trong cảnh nghèo; gần 90% trẻ khuyết tật học tiểu học đúng độ tuổi...
Theo Báo Tin tức
(HBĐT) - Ngày 14/4, tại huyện Yên Thủy, Công ty Bảo Việt nhân thọ (BVNT) Hòa Bình thực hiện công tác chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không may bị đột tử.
(HBĐT) - Ngày 14/4, tại huyện
Yên Thủy, Công ty Bảo Việt nhân thọ (BVNT) Hòa Bìnhthực hiện công tác chi
trả quyền lợi bảo hiểm chokhách hàng không may bị đột tử.
(HBĐT) - Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vừa ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động Tháng Công nhân năm 2022, chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” với nhiều hoạt động thiết thực.
(HBĐT) - Ngày 13/4, Hội Người
cao tuổi (NCT) phối hợp với Sở Y tế, Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam
(HAI) tổ chức hội nghị tham vấn phối hợp chăm sóc sức khoẻ NCT và nhân rộng mô
hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN).
(HBĐT) - Tháng Tư tri ân, nhớ về ký ức hào hùng, truyền thống bất khuất của dân tộc và những mất mát, hy sinh. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu mẹ Việt Nam đã tiễn biệt những người con thân yêu. Những hy sinh thầm lặng, lớn lao, cao cả và thiêng liêng của các mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các mẹ là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
(HBĐT) - Công tác nhân đạo, từ thiện nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong cộng đồng là một trong những điểm sáng của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh. Qua đó, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.