Theo các chuyên gia kinh tế, tháo gỡ rào cản về pháp lý và nguồn vốn là hai vấn đề tỉnh Hòa Bình cần tập trung triển khai thực hiện nhằm khơi thông thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững.


Thành phố Hoà Bình chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại nhằm thực hiện các tiêu chí về đô thị. Ảnh: P.V

Còn nhiều vướng mắc

Mới đây, UBND tỉnh có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, nhiều kiến nghị được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành giải trình, làm rõ và đề ra phương án giải quyết cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo tổng hợp tại hội nghị, đà phục hồi thị trường bất động sản đã bắt đầu nhích lên từ tháng 7 năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn còn chậm. Thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, rủi ro, thách thức từ bên ngoài, như sức cầu yếu, giảm đà tăng trưởng, lạm phát, lãi suất còn cao, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, du lịch và bất động sản…

Bên cạnh đó, đối với tỉnh ta, các dự án bất động sản chậm triển khai nguyên nhân chủ yếu do pháp lý. Qua tổng hợp cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, các thủ tục pháp lý đầu tư dự án đang phải dừng triển khai, do UBND tỉnh giao các cơ quan thực hiện rà soát thẩm quyền lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo Thông báo số 8448/TB-VPUBND, ngày 2/10/2023 của Văn phòng UBND tỉnh, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Cụ thể, dự án khu đô thị Mông Hóa tại phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Havana làm chủ đầu tư; dự án khu nhà vườn cao cấp (Golden Farm) tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi do Công ty cổ phần Việt - Eco Hòa Bình làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở và dịch vụ thương mại Đồng Bái (F - home) tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty cổ phần đầu tư Surfing làm chủ đầu tư; dự án khu dân cư thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc do Công ty cổ phần bất động sản Mỹ làm chủ đầu tư và dự án khu dân cư thị trấn Bo, huyện Kim Bôi do Công ty cổ phần AAC Việt Nam làm chủ đầu tư hiện phải dừng triển khai thủ tục, do UBND tỉnh giao các cơ quan thực hiện rà soát thẩm quyền lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Công tác quy hoạch và lập quy hoạch cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án bất động sản. Dự án khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam tại xã Quang Tiến, TP Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Việt Nam làm chủ đầu tư đã được triển khai, nhưng gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Đồng thời, khu vực thực hiện dự án chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.


Nhiều dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh hiện gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Trong ảnh: Dự án đấu giá đất tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn.

Theo các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh gặp vướng mắc lớn nhất là về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là vấn đề khó khăn của không ít dự án hiện nay. Cụ thể, dự án khu nhà ở xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và khu đô thị là chủ đầu tư đã được triển khai, nhưng chưa giải phóng được mặt bằng do có đất thuộc đất nghĩa trang, hiện đang chờ xem xét, hướng dẫn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội tại dự án; dự án khu dân cư Thịnh Lang, TP Hòa Bình do Công ty cổ phần Sudico Hòa Bình làm chủ đầu tư do khó khăn về giải phóng mặt bằng đã phải gia hạn thêm 24 tháng.

Theo ông Phạm Mạnh Cường, đại diện chủ đầu tư dự án khu đô thị sinh thái và vui chơi giải trí Viên Nam, việc chậm thủ tục pháp lý do công tác quy hoạch và khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án khiến nhiều nhà đầu tư phải xin gia hạn thời gian thực hiện dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Liên quan đến công tác quy hoạch, rà soát thẩm quyền lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, theo đồng chí Vũ Đình Lập, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có nhiều cuộc họp tháo gỡ, chủ yếu tập trung vấn đề có tính chất liên ngành mà một đơn vị không thể quyết định được, cần sự thống nhất; cách hiểu, cách vận dụng pháp luật thống nhất để tháo gỡ khó khăn; các quy định pháp luật không đề cập vướng mắc cần tháo gỡ. Hiện nay, trình tự các đồ án chi tiết tỷ lệ 1/500 tuân thủ theo quy định của Bộ Xây dựng đã tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư khu vực lập quy hoạch. Sở Xây dựngphối hợp các ngành, địa phương liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Đối với các dự án liên quan đến yếu tố pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng, theo tổng hợp chủ yếu có 2 nội dung vướng mắc liên quan đến yếu tố pháp luật là các dự án bất động sản trải qua nhiều thời kỳ, pháp luật đan xen, quy định pháp luật ban hành mới chưa thống nhất, đồng bộ với quy định chuyển tiếp và vướng mắc liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, từ việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc cũng phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung…

Theo đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện các giai đoạn và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Việc xử lý hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy định của pháp luật hiện hành. Sở chủ động giải quyết, tham mưu giải quyết kịp thời vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, Sở đã rà soát, xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh và tháng 11/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về đo đạc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo kế hoạch, sẽ rà soát và đo đạc lại với tỷ lệ bản đồ lớn hơn so với trước đây. Trong đó, thực hiện đo đạc lại toàn bộ đất lâm nghiệp, sau đó đăng ký cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tổng thể.

Liên quan đến gỡ vướng về nguồn vốn, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, ngân hàng đang mong chờ các dự án được hoàn thiện để đầu tư, vì các dự án bất động sản khôi phục sẽ kéo theo các ngành nghề khác phát triển và khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lãi suất dành cho các doanh nghiệp bất động sản cũng ưu tiên theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, không có vướng mắc gì trong câu chuyện giải ngân của phía ngân hàng, những doanh nghiệp nào có vướng mắc cụ thể cần báo cho ngân hàng để có thể hỗ trợ kịp thời.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh; các huyện, thành phố dành nguồn lực ngân sách ưu tiên làm quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiếp tục nghiên cứu những giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các huyện, thành phố chủ động thành lập các tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cùng doanh nghiệp, người dân trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Đinh Hòa

 

Nhóm ý kiến:

Gợi mở giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại huyện Lương Sơn

Huyện Lương Sơn hiện còn một số dự án vướng mắc về thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng, gồm: dự án khu nhà ở và dịch vụ thương mại Đồng Bái; dự án khu nhà ở xóm Mỏ, thị trấn Lương Sơn; dự án làng sinh thái Việt Xanh tại xã Tân Vinh. Quá trình triển khai dự án, UBND huyện Lương Sơn đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ đầu tư để giải quyết những vấn đề phát sinh. Hiện nay, các dự án chủ yếu liên quan đến thủ tục về đất, giải phóng mặt bằng.

UBND huyện Lương Sơn mong muốn các sở, ngành liên quan đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các thủ tục về đất, đồng thời tiếp tục hướng dẫn, gợi mở giải pháp, cách làm để phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Nguyễn Anh Đức

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn


Kỳ vọng tỉnh giải quyết được vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản

Năm 2023, UBND tỉnh đã thực hiện 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, với cuộc đối thoại chuyên đề dành riêng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đã giải quyết nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhìn chung, hiện nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng.

Chính vì vậy, mong muốn cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị số 24, ngày 27/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp huyện, thành phố để lãnh đạo thực hiện công tác giải phòng mặt bằng. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành hàng tháng, hàng quý cho các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng.

 

Hà Trung Nguyên

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh


Cho trừ khoảng thời gian dừng thực hiện thủ tục pháp lý do rà soát quy hoạch

Công ty cổ phần AAC Việt Nam đầu tư dự án khu dân cư thị trấn Bo, huyện Kim Bôi. Dự án đang triển khai các bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, hiện dự án phải dừng triển khai các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh giao các cơ quan thực hiện rà soát thẩm quyền lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Việc dừng triển khai các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhiều dự án đã sắp hết thời hạn thực hiện hợp đồng, việc dừng thực hiện các thủ tục pháp lý dẫn tới các nhà đầu tư phải xin gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, mất rất nhiều thời gian cũng như hồ sơ thủ tục giấy tờ. Vì vậy, UBND tỉnh nên xem xét có thể ra thông báo về việc cho trừ khoảng thời gian gián đoạn triển khai thực hiện thủ tục pháp lý, do các cơ quan thực hiện rà soát thẩm định việc lập quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản tại Hòa Bình.

Lê Thế Ngọc

Đại diện Công ty cổ phần AAC Việt Nam


Các tin khác


“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” - điểm tựa của trẻ mồ côi

(HBĐT) - Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện được phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người"Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

(HBĐT) - Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước và thực hiện cải cách hành chính (CCHC). Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai có hiệu quả chương trình CCHC, gắn kết chặt chẽ với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ công dân, tổ chức tốt hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục