(HBĐT) - Từ nguồn tin báo tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân và các văn phòng công chứng, Công an huyện Lương Sơn đã tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để giao dịch mua bán, vay vốn, chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tài sản.



Công an xã Cao Sơn (Lương Sơn) phối hợp ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. 

Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện

Trao đổi xung quanh vấn đề này, trung tá Phạm Văn Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện cho biết: Thời gian qua, do có những biến động, giá trị chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện liên tục gia tăng. Lợi dụng điều đó đã nổi lên hành vi làm giả GCNQSDĐ của một số đối tượng để thực hiện việc giao dịch, vay vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, hành vi này đang có xu hướng gia tăng, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, khó nhận biết, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT.

Trong năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện đã phát hiện, khởi tố 4 vụ án, 5 bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để điều tra, truy tố theo quy định pháp luật. Điển hình như trong tháng 4, Cơ quan CSĐT Công an huyện nhận tin báo, tố giác tội phạm của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện về việc phát hiện đối tượng Nguyễn Công Vận, trú tại Phú Cát, Quốc Oai (Hà Nội) làm giả 2 GCNQSDĐ để thực hiện việc giao dịch, chuyển nhượng đất nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua. Ngày 26/5, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Công an huyện phát hiện tại xóm Suối Sếu B, xã Nhuận Trạch, đối tượng Lê Anh Phương, trú tại xóm Đồng Chanh B, xã Nhuận Trạch sử dụng GCNQSDĐ giả để giao dịch, chuyển nhượng QSDĐ cho anh Nguyễn Văn T, xóm Suối Sếu B. Ngày 30/5, trong quá trình làm các thủ tục công chứng GCNQSDĐ, một văn phòng công chứng trên địa bàn thị trấn Lương Sơn đã phát hiện bà Nguyễn Thị Tám, trú tại thôn Sấu Thượng và Bùi Thị Vượng, trú tại thôn Bá Lam, xã Thanh Cao sử dụng GCNQSDĐ giả đi công chứng để làm thủ tục vay vốn ngân hàng.

Ngày 24/10, cũng tại văn phòng công chứng nói trên, trong quá trình làm các thủ tục công chứng đã phát hiện ông Bùi Thanh Sơn, trú tại xóm Nam Thái, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) sử dụng GCNQSDĐ giả để làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ cho anh Bùi Văn T., xóm Đất Đỏ, xã Liên Sơn (Lương Sơn). Ngoài các vụ việc nêu trên, trước đó, vào cuối năm 2021, Công an huyện tiếp nhận đơn trình báo của chị Tr.T.P.T, trú tại tiểu khu 6, thị trấn Lương Sơn về việc chị bị bà Bùi Thị Thiệp, trú tại xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn dùng GCNQSDĐ giả để làm hợp đồng mua bán đất, lừa đảo chiếm đoạt 350 triệu đồng.


Nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm

Theo trung tá Phạm Văn Thanh, qua công tác điều tra, nắm bắt tình hình cho thấy, các đối tượng làm giả GCNQSDĐ với hình thức, thủ đoạn rất tinh vi. GCNQSDĐ được làm giả bằng phương pháp in phun màu, chữ ký của người cấp ký nhái rất giống với giấy tờ thật. Thậm chí, những thông tin liên quan đến số lô, số thửa, diện tích đất được ghi trên GCNQSDĐ giả còn trùng khớp với thông tin được ghi trên GCNQSDĐ thật. Do vậy rất khó nhận biết, phát hiện nên nhiều người dân và cơ quan chức năng địa phương bị đối tượng lừa đảo qua mặt.

Xuất phát từ thực tế trên, mới đây, Công an huyện Lương Sơn đã phát đi thông báo về thủ đoạn làm giả GCNQSDĐ. Theo thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an huyện, để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này thì tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với đó, Công an huyện chỉ đạo Công an các xã, thị trấn nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân; đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, ban quản lý thôn, xóm, tiểu khu thông báo rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị về thủ đoạn, phương thức hoạt động của loại tội phạm này. Đồng thời, khuyến cáo người dân, cơ quan, đơn vị, văn phòng công chứng khi tiến hành giao dịch, công chứng các loại GCNQSDĐ cần quan sát kỹ giấy tờ, tìm hiểu kỹ thông tin về thửa đất, kiểm tra độ chính xác thông qua cơ quan cấp giấy chứng nhận, chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm, GCNQSDĐ giả khẩn trương thông báo cho chính quyền địa phương, Công an xã, thị trấn hoặc Công an huyện để phối hợp giải quyết.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Mai Châu: 43.930 lượt khách hàng được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

(HBĐT) - Toàn huyện Mai Châu hiện có 217 tổ tiết kiệm và vay vốn; bình quân mỗi xã có 13 tổ, chất lượng tổ tương đối đồng đều. Trong đó, 208 tổ không có nợ quá hạn, chiếm 95,85%; 214 tổ được đánh giá xếp loại tốt, chiếm 98,61%; 2 tổ xếp loại khá, chiếm 0,92%; 1 tổ xếp loại trung bình, chiếm 0,47%, không có tổ yếu kém.

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh gửi đến Kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XV

(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị quan tâm, chấn chỉnh và có định hướng đối với công tác báo chí trong giai đoạn hiện nay, tránh gây phiền hà, bức xúc cho các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

Huyện Tân Lạc chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn

(HBĐT) - Những năm qua, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Tân Lạc giảm mạnh so với trước đây nhưng vẫn nguy cơ cao xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đẩy lùi tình trạng tảo hôn.

Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni: Chăm lo cho người lao động bằng việc làm cụ thể

(HBĐT) - Chăm lo cho người lao động (NLĐ) là một trong những công tác được Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni (TP Hòa Bình) quan tâm, thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, đơn vị liên tục cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Trong thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đã thỏa thuận về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của NLĐ, theo đó, quyền lợi của NLĐ được chú trọng như: giờ làm việc, thời gian làm việc, tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương...

Cần giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng đường tỉnh 435 đoạn qua thành phố Hoà Bình

(HBĐT) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 đoạn TP Hòa Bình - Cao Phong được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 88/QĐ-UBND ngày 15/01/2016. Chiều dài toàn tuyến 10,192 km; quy mô đoạn từ Km0 - Km4 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố gom đô thị, đoạn từ Km4 - Km10+192,13 thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV - đồng bằng. Dự án có khoảng hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó phường Thái Bình có trên 200 hộ bị ảnh hưởng. Dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề phát sinh liên quan đến công tác GPMB đoạn qua TP Hòa Bình chưa được giải quyết dứt điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục