(HBĐT) - Tạo việc làm tại chỗ lúc nông nhàn, nhất là với phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định là một hướng đi bền vững. Trong những năm qua, hợp tác xã (HTX) làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) không chỉ khôi phục nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho hàng trăm chị em trong xã lúc nông nhàn.
Từ nhiều đời nay, người dân xóm Bui có nghề đan lát. Họ lấy nguyên vật liệu từ tự nhiên như dây rừng, song, mây, tre, nứa… để đan công cụ sản xuất, đánh bắt cá, vật dụng sinh hoạt hàng ngày đến những đồ thủ công mỹ nghệ. Theo thời gian, vật liệu nhựa, sắt, inox… dần thay thế vật liệu truyền thống, nghề truyền thống ngày càng mai một. Nhằm khôi phục lại nghề truyền thống, năm 2017, UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống xóm Bui, hỗ trợ kinh phí khôi phục và phát triển làng nghề. Năm 2020, HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui được thành lập với 25 thành viên. Việc thành lập HTX giúp các thành viên làm nghề thủ công mỹ nghệ được bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao tay nghề. Ban quản trị được hỗ trợ kỹ năng về quản lý, nghiệp vụ tài chính và đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Quách Thị Dung, Giám đốc HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui cho biết: Những ngày đầu thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn, từ tìm kiếm đơn hàng đến đào tạo nghề. Với những sản phẩm làm để sử dụng thì yêu cầu không cao. Nhưng khi thành lập HTX, nhận đơn hàng phải làm theo mẫu mã đòi hỏi kỹ năng, thẩm mỹ của sản phẩm. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hội viên HTX thường xuyên đi tập huấn và truyền thụ cho lao động. Hầu hết người lao động là nữ. Mọi người có thể làm tranh thủ lúc rảnh rỗi. Ngoài 25 thành viên chính, HTX tạo việc làm cho 200 lao động tham gia làm thường xuyên và khoảng 100 lao động thời vụ khi có đơn đặt hàng. Với lao động thường xuyên thu nhập mỗi người từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Cũng từ nguồn thu nhập này, nhiều lao động trong xóm không phải ly hương đi làm ăn xa.
Trước đây, những lúc nông nhàn, khi cấy lúa hoặc gặt xong, chị Bùi Thị Thơm ở xóm Bui phải đi kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Từ ngày thành lập HTX, đơn hàng có thường xuyên hơn nên công việc đều, có tháng chị thu nhập được 6 triệu đồng. Ngoài thời gian làm thêm chị còn tranh thủ làm được việc nhà như chăn nuôi lợn, gà, làm cỏ, nấu cơm… Không chỉ chị Thơm mà nhiều chị em khác như chị Bùi Thị Hương Dung, Bùi Thị Diệm, Bùi Thị Châm… cũng có nguồn thu nhập ổn định từ làm thủ công mỹ nghệ. Chị Thơm cho biết: Thuận lợi của nghề này là có thể tranh thủ làm mọi nơi, mọi lúc và rất dễ truyền nghề. Quan trọng nhất là thu nhập ổn định, với người tay nghề thành thạo, thu nhập một tháng có thể đạt vài triệu đồng. Nếu cả gia đình cùng tranh thủ đan, cùng với các khoản thu nhập khác như chăn nuôi, làm ruộng thì kinh tế cũng được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, HTX làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui sản xuất thường xuyên 13 sản phẩm với hàng chục mẫu khác nhau. Ngoài những sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, HTX còn nhận làm hàng theo mẫu. Các sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ nghề thủ công, hàng năm doanh thu của HTX đạt từ 3,5 - 4 tỷ đồng. Từ khi có chính sách bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, nghề mây tre đan ở xóm phát triển mạnh, đời sống người dân được nâng lên, nghề ngày càng mở rộng đem lại nguồn thu nhập, đồng thời gìn giữ được giá trị của làng nghề truyền thống.
Việt Lâm