(HBĐT) - Theo nhận định xu thế thời tiết thủy văn năm 2020 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm nay có khả năng xuất hiện từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, khoảng 2 - 4 cơn bão ảnh hưởng đến tỉnh Hòa Bình. Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Đặc biệt, đối với tỉnh cần đề phòng khi thời tiết chuyển mùa, nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, tố lốc, mưa đá trên phạm vi toàn tỉnh.


Công nhân Điện lực Cao Phong khắc phục sự cố do ảnh hưởng của đợt mưa lớn trong các ngày 24 - 25/1 .

Không chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai

Từ chiều 24/1 và cả ngày 25/1 (tức 30 Tết và mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh ta đã có mưa vừa, mưa to, thậm chí nhiều nơi xuất hiện thời tiết cực đoan là mưa đá, giông, lốc. Ngay trên địa bàn TP Hòa Bình và một số huyện, trong ngày 25/1 có 3 lần xảy ra mưa đá; hiện tượng sấm, sét cũng xuất hiện trong ngày đầu xuân. Mặc dù diễn biến thời tiết này đã được cơ quan Khí tượng thủy văn dự báo, tuy nhiên nhiều người cho rằng, đây là hiện tượng khá bất thường và bất ngờ.

Thời tiết cực đoan và mưa lớn kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là lại đúng vào ngày Tết. Một số tuyến đường có hiện tượng sạt lở; ngập tại vùng trũng; có những diện tích đã cấy bị ngập cục bộ phải cấy lại như tại huyện Lạc Thủy. Mưa đá cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của một số diện tích rau, màu, cây ăn quả thời kỳ ra hoa. Các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hòa Bình... gặp sự cố về lưới điện như: gẫy đổ, nghiêng, sạt lở móng cột; sét đánh trực tiếp vào trạm biến áp... gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Qua trao đổi nhanh với đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh được biết, đợt mưa to vừa qua phần nào giải quyết được tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sản xuất vụ chiêm xuân. Song cũng là dấu hiệu diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai trong năm 2020. Do vậy, cần nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống.

Nhìn lại tình hình thiên tai và diễn biến thời tiết năm 2019 cho thấy, so với những năm trước, thiên tai xảy ra đối với tỉnh không lớn, song tổng thiệt hại vẫn gần 279 tỷ đồng và còn để xảy ra thiệt hại về người với 4 người chết, 1 người bị thương. Thiên tai đã làm 737 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại, di dời khẩn cấp; 720 ha lúa, 1.090 ha hoa màu, 5,5 ha cây trồng lâu năm, 198 ha cây trồng hàng năm, 105 ha cây ăn quả bị thiệt hại; gần 3.800 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 50 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, như: gần 1.500 m kênh mương bị xói lở, cuốn trôi; hư hỏng 4 cống, 8 trạm bơm, trạm thủy luân; sạt lở 7.255 m bờ sông; 19 đập, bai dâng bị ảnh hưởng, hư hỏng, 9 công trình thủy lợi khác hư hỏng.

Mưa lũ khiến nhiều khu vực của các đường giao thông bị ngập và sạt lở mái taluy âm, taluy dương khi có mưa lớn gây hư hỏng, ách tắc nhiều tuyến đường. Cụ thể các tuyến quốc lộ, khoảng 50 m đường bị sạt lở, hư hỏng, ngập 1.300 m; đất, đá sạt lở 200 m3; 6 điểm giao thông sạt lở gây ách tắc; 8 công trình phụ trợ hư hỏng. Đối với các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn do địa phương quản lý bị sạt lở, hư hỏng trên 2.650 m, 1.950 m đường bị ngập; đất, đá sạt lở trên 41.400 m3; đá, bê tông, nhựa đường hư hỏng gần 600 m3; nhiều cầu, cống hư hỏng, 110 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông và 53 công trình phụ trợ hư hỏng...

Ngoài ra, thiên tai cũng gây ra cho tỉnh thiệt hại về lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, thông tin liên lạc, nước sạch và vệ sinh môi trường...

Khẩn trương khắc phục tồn tại, yếu kém

Trong năm 2019, công tác PCTT đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các khu vực có nguy cơ mất an toàn được các địa phương quan tâm rà soát, cảnh báo và chủ động tuyên truyền các biện pháp PCTT đến người dân. Các công trình được đầu tư sửa chữa. Người dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết, qua đó góp phần tăng khả năng phòng, tránh khi có thiên tai xảy ra tại các địa phương. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai công tác PCTT&TKCN năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Một số nơi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thiếu chủ động, chủ quan, chưa thực sự cương quyết trong việc ngăn cản giao thông khi có thiên tai dẫn đến việc có trường hợp tử vong do đi qua ngầm khi có lũ lớn. Phương án ứng phó thiên tai đã được xây dựng nhưng chưa thực sự sát với thực tế; kịch bản đặt ra mang tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố thiên tai xảy ra nên việc ứng phó còn lúng túng, bất cập.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đánh giá: Việc xác định các loại hình thiên tai chưa gắn sát với các khu vực cụ thể, thiếu chi tiết nên bị động trong phòng chống. Khả năng phán đoán tình huống sự cố thiên tai còn hạn chế dẫn đến triển khai công tác ứng phó chậm. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ chỉ huy điều hành cũng như phục vụ công tác ứng phó thiên tai ở các cấp còn thô sơ và thiếu. Công tác dự báo, cảnh báo sớm có nhiều hạn chế, sai sót; chưa thực hiện được dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hệ thống trạm đo mưa đã được tự động một số trạm, song hầu hết vẫn ở dạng đo mưa thủ công nên tác dụng dự báo hạn chế.

Ngoài ra, một số địa phương còn có tình trạng chủ quan, chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của thiên tai; chưa kiên quyết đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai, mưa lũ. Còn nhiều trường hợp, chính quyền địa phương để người dân khi có mưa lũ lớn chưa chịu di dời hoặc vẫn tham gia giao thông, đánh bắt thủy sản tại vùng nguy hiểm...

Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt cả năm

Nhận định xu thế thời tiết trong năm 2020 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh, lượng mưa từ tháng 1 - 3 phổ biến ở mức xấp xỉ và ít hơn TBNN; tháng 4 tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn TBNN. Tuy nhiên, từ tháng 5 - 10, tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN và cao hơn năm 2019. Trong mùa mưa lũ năm 2020, ở các sông có khả năng xuất hiện từ 3-5 trận lũ trên báo động II trở lên. Mực nước trung bình, cao nhất, thấp nhất sẽ ở mức xấp xỉ so với TBNN và cao hơn năm 2019.


Năm 2019, một số đoạn đường lên xóm Tháu, Vôi, xã Thái Thịnh (nay thuộc phường Thái Bình) - TP Hòa Bình đã được xây kè. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở đất vẫn cao nếu mưa to kéo dài.

Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai trong năm 2020, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các cấp, ngành cần xác định công tác PCTT, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và xuyên suốt cả năm. Nếu không làm tốt công tác này thì thiệt hại lớn đến tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến đời sống của nhân dân. Do vậy, các địa phương, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt coi trọng xây dựng phương án PCTT sát với từng địa phương, từng cấp, ngành; chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo về lượng mưa, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Lãnh đạo từ cấp xã trở lên và các ngành phải nắm chắc, gắn với phương án của đơn vị để có sự chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Cần rà soát, xác định rõ vùng trọng điểm xung yếu về ngập úng, lũ quét, sạt lở, đá lăn, hạn hán để có để có phương án ứng phó cụ thể, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên nhằm đảm bảo sẵn sàng công tác chỉ đạo, chỉ huy, từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Quan tâm bổ sung cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, dịch vụ công tham gia PCTT. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng tránh thiên tai. Nhanh chóng xây dựng đội xung kích ở các xã để thực hiện tốt hơn nữa phương châm "4 tại chỗ”...

UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác PCTT, TKCN; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các huyện, thành phố, sở, ngành chức năng. Trong đó yêu cầu nghiêm túc tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, TKCN, đảm bảo khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau lũ, bão. Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để phòng tránh. Rà soát, tổ chức lực lượng chuyên trách về công tác PCTT cấp huyện. Đối với cấp xã và thôn, xóm, tổ chức các đội xung kích ứng trực, quan sát, kịp thời cảnh báo các sự cố thiên tai có thể xảy ra, kịp thời thông báo tới các hộ dân trong vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản; kiểm tra, rà soát tránh việc đào xẻ đất đồi, núi để xây dựng nhà và công trình...

Bình Giang


Nhóm ý kiến: 

Tăng cường trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai

Thực tế ở tỉnh những năm qua, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai ở các cấp còn thiếu, không thường xuyên được bảo dưỡng sử dụng nên khi cần thiết không vận hành được, khiến công tác cứu hộ cứu nạn không đáp ứng yêu cầu đề ra. Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc đề xuất, kiến nghị với T.Ư bổ sung và tự trang bị theo kinh phí đã cấp, các địa phương cần chú trọng kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư trang thiết bị, vật tư và các phương tiện trong nền kinh tế quốc dân, nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ cứu nạn ở từng khu vực.

Để đáp ứng yêu cầu "4 tại chỗ”, nhất thiết chúng ta phải nắm chắc lực lượng, phương tiện kỹ thuật hiện có trong nền kinh tế, huy động đúng đối tượng để khi cần thiết kịp thời huy động, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, từ đó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

 

Đại tá Vũ Thành Nam

Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

 


Huy động nguồn lực xây dựng xây dựng khu tái định cư cho vùng sạt lở đất

Trong công tác PCTT, vấn đề lo ngại nhất của huyện Yên Thủy hiện nay là sạt lở đất, nhất là trên địa bàn các xã Lạc Sỹ, Lạc Hưng, Bảo Hiệu. Vì vậy, trong năm 2020, ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện sẽ nỗ lực bảo vệ tốt nguồn nước tại các hồ, đập, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi để vừa tích nước vừa phục vụ công tác phòng chống lũ bão.

Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cố gắng bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xây dựng các khu tái định cư di dân vùng sạt lở ở các xã để giúp người dân ổn định cuộc sống và lao động sản xuất. Do vậy, huyện Yên Thủy rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành chức năng.

Bùi Thị Kim Cúc

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy


Các tin khác


Cải tạo vườn tạp - thêm sức mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(HBĐT) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, khoảng 12.380 ha vườn tạp trên địa bàn tỉnh cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, những diện tích vườn tạp đã được cải tạo (khoảng 6.350 ha) cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều diện tích được cải tạo để thâm canh các loại cây ăn quả đã mang lại nguồn thu từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Đây là những con số ấn tượng cho thấy hiệu quả vượt trội của cải tạo vườn tạp (CTVT) - một định hướng đột phá giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng sức mạnh cho người nông dân và củng cố những giá trị bền vững để toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số - cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

(HBĐT) - Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách mới mang lại nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS, việc triển khai chính sách BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề người dân quan tâm chính là cơ hội để người nghèo, DTTS tiếp cận được với dịch vụ y tế cao, đảm bảo chất lượng từ tuyến cơ sở. 

Giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững

(HBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã có chuyển biến tích cực. Nhiều HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

(HBĐT) - Ly hôn là quyền nhân thân của mỗi công dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ lụy của việc ly hôn là không hề nhỏ. Với sự gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội như hiện nay thì ly hôn thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư

(HBĐT) - Tiến độ giải ngân nguồn vốn NSNN những năm qua của tỉnh luôn ở mức trung bình thấp của cả nước. Tại hội nghị đánh giá thực trạng, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Khắc phục tình trạng có tiền không tiêu được, không nhân nhượng dự án chậm tiến độ, nghiên cứu cơ chế bố trí vốn ưu tiên cho những công trình, dự án trọng điểm, tạo sức lan tỏa, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”.

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật

(HBĐT) - Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du. Trong đó, tại Hòa Bình, "nghề có nhiều mật ngọt” đang tạo ra nhiều sức hút.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục