Hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cơ bản thuận tiện, nguồn nhân lực lao động dồi dào, một số xóm vùng hồ Hòa Bình có lợi thế nuôi trồng thủy sản... là điều kiện thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH trên địa bàn xã Bình Thanh (Cao Phong).
Xưởng may tại xóm Lòn thu hút lao động xã Bình Thanh (Cao Phong) vào làm việc, đảm bảo thu nhập và góp phần giảm nghèo bền vững.
Trước đây, đời sống của người dân vùng hồ xóm Tráng nhiều khó khăn, thu nhập trông vào việc khai thác lâm sản và đánh bắt thủy sản. Với mong muốn thoát nghèo, các hộ từng bước khai thác tiềm năng về mặt nước, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá lồng bè. Anh Đinh Văn Linh, hộ tiên phong nuôi cá lồng của xóm chia sẻ: Sau khi gia đình đầu tư nuôi cá lồng thương phẩm thành công đã lan tỏa đến các hộ, như hộ các anh: Nguyễn Văn Thủy, Đỗ Văn Thuật, Lê Văn Sinh, Bùi Văn Tuấn... Bình quân mỗi năm các hộ thu về lợi nhuận 100 - 200 triệu đồng. Đáng mừng là từ chỗ hoàn cảnh khó khăn, một số gia đình như: Đỗ Văn Ba, Đinh Văn Tới, Bùi Văn Quyền đã vươn lên ổn định cuộc sống nhờ nuôi cá trên hồ. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của các hộ ngày càng mở rộng, cả xóm có 20 hộ nuôi với 58 lồng cá, chiếm 86,5% lồng cá toàn xã.
Tại địa phương còn xây dựng được các mô hình trồng trọt sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế, chủ yếu là cam, bưởi, rau đậu các loại. Diện tích cây ăn quả của xã đạt 49 ha, trong đó có 24,5 ha cam, 17,5 ha bưởi, hầu hết diện tích trong thời kỳ kinh doanh. Niên vụ 2023 - 2024, nông dân toàn xã thu trên 3.500 tấn cam, quýt, bưởi, giá bình quân khoảng 20.000 đồng/ kg. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định với tổng đàn trên 32.000 con. Nhờ đường sá thuận tiện nên sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt bán ra thị trường được giá, có sức tiêu thụ tốt. Một số hộ có lợi thế bám mặt đường mở hướng kinh doanh hàng hóa thương mại, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, trên địa bàn có xóm Mỗ phát triển du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Nằm ở giữa tuyến đường đi xã Thung Nai và điểm đến du lịch tâm linh đền Chúa Thác Bờ, xóm là điểm đến thuận tiện cho khách trong nước, quốc tế vào tham quan. 36 hộ trong xóm tham gia cung cấp dịch vụ đón khách, góp phần cải thiện thu nhập. Các hộ làm du lịch cộng đồng cũng tích cực liên kết trong tiêu thụ đặc sản vùng hồ cho nông dân địa phương, như cá sông Đà, gà, lợn bản địa, các loại rau, củ, quả...
Gần đây, tại xóm Lòn có 1 doanh nghiệp đặt xưởng may mặt hàng túi xách siêu thị cao cấp. Nhờ đó, khoảng 30 lao động quanh địa bàn được thu hút vào làm việc. Chị Ke Thị Giang, công nhân may tại xưởng phấn khởi cho biết: Thời gian trước, cứ ai gọi đi làm việc gì thì tôi nhận làm việc đó, từ phụ xây, phát cỏ, dọn nhà theo giờ..., được trả tiền công nhật nên thu nhập bấp bênh. Từ khi vào xưởng may, được đào tạo và nhận hàng làm thường xuyên cho thu nhập ổn định. Vốn tính siêng năng, cẩn thận, tay nghề của tôi ngày càng vững, có thể đảm nhiệm may sản phẩm ở những khâu khó nên tôi được trả lương gần 6 triệu đồng/ tháng, cao hơn so với mức bình quân trả cho lao động khác tại xưởng. Tôi hài lòng với công việc hiện tại, lương và quyền lợi của người lao động được đảm bảo lại làm gần nhà nên tôi vẫn có thể chu toàn việc gia đình và chăm lo cho các con.
Theo đồng chí Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh, bên cạnh các nghề nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, một bộ phận lao động trẻ đi làm việc ở một số khu, cụm công nghiệp, góp phần không nhỏ tăng thu nhập kinh tế hộ cũng như giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là hỗ trợ về vốn, kiến thức kỹ thuật đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Với nhiều nỗ lực, bình quân thu nhập đầu người năm 2023 của xã đạt 40,5 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 24 hộ, chiếm 3,52%; hộ cận nghèo giảm còn 21 hộ, chiếm 3,08%; công tác an sinh xã hội được chăm lo; thành quả về đích nông thôn mới năm 2022 được tích cực duy trì, nâng cao.
Bùi Minh
Ngày 6/3, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức gặp mặt nữ cán bộ công đoàn chuyên trách nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.
Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hưởng ứng "Tuần lễ áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tôn vinh những giá trị cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Bôi ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực. Một trong số đó là phong trào "Ngày thứ Bảy nông thôn mới”. Thành thông lệ, đến ngày này, bà con các thôn, xóm của 17 xã, thị trấn lại chung tay xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể.
Để tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, Bộ Y tế đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng BHYT bắt buộc. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng, 70% còn lại do chủ doanh nghiệp cùng lao động chi.
Ngày 5/3, Hội Người cao tuổi tỉnh phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam tổ chức họp định hướng Dự án VIE085 cho cán bộ, hội viên người cao tuổi các cấp trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu cho 2 nữ sinh bị ngộ độc thuốc an thần, giảm đau. Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với phụ huynh, cần quan tâm đến vấn đề tâm, sinh lý của trẻ vị thành niên.