Người
dân xóm Can, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch
bệnh, đảm bảo hiệu quả trồng ngô vụ đông 2017.
Qua điều tra của Chi cục TT&BVTV, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô đông với tỷ lệ hại phổ biến 1-3% số cây, cao 5-10% số cây. Cây ngô bị bệnh có biểu hiện chung là thấp lùn, lá ngọn xoăn, mép lá rách hình chữ V ngược, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày và giòn hơn. Một số cây, gốc xuất hiện các chồi phụ. Từ giai đoạn 5-7 lá, cây bị bệnh có u sáp sần sùi trên đốt thân, dọc gân lá ở mặt sau, bộ lá xếp sít nhau. Cây bị bệnh nặng không ra bắp hoặc có bắp nhưng hạt thưa và nhỏ. Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại ngô là virut lùn sọc đen phương Nam, môi giới lây truyền là rầy lưng trắng, truyền bệnh từ cây này sang cây khác. Đáng lo ngại là không chỉ xuất hiện và gây hại trong một vụ sản xuất, rầy lưng trắng mang virut có thể sống qua mùa đông, virut vẫn tồn tại trong cơ thể rầy và di chuyển rất xa theo gió, bão để gây bệnh cho ngô và một số loài cây ở các vùng khác hoặc các vụ tiếp theo. Chính vì vậy, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo các địa phương ngay từ bây giờ cần kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh để không những hạn chế được mức độ thiệt hại đối với cây ngô vụ này mà còn kiểm soát được nguy cơ lây lan nguồn bệnh trong vụ sản xuất sắp tới.
Được biết, trong vụ mùa vừa qua, bệnh lùn sọc đen đã gây hại mạnh tại các tỉnh phía Bắc, trong đó, Thái Bình và Nghệ An đã phải công bố dịch. Riêng tại Hòa Bình, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã có trên 265 ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó, khoảng 135 ha bị nhiễm nặng, nhiều ruộng không có khả năng cho thu hoạch. Trước diễn biến này, ngành NN&PTNT đã đưa ra dự báo bệnh có xu hướng phát sinh gây hại trên ngô đông và các vụ lúa năm 2018 nếu các địa phương không cấp thiết triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả.
Tại huyện Kim Bôi - một trong những địa bàn có diện tích lúa mùa 2017 bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nhiều và nặng nhất, phòng NN&PTNT, Trạm TT& BVTV huyện đang tích cực đôn đốc các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng trừ. Trên diện tích ngô đông bị nhiễm bệnh, theo hướng dẫn của cán bộ chuyên trách, bà con nông dân đã tiến hành nhổ, thu gom, tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng. Trên những ruộng đã có rầy lưng trắng xuất hiện, bà con tiến hành phun thuốc trừ rầy, phun cả ruộng xung quanh bằng một trong các loại thuốc: Virtako 40WG; Sairifos 585EC; Alika 247ZC...
Hiện nay, đối với những diện tích trồng cây vụ đông chưa bị nhiễm bệnh, bà con tập trung chăm sóc theo đúng quy trình thâm canh để tăng sức đề kháng cho cây, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa, huyện đã quán triệt không trồng ngô đông và đôn đốc bà con vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày vùi gốc rạ không để lúa chét phát triển, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư từ cây ngô... làm mất nơi cư trú của rầy để tiêu diệt nguồn bệnh, kiểm soát khả năng lây lan nguồn bệnh sang vụ sản xuất tiếp theo.
Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 8,2 nghìn ha cây trồng vụ đông, vượt 2,5% kế hoạch, trong đó, ngô 2,4 nghìn ha, khoai lang 1,6 nghìn ha, rau đậu 3,5 nghìn ha, cây màu khác khoảng 800 ha. Cùng với nỗ lực sản xuất vụ đông, nông dân các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân 2018. Theo khuyến cáo của Chi cục TT&BVTV: Các địa phương không được chủ quan với công tác phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô nói riêng và công tác quản lý các đối tượng dịch hại trên cây trồng nói chung. Ngay từ bây giờ cần triển khai các biện pháp quản lý dịch bệnh, tránh để nguồn bệnh còn khả năng lây lan sang vụ sản xuất tiếp theo. Đặc biệt, cần tăng cường công tác đánh giá tính chống chịu với các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa để có kế hoạch sử dụng và điều chỉnh cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, xác định các nguy cơ tiềm ẩn để đề ra biện pháp quản lý dịch hại chủ động và hiệu quả.
Thu Trang