Dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế, xã hội... Trong đó, ngành Du lịch chịu tác động trực tiếp, dễ bị tổn thương nhất với thiệt hại được đánh giá là đã "chạm đáy”, cần có những nỗ lực và giải pháp tái cấu trúc ngành để phục hồi.


Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động linh hoạt giải pháp mở cửa thị trường, khi triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển ở từng giai đoạn, đặc biệt chú trọng kết nối lĩnh vực hàng không để khởi động sản phẩm tour mới.


Khách tham quan tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Xanh hóa chuỗi cung ứng du lịch

Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu) để thí điểm sản phẩm tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín. Từ nay đến cuối tháng, ngành sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2 của Kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa từ tháng 11/2021 của thành phố. Trong giai đoạn 2 (từ ngày 1/11-31/12/2021), Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh, dành cho khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...); đồng thời hoạt động điểm tham quan với công suất tối đa 70%.

Để kết nối thị trường du lịch nội vùng, liên tỉnh hay nội địa, hàng không được ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, xác định là một trong những lĩnh vực then chốt và không thể thiếu khi phát triển sản phẩm tour. 

Cụ thể, ông Vũ Hoàng Quang, Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, hàng không là một trong 5 phương tiện vận chuyển có vai trò quan trọng nên để có hoạt động du lịch bền vững, ngành đã có sự chuẩn bị cả năm nay, nhất là triển khai tiêu chí hàng không xanh. Điển hình, tất cả chuyến bay đi và đến đều có quy định cụ thể về tổ bay, tàu bay trước trong và sau chuyến bay. Hầu hết các cảng đều khẳng định là "xanh”, khi khách khi bước vào cảng đã được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh cho đến khi ra. Chính vì vậy, ngành Hàng không mong các địa phương phối hợp, có sự đồng thuận cao về lộ trình tổ chức lại những chuyến bay nội địa lẫn quốc tế trên cơ sở đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết, Công ty hoạt động trên cả hai lĩnh vực hàng không và du lịch, trong đó Hãng Hàng không Vietravel Airlines vừa mới thành lập. Mặc dù chịu sức ép từ thị trường bị "đóng băng" trong thời gian qua, nhưng Vietravel vẫn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi, quan tâm xây dựng sản phẩm phù hợp tình hình mới. Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2021, khi xuất hiện tín hiệu tích cực ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, Chính phủ đã thay đổi quan điểm từ "Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, đã mang lại điều kiện thuận lợi hơn cho cả ngành Hàng không và Du lịch. Tuy vậy, hiện nhiều địa phương chỉ dừng lại ở mở cửa nội thành, nội tỉnh, trong khi du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao nên doanh nghiệp mong muốn các địa phương sớm mở cửa trở lại, thống nhất tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay để du khách và doanh nghiệp có thể sớm trở lại.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Vietnam Airlines chia sẻ, Hãng có sự chuẩn bị, duy trì độ sẵn sàng của máy bay theo tiêu chuẩn quốc tế, duy trì bảo trì, bảo dưỡng dưỡng... Cùng với đó, Vietnam Airlines làm việc với nhiều địa phương chuẩn bị cho phục hồi thị trường. Trong năm 2021, Vietnam Airlines đã ký hợp tác với 16 tỉnh và dự kiến sẽ tiếp tục có thêm nhiều địa phương trong thời gian tới. Ngoài ra, Vietnam Airlines đã làm việc với một số doanh nghiệp như Vingroup, Sungroup, Saigontourist... để thí điểm sản phẩm tour mới.

Lĩnh vực Hàng không đang hình thành và xây dựng hành lang xanh, với nhiều biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới. Trong bối cảnh "bình thường mới", Vietnam Airlines đề xuất những ngành nghề, lĩnh vực tham gia chuỗi cung ứng trong ngành Du lịch khi xây dựng tour, tuyến cần có tiêu chí chung; đồng thời các địa phương quan tâm bao phủ vaccine COVID-19. Theo khảo sát xu hướng du lịch mới đây, đa số hành khách vẫn đi du lịch biển, tiếp theo là núi cao nhưng có điểm mới là khách sẵn sàng đi những điểm vừa khai phá, ít người biết, nên bao phủ vaccine tại điểm đến là điều quan trọng.

Từng bước trở lại quỹ đạo hoạt động


Du khách tham quan trải nghiệm tuyến bus đường sông tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Đánh giá về những điều kiện quan trọng để đưa ngành Du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại, thành phố là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao so với cả nước. Trong đó, lực lượng lao động ngành Du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo thống kê sơ bộ có tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt 80%. Sở Du lịch Thành phố với vai trò chủ trì, cùng với sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện và nhất là sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ du lịch đã nhanh chóng vượt khó, bắt tay ngay vào phục hồi du lịch khi dịch bệnh vừa được kiểm soát trên địa bàn thành phố. 

Ngành Du lịch tiếp tục được Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Du lịch Thành phố phải xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh thiết kế, xây dựng những sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổ chức lại điểm tham quan, tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng đảm bảo an toàn, chất lượng, lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện. 

"Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phải phát huy vai trò đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh thành, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa trên nền tảng kết quả đã liên kết thành công với hơn 40 tỉnh thành trong giai đoạn năm 2019-2020 để nối lại và tái khởi động. Trước hết cần tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh, thành để kết nối tour, tuyến khép kín và đảm bảo thống nhất tiêu chí an toàn giữa các địa phương. Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục chủ động vượt khó, liên kết hợp tác, chuẩn bị nguồn lực tái hoạt động; xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới hoặc bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm; tích cực tham gia chương trình kích cầu và truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch", bà Phan Thị Thắng đề nghị.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Sức hút du lịch Mường Bi

(HBĐT) - Phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 27 vạn lượt khách, tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt khoảng 85 tỷ đồng…, đó là mục tiêu huyện Tân Lạc hướng tới, đã và đang được hiện thực bằng những cách làm phù hợp để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Tập huấn tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp cho hộ làm du lịch cộng đồng huyện Mai Châu

(HBĐT) - Ngày 14/10, tại huyện Mai Châu, Sở VH-TT&DL tổ chức khai giảng lớp tập huấn tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp về dịch vụ du lịch nông thôn OCOP năm 2021. Tham dự có 35 học viên là hộ làm du lịch cộng đồng bản Lác - xã Chiềng Châu, Hang Kia - xã Hang Kia.

Nền tảng cho phát triển du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh công bố phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035. Quy hoạch được phê duyệt là công cụ pháp lý, nền tảng đặc biệt quan trọng cho phát triển du lịch vùng hồ Hòa Bình.

Trở lại  bản du lịch cộng đồng mùa lúa chín

(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm bản Mường Giang Mỗ (nay là xóm Mỗ), xã Bình Thanh (Cao Phong) vào những ngày đầu tháng 10, khi mùa lúa chín. Cánh đồng ruộng bậc thang xếp lớp đang chuyển từ màu xanh sang màu lúa vàng ươm, bông chắc hạt sà xuống sát đất, thơm ngát hương đồng. Bản Mường yên ả trong nắng thu bình yên như không thể bình yên hơn. Một khung cảnh thiên nhiên an lành, là cây là trái, là nếp nhà sàn, là núi đồi mênh mang hùng vĩ xanh thẳm, là tiếng chim hót trong lành, suối chảy róc rách ngày đêm không ngơi nghỉ. Cuộc sông dân bản đầm ấm lặng lẽ trong tình người chân thật. Sau thời gian cẳng thẳng giãn cách vì dịch Covid-19 đã có những đoàn khách ghé thăm, khám phá phong cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa, tìm hiểu nét sinh hoạt, cuộc sống của người dân bản Mường Giang Mỗ.

Đưa du lịch Hòa Bình chuyển động, vươn xa

(HBĐT) - Cùng với du lịch Việt Nam, ngành du lịch Hòa Bình trải qua chặng đường hơn 61 năm xây dựng, trưởng thành. Đặc biệt, kể từ sau tái lập tỉnh, du lịch của tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế để vươn lên, đóng góp vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Khơi nguồn văn hóa Mường cổ cho du lịch phát triển

(HBĐT) - Là 1 trong 4 vùng Mường cổ, cái nôi của nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng, văn hóa dân tộc là nguồn lực nội sinh quan trọng của huyện Tân Lạc. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện từng bước phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục