Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật có nhiều quy định cụ thể, góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng được nhiều mặt của thực tiễn về cải cách hành chính, quản lý dân cư, bảo đảm quyền công dân, hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.


Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Căn cước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 27/11/2023. (Ảnh THÀNH VŨ)

Tại Ðiều 3 ghi rõ: Chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước. Ðiều 46 quy định giá trị sử dụng của Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp. Theo đó, thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Ðối với thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024, tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị. Cũng tại Ðiều 46 quy định rõ, Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng, thì được sử dụng đến ngày 31/12/2024.

Tại Ðiều 18, Luật Căn cước quy định bỏ thông tin quê quán, vân tay, nơi thường trú, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú. Luật Căn cước mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước được quy định tại Ðiều 18 và Ðiều 19.

Theo đó, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Công dân Việt Nam có nơi cư trú (thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại) được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thẻ căn cước mới thay thông tin thường trú bằng thông tin nơi cư trú).

Về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi, tại Ðiều 23 quy định, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Ðối với đối tượng này, không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học.

Tại Ðiều 3 và Ðiều 30 bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Theo đó, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên. Giấy này có giá trị thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước bổ sung quy định cấp căn cước điện tử tại Ðiều 31 và Ðiều 33. Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID). Căn cước điện tử được sử dụng trong giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Về bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học tại Ðiều 16 và Ðiều 23 nêu rõ: Việc thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ sáu tuổi trở lên sẽ do người dân tự nguyện cung cấp khi đến cơ quan công an thực hiện cấp thủ tục cấp căn cước.

Ðiểm mới cuối cùng là, việc bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước tại Ðiều 22. Các thông tin sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước bao gồm: thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Ðến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật. Tại họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý I năm 2024 tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nhấn mạnh: Ðối với việc cấp thẻ Căn cước cho công dân dưới sáu tuổi và dưới 14 tuổi và thu thập dữ liệu về mống mắt và ADN để cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu về căn cước, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan khác để triển khai khi Luật có hiệu lực.

Ðối với những người đến thời điểm đổi thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước, Bộ Công an sẽ cấp thẻ Căn cước theo hiệu lực của Luật Căn cước; đối tượng trẻ em dưới sáu tuổi và trẻ em từ sáu đến 14 tuổi, người gốc Việt nhưng không có quốc tịch Việt Nam nhưng cư trú lâu dài, ổn định tại Việt Nam, thì sẽ cấp Giấy chứng nhận Căn cước.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng cho biết thêm: Khi người dân đến làm thủ tục cấp mới, cấp đổi thẻ Căn cước theo quy định của luật mới, cơ quan chức năng sẽ thu thông tin về sinh trắc học liên quan đến ảnh, khuôn mặt, vân tay và mống mắt. Ðối với ADN và giọng nói, cơ quan công an sẽ thu nhận qua các dữ liệu của cơ quan quản lý. Thí dụ: Cơ quan tố tụng tiến hành các biện pháp tố tụng, liên quan đến giám định ADN, giọng nói. Cơ quan xử lý hành chính đối với các đối tượng có liên quan, sẽ thu nhận qua quá trình đến làm việc.

Trong trường hợp công dân có nhu cầu đồng ý lấy kết quả thông tin về sinh trắc học, cơ quan chức năng mới tiến hành giám định ADN để đưa vào thông tin của công dân trong căn cước. Ðối với người dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân, vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn, khi đó sẽ đổi sang mẫu mới. Người dân có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước, sẽ tiến hành đổi theo nhu cầu.

Trước đó, tại cuộc họp rà soát, đánh giá các nhiệm vụ nhằm bảo đảm các điều kiện triển khai thi hành Luật Căn cước, Ðại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an yêu cầu các đơn vị chủ động bám sát, bảo đảm tiến độ thực hiện các nội dung Quyết định số 175/QÐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước và Quyết định số 990/QÐ-BCA ngày 21/02/2024 của Bộ trưởng Công an về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước trong Công an nhân dân; hoàn thiện xây dựng mẫu thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; Quyết định của Bộ trưởng về phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật chip điện tử và tích hợp, lưu trữ thông tin trong chip điện tử; hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tài liệu bảo an, chống làm giả thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đa dạng hoạt động công tác xã hội hướng về người bệnh

Những ngày trung tuần tháng 3 vừa qua, cán bộ Phòng Công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh bận rộn hơn. Mỗi người một việc chuẩn bị cho các hoạt động thiện nguyện hướng tới người bệnh chào mừng kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 20/3.

Từng bước nâng tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Các địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phấn đấu nâng tỷ lệ đối tượng nhận chi trả không dùng tiền mặt đến cuối năm 2024 đạt hơn 30%.

Huyện đoàn Yên Thủy: Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi

Hiện nay, huyện Yên Thủy có 10.135 thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 35; thanh niên được tập hợp trong tổ chức Đoàn - Hội là 5.321 người, tỷ lệ tập hợp đoàn kết thanh niên đạt 78%. Trong năm 2023, các cơ sở Đoàn đã tổ chức 11 lớp cảm tình Đoàn cho 385 thanh niên ưu tú; tổ chức kết nạp 560 đoàn viên mới. Có 122 đoàn viên ưu tú được kếp nạp vào Đảng. Công tác giáo dục tiếp tục được chú trọng, triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, phát huy hiệu quả các kênh truyền thông của Đoàn, Hội, Đội trên mạng xã hội, góp phần nâng cao ý thức công dân, đạo đức, nhân cách và lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi.

Đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”

Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 20 vụ việc liên quan đến hoạt động tôn giáo trái quy định. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tham mưu tích cực, hiệu quả của các cơ quan chức năng và đại diện các tổ chức tôn giáo đã giúp UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không để những mâu thuẫn, vướng mắc, tồn tại gây ảnh hưởng đến tự do tôn giáo, hoạt động tôn giáo đúng quy định pháp luật của đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo khoa học "Những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn sách lịch sử tỉnh Hòa Bình"

Chiều 5/4, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn sách lịch sử tỉnh Hòa Bình".

Hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính

Ngày 5/4, tại xã Thanh Hối (Tân Lạc), Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với Ban quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức Lễ phát động trồng rừng gỗ lớn hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục