(HBĐT) - Để người lao động (NLĐ) không vi phạm pháp luật và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì trước tiên NLĐ phải được trang bị, hiểu biết về pháp luật và các quy định liên quan. Do đó, Công đoàn tỉnh xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức tuyên truyền giúp NLĐ dễ tiếp cận thông tin, nắm vững kiến thức. 


 Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình)  tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đoàn viên, người lao động. 

Đưa kiến thức pháp luật hướng về cơ sở

Đã thành quen thuộc, đầu giờ sáng mỗi ngày, tiếng loa phát thanh tại Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) giúp đoàn viên, NLĐ cập nhật tin tức, nắm bắt thông tin thời sự kịp thời. Đối với doanh nghiệp (DN) FDI có trên 700 công nhân lao động, công tác tuyên truyền, PBGDPL được Ban lãnh đạo công ty xác định là nhiệm vụ quan trọng góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa DN và NLĐ. Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép qua các buổi họp hàng tháng, hàng quý; tuyên truyền miệng; tuyên truyền bằng hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội zalo, facebook… Trung bình mỗi năm, Ban chấp hành Công đoàn tham mưu Ban lãnh đạo công ty tổ chức 4 - 5 buổi tuyên truyền, PBGDPL với nội dung phong phú, đa dạng, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia. Qua đó, NLĐ tại DN đã được nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, được hưởng đầy đủ chế độ chính sách lương, thưởng… Thực tế đó đã giảm được tỷ lệ NLĐ bỏ việc, không phát sinh đơn thư, khiếu kiện, đình công tại DN.

Chị Nguyễn Thị Thùy, công nhân Công ty TNHH GGS Việt Nam chia sẻ: "Những thông tin, kiến thức được tiếp cận thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL giúp tôi và nhiều NLĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia làm việc tại DN. Đặc biệt, NLĐ có thể nắm vững các quy định, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi mong muốn Ban lãnh đạo công ty, Ban chấp hành Công đoàn tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, đưa kiến thức bổ ích đến với NLĐ nhiều hơn”.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới đoàn viên, NLĐ, hàng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn để thu hút được đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn các cấp Công đoàn quán triệt, tuyên truyền các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ như: Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn…



Đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Cao Phong tham gia chương trình giao lưu "Tìm hiểu kiến thức pháp luật và gia đình”.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với sở, ban, ngành tổ chức 24 buổi tuyên truyền, PBGDPL tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ các huyện, thành phố và Công đoàn ngành, thu hút trên 2.000 lượt người tham gia. Đồng thời triển khai 17 cuộc giám sát với 3 nội dung trọng tâm về: Việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt  buộc; Quy chế dân chủ ở cơ sở; Thỏa ước lao động tập thể và bữa ăn ca trong các DN có tổ chức Công đoàn. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về chính sách BHXH, BHYT cho 45 cán bộ công đoàn chuyên trách. Thông qua các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, NLĐ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của NLĐ và người sử dụng lao động. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại các DN, góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững.

"Rào cản” trong công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật

Thực tế thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác tuyên truyền, PBGDPL đang đối mặt với không ít khó khăn, rào cản. Theo rà soát từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ đình công tại các huyện Lương Sơn, Lạc Sơn và Khu công nghiệp Lương Sơn. Đây là khu vực có nhiều DN hoạt động thu hút đông NLĐ đến làm việc. Nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ đình công là do chủ DN chưa thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Việc trả lời kiến nghị, giải đáp thắc mắc chưa thỏa đáng khiến NLĐ bức xúc. Ngoài ra, cũng có thực tế là một bộ phận NLĐ tại DN nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu đúng các quy định của pháp luật.

Đồng chí Tống Đức Chiến, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: "Ngay sau khi trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ việc NLĐ đình công, ngừng việc tập thể tại các DN, Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động đã chủ động tham mưu Thường trực LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời có mặt tại cơ sở. Tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và NLĐ nhằm hòa giải, giải đáp những thắc mắc theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với người sử dụng lao động, đoàn viên, NLĐ để nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”. 

Qua khảo sát thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, PBGDPL đến đoàn viên, NLĐ chưa được triển khai đồng bộ, còn đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình tổ chức triển khai và điều kiện tiếp nhận thông tin của đoàn viên, NLĐ. Theo rà soát, toàn tỉnh hiện có trên 2.200 DN, tuy nhiên chỉ có 245 CĐCS được thành lập trong DN, chiếm khoảng 11%. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, lao động chủ yếu làm việc theo thời vụ; số DN có tổ chức CĐCS chiếm tỉ lệ thấp nên công tác tuyên truyền, PBGDPL gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, một số DN sản xuất theo dây chuyền nên không thể cắt giảm giờ làm để thực hiện công tác tuyên truyền. Chủ DN và người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, PBGDPL đến với đoàn viên, NLĐ. 

Một trong những "rào cản” lớn trong tuyên truyền, PBGDPL đó chính là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền còn thiếu. Sau khi thực hiện tinh giản biến chế theo quy định của Nhà nước, đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn ngành chỉ có từ 4 - 6 cán bộ. Do phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên công tác tuyên truyền, triển khai, thực hiện chưa đem lại hiệu quả cao.

Để công tác tuyên truyền pháp luật thực chất và hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan từng bước đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ và người sử dụng lao động tham gia. Việc đổi mới công tác tuyên truyền, PBGDPL trước hết cần xác định nhu cầu tiếp nhận nội dung thông tin là đoàn viên, NLĐ.    Từ đó chọn lựa nội dung phù hợp để truyền tải những thông tin hữu ích đến đoàn viên, NLĐ. Cập nhật những nội dung quy định pháp luật mới ban hành và những nội dung DN, NLĐ còn vướng mắc như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn… Qua quá trình phối hợp kiểm tra, giám sát để xây dựng kế hoạch, nội dung có trọng tâm, trọng điểm gắn với quyền lợi "sát sườn” đối với đoàn viên, NLĐ.

Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên dành thời gian để giải đáp thắc mắc, đồng thời đặt ra những câu hỏi từ thực tế với NLĐ. Công khai địa chỉ hộp thư điện tử, số điện thoại cá nhân của báo cáo viên để chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc của đoàn viên, NLĐ. Đối với hoạt động đặc thù tại các DN, công tác tuyên truyền, PBGDPL với NLĐ được tổ chức phù hợp, linh động đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của DN. Theo đó, việc tổ chức tuyên truyền sau giờ làm việc, lồng ghép vào các buổi họp, hệ thống loa phát thanh, các trang mạng xã hội zalo, facebook của đơn vị…

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: "Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền theo kế hoạch năm đã đề ra. Linh hoạt, đa dạng hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền với phương châm hướng hoạt động về cơ sở. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, NLĐ một cách hiệu quả nhất. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ; củng cố, thắt chặt mối quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển DN bền vững, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

 Đức Anh

Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật 
 
Trước những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các cấp Công đoàn cần tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và sự ủng hộ, hỗ trợ của DN. Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, PBGDPL đến đoàn viên, người lao động (NLĐ). Linh hoạt cách thức truyền tải thông tin dưới hình thức lồng ghép thông qua các buổi tập huấn, mạng xã hội zalo, facebook… phù hợp với tình hình thực tế tại công đoàn cơ sở. Mở rộng mạng lưới đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở, đồng thời trau dồi trình độ hiểu biết pháp luật và rèn luyện kỹ năng truyền đạt đối với đoàn viên, NLĐ. 

Cùng với nhiệm vụ đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, PBGDPL, đội ngũ đoàn viên, NLĐ cần tích cực trau dồi kỹ năng, kiến thức cơ bản nhằm tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tham gia các buổi tập huấn chuyên đề do Công đoàn các cấp phối hợp tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của bản thân, ý thức, trách nhiệm trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó xây dựng quan hệ lao động tốt đẹp, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững.

Hoàng Thị Phương Lan
Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Phong

Xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đối với đoàn viên, người lao động (NLĐ) được Ban lãnh đạo Công ty TNHH Sơn Thủy xác định là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy DN phát triển bền vững. Chính vì vậy, Phòng Hành chính - nhân sự đã chủ động làm tốt công tác sàng lọc NLĐ ngay từ khâu phỏng vấn sơ tuyển. Đồng thời tuyên truyền, PBGDPL về Bộ luật Lao động; các nội quy, quy định của DN… Từ đó, NLĐ có thể nắm rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quá trình làm việc tại DN; được trang bị những kỹ năng, kiến thức cho bản thân về quyền lợi, các chế độ, chính sách đối của NLĐ.

Quá trình làm việc tại DN, Phòng Hành chính - nhân sự đã tham mưu Ban lãnh đạo Công ty phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ. Thực hiện đầy đủ quy định của Nhà nước về các chế độ, chính sách như: tiền lương, thưởng, ngày nghỉ… đối với NLĐ. Giải đáp những khó khăn, vướng mắc của đoàn viên, NLĐ trong quá trình làm việc tại DN.

 Đinh Xuân Thao
Trưởng phòng Hành chính - nhân sự, Công ty cổ phần Sơn Thủy 
(xã Mông Hóa - TP Hòa Bình)


Các tin khác


Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” - điểm tựa của trẻ mồ côi

(HBĐT) - Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện được phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người"Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

(HBĐT) - Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai có hiệu quả chương trình CCHC, gắn kết chặt chẽ với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ công dân, tổ chức tốt hơn.

Chăm lo Tết cho người yếu thế

(HBĐT) - Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái”, cứ đến dịp cuối năm, các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, yếu thế được chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ và các hội, đoàn thể quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú, giúp người dân có thêm niềm vui đón xuân đầm ấm, hạnh phúc.

Tuyên truyền miệng đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống

(HBĐT) - Ngoài hình thức tuyên truyền truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng hình thức trực quan như treo băng zôn, khẩu hiệu… thì phương pháp tuyên truyền miệng là một trong những cách thức quan trọng, hiệu quả đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đi vào cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục