(HBĐT) - Xâm hại trẻ em (XHTE), đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng lớn đến cả gia đình và xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ xâm hại trẻ em. Không chỉ gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng tăng lên ở cấp số nhân. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm và cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đẩy lùi.


Thực trạng đáng báo động

Theo thống kê, từ tháng 1/2015 - 6/2019, toàn tỉnh xảy ra 94 vụ XHTE với 96 nạn nhân, có 87 trẻ em nữ và 9 trẻ em nam. Trong đó, hiếp dâm trẻ em 46 vụ; dâm ô trẻ em 12 vụ; giao cấu với trẻ em 26 vụ; 1 vụ mua bán, 1 vụ bắt cóc, 1 vụ chiếm đoạt trẻ em; hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần 6 vụ; 1 vụ cướp tài sản của trẻ em. Trong số trẻ em bị xâm hại có 17 trẻ dưới 6 tuổi; 13 nạn nhân từ 6 đến dưới 13 tuổi và 40 nạn nhân từ 13 đến dưới 16 tuổi. Đối tượng phạm tội đa dạng, nhưng chủ yếu là những người quen biết, hàng xóm, thậm chí là người ruột thịt trong gia đình: bố đẻ xâm hại con, ông nội, bác ruột xâm hại cháu…

Ngày 10/1/2019, TAND tỉnh đưa ra xét xử bị cáo Đinh Công Th., SN 1981, trú tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mà nạn nhân chính là con ruột. Theo cáo trạng: Đinh Công Th. và vợ là Bùi Thị Ch. (cùng cư trú tại xã Vĩnh Đồng) kết hôn vào năm 2005 và sinh được 2 người con. Do cuộc sống nảy sinh nhiều bất đồng nên vợ chồng Th. sống ly thân từ năm 2016. Vợ về sống ở nhà mẹ đẻ, thường xuyên đi làm ăn xa, Th. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con (con gái Đinh Thị H., SN 2006) và con trai Đinh Công H., SN 2010). Ngày 15/7/2018, sau khi uống rượu, bia, không làm chủ được bản thân, Th. đã thực hiện hành vi giao cấu với cháu H. (con gái ruột). 10 ngày sau, cháu H. mới kể lại sự việc cho người bác (chị gái của mẹ). Trước sự việc đau lòng, chị Ch. (bác ruột của cháu H.) đã làm đơn trình báo đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi. Ngày 15/8/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Công Th. về tội hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi. Tại phiên xét xử ngày 10/1/2019, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Th. 17 năm tù giam.


Học sinh Trường tiểu học xã Yên Lạc (Yên Thủy) tìm hiểu kiến thức về quyền trẻ em tại góc tư vấn tâm lý học đường của nhà trường.

Trước đó, ngày 24/8/2018, TAND tỉnh Hòa Bình cũng đã đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn L., SN 1938, trú tại xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) về tội hiếp dâm trẻ em (nạn nhân là cháu nội chưa đầy 9 tuổi). Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017- 2/2018, bị cáo L. đã3 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu nội. Chỉ khi bị vợ phát giác và trình báo với cơ quan Công an, bị cáo L. mới ra đầu thú khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bùi Văn L. đã bị xử phạt 12 năm tù giam về tội "hiếp dâm trẻ em”.

Đó là 2 trong các vụ XHTE gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận nhân dân trên địa bàn tỉnh thời qua. Những hành vi này thể hiện sự suy đồi, xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội.

Thông qua việc điều tra, xét xử của cơ quan chức năng cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Có những trường hợp đối tượng sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm đã giết người bị hại để che giấu hành vi phạm tội của mình. Có đối tượng lợi dụng nạn nhân bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để thực hiện hành vi xâm hại tình dục...

Đâu là nguyên nhân?

Dưới góc nhìn của các nhà quản lý, việc gia tăng các vụ XHTE trên địa bàn tỉnh gần đây là do còn nhiều khoảng trống thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CSBVTE). Theo nhận định của đồng chí Phạm Quốc Hưng, Chánh án TAND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia tăng các vụ XHTE là do: Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về CSBVTE chưa hiệu quả. Mặc dù công tác tuyên truyền phòng, chống XHTE đã được triển khai khá tích cực nhưng chưa thực sự sâu rộng, chưa được thực hiện thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, do đó mức độ lan tỏa còn hạn chế. Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường, chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, ngần ngại khi trao đổi với con các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản, các nguy cơ bị lạm dụng tình dục hoặc vấn đề bị lạm dụng, xâm hại tình dục dẫn đến phần lớn trẻ em thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc mắc tai - tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, ly hôn, ly thân… không có điều kiện chăm sóc con cái cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Mặt khác, tác động của văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng đã dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức và lối sống của một số đối tượng. Tình trạng sử dụng rượu, bia quá mức dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi của bản thân cũng là nguyên nhân phát sinh các hành vi XHTE.

Cũng theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, tình hình XHTE vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Bởi sự phát triển của công nghệ số và các thiết bị điện tử, trẻ em dễ dàng tiếp cận với với mạng xã hội, internet, nhưng lại thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng, khai thác, kiểm soát các nội dung an toàn, lành mạnh với trẻ em, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

Cần chung tay trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Những con số, vụ việc đau lòng về hành vi XHTE cho thấy thực sự đang có lỗ hổng không hề nhỏ trong công tác CSBVTE trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định, đánh giá của UBND tỉnh tại Báo cáo số 272, ngày 28/8/2019 thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác CSBVTE đó là: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện chính sách về CSBVTE chưa thường xuyên, rộng khắp, chưa truyền thông đầy đủ tới các nhóm đối tượng trong xã hội. Hệ thống tổ chức CSBVTE đã được thành lập đến tuyến xã, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động CSBVTE, nhất là việc phòng, chống xâm hại trẻ em được cấp từ nguồn ngân sách hàng năm còn hạn hẹp. Đến nay, tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí riêng công tác phòng, chống XHTE. Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong công tác CSBVTE đôi khi chưa chặt chẽ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác trẻ em. Ngay từ mỗi gia đình cũng chưa đề cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em: một số vụ XHTE mà đối tượng xâm hại là người thân trong gia đình không được trình báo kịp thời. Vì lý do bảo vệ danh tính cho nạn nhân nên việc xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ít được xét xử theo hình thức lưu động, thông tin rộng rãi nên thiếu tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung… Chung tay "vá" những lỗ hổng trong công tác CSBVTE là điều cần thiết, việc cần làm ngay để giảm thiểu tối đa tình trạng XHTE trên địa bàn.


Trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em

Điều 51, Luật Trẻ em năm 2016 quy định trách nhiệm tố giác hành vi XHTE:

1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan lao động, thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi XHTE; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE.

 

Người dân cần nêu cao trách nhiệm thông tin, tố giác các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em

Có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, Bộ Công an, trong thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh luôn triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm XHTE. Các vụ XHTE đều được đánh giá ở mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nhiêm trọng. Vì vậy, khi nhận được thông tin, tố giác liên quan đến XHTE, chúng tôi tập trung điều tra nhanh nhất để sớm đưa vụ việc ra xét xử.

Dù đã có sự chủ động trong thực nhiệm vụ nhưng hiện tại, việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên do là một số gia đình nạn nhân có tâm lý mặc cảm, tự ti, sợ mất danh dự... nên không trình báo với cơ quan chức năng khi xảy ra vụ việc XHTE, nhất là khi người có hành vi xâm hại là người thân trong gia đình. Theo thống kê, hiện trên 70% vụ XHTE trên địa bàn tỉnh do người thân trong gia đình, hàng xóm, người quen gây ra. Thậm chí có trường hợp gia đình nạn nhân tự thỏa thuận, hòa giải với đối tượng xâm hại, không hợp tác với lực lượng chức năng, từ chối giám định gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Xin được nhắc lại: XHTE là hành vi phạm tội nghiêm trọng cần lên án và xử lý nghiêm. Vì vậy, rất mong mỗi người dân trong cộng đồng xã hội nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc thông tin, tố giác tội phạm XHTE làm cơ sở để lực lượng chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đại tá Phạm Hồng Tuyến

Giám đốc Công an tỉnh

 

Hạn chế rượu, bia để ngăn chặn những hành vi lệnh chuẩn

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các vụ XHTE trên địa bàn. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi vẫn là sự lệch chuẩn về văn hóa, đạo đức ở một bộ phận người dân. Điều này có thể thấy rõ ở những vụ xâm hại tình dục trẻ em mà người thực hiện hành vi đồi bại đó là cha đẻ, ông nội, bác ruột… của nạn nhân.

Một thực tế hiện hữu là tình trạng sử dụng rượu, bia quá nhiều dẫn đến mất kiểm soát và thực hiện những hành vi đồi bại. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã chỉ rõ: gần 60% vụ bạo lực gia đình, XHTE ở các địa phương có liên quan đến rượu, bia. Ở tỉnh ta, một tỉnh miền núi với phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa uống rượu vẫn ở mức phổ biến, tiềm ẩn những nguy cơ về bạo lực gia đình, XHTE… Tháng 6/2019, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, mong rằng, các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân cùng quan tâm thực hiện nhằm hạn chế tình trạng sự dụng rượu, bia. Từ đó, hạn chế những hành vi lệch chuẩn do rượu, bia dẫn đến bạo lực gia đình, XHTE trên địa bàn.

Bùi Thị Niềm

Giám đốc Sở VH-TT&DL

 

Tăng cường công tác tác giáo dục phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em

Nhằm chung tay, góp sức bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những năm qua, Tỉnh Đoàn tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực, bóc lột trẻ em, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đến ĐV-TN.

Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền rộng khắp trong trường học để phòng ngừa là chính. Tiếp tục nhân rộng mô hình phòng, chống tội phạm trong trường học, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Phối hợp với lực lượng Công an các cấp duy trì kiểm tra, giám sát trong và ngoài trường học, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc liên quan đến tội phạm XHTE với phương châm: "Lấy giáo dục làm cơ bản, biện pháp là cần thiết, kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội làm cơ sở phối hợp giáo dục phòng ngừa”.

Hoàng Đức Minh

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn

 

Lam Nguyệt

Các tin khác


Vấn đề đặt ra trong quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp

(HBĐT) - Mỗi năm, nhu cầu sử dụng 3 loại vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần khoảng 1.900 tấn lúa, 700 tấn ngô giống; 145.000 tấn phân bón, trong đó, 45.000 tấn đạm urê, 55.000 tấn lân, 35.000 tấn ka li; 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa thiết yếu quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng và việc sử dụng mặt hàng này được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường sinh thái.

Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối của xã hội

(HBĐT) - Từ ngày 1/7/2008, Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, là công cụ pháp luật để xử lý những hành vi BLGĐ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, duy trì sự ổn định của gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra thường xuyên, trở thành vấn đề nhức nhối tại tỉnh ta. BLGĐ gây nên những tổn hại nghiêm trọng đối với cá nhân và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Chung tay hỗ trợ gia đình liệt sỹ

(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sỹ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó. Theo thống kê, toàn quốc hiện còn khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và khoảng 300 nghìn mộ liệt sỹ đã quy tập nhưng chưa có tên. Riêng với tỉnh Hòa Bình, qua 2 cuộc kháng chiến có khoảng 5.800 liệt sỹ, nhưng đến nay mới có gần 1.200 liệt sỹ đã tìm thấy mộ, còn lại là các phần mộ chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy để quy tập về nghĩa trang. Cần thêm nữa những tấm lòng nhiệt huyết để tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - cần sự tập trung cao độ

(HBĐT) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng để thực hiện mục tiêu hợp lý các đơn vị hành chính, phù hợp với xu thế phát triển KT-XH của tỉnh. Một mặt, góp phần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không dễ dàng bởi những vấn đề phát sinh như: dôi dư cán bộ, thừa - thiếu cơ sở vật chất, chất lượng công vụ, chế độ, chính sách cho người dân vùng khó khăn… Để thực hiện thành công cần có quyết tâm chính trị, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý

(HBĐT) - Tại Hội nghị giao ban chuyên đề thực trạng, giải pháp "Nâng cao hiệu quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý” được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải làm thật tốt công tác phối hợp để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân phải hướng đến mục tiêu thực chất và hiệu quả, tập trung nâng cao chất lượng kết nạp đảng và đảng viên, kiên quyết sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng, xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Việc làm cho lao động mất đất: Làm gì để người nông dân không bị bỏ rơi

(HBĐTT) - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư, thu hồi hàng nghìn ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng. Ngoài ra, toàn tỉnh đang triển khai 8 dự án về khu đô thị mới có thu hồi đất của nông dân. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những địa phương nông dân bị thu hồi đất sản xuất nhiều nhất. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là một tất yếu nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đô thị hóa là những người nông dân mất đất, mất nghề. Làm gì để những người nông dân không bị bỏ lại phía sau là trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục