Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Pà Cò (Mai Châu) đang "thay da, đổi thịt". Xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh chương trình xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông ở xã Pà Cò (Mai Châu) được đầu tư đồng bộ.
Gia đình chị Giàng Y Dớ, xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu) trồng cà chua đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Pà Cò nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là nơi sinh sống của trên 600 hộ đồng bào Mông tại 6 xóm. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân xã Pà Cò chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thông qua các chương trình, dự án, hệ thống hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã được đầu tư ngày một đồng bộ hơn.
Chà Đáy là một trong những xóm đang có sự chuyển mình mạnh mẽ ở Pà Cò. Ở Chà Đáy, hạ tầng giao thông được đầu tư thuận lợi, hai bên đường là những hàng rào được xếp bằng đá đều tăm tắp. Điều này đã tạo điểm nhấn cảnh quan độc đáo, mang đậm nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Mông.
Mô hình dựng hàng rào đá do Hội Nông dân xã Pà Cò phát động. Từ khi triển khai mô hình này đã tạo sự đồng bộ về cảnh quan, tăng mỹ quan, tạo sức hút với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm. Ông Phàng A Sồng, người dân xóm Chà Đáy phấn khởi chia sẻ: Khách du lịch hay những người ở nơi khác đến đều ấn tượng với cảnh quan của xóm. Họ rất thích chụp ảnh trên các tuyến đường có hàng rào đá. Đối với chương trình xây dựng NTM, chúng tôi rất hưởng ứng tham gia. Nhờ chương trình mà hệ thống đường, điện được đầu tư, đời sống của người dân thay đổi nhiều.
Sự thay đổi ở Pà Cò có thể cảm nhận rõ qua hệ thống hạ tầng và những hướng đi trong phát triển kinh tế, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, ở mảnh đất Pà Cò không chỉ đơn thuần có ngô, mận như trước, mà còn có những đồi chè xanh bạt ngàn, những cánh đồng đậu và cả những vườn cà chua sai trĩu quả.
Cùng ở xóm Chà Đáy, gia đình chị Giàng Y Dớ là một trong những điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích đất gần 2 ha, những năm qua, gia đình chị Dớ liên tục luân canh với phương châm "mùa nào, rau nấy”. Mùa đông trồng các loại rau cải, sau đó trồng dưa chuột và gần đây nhất là mô hình trồng cà chua. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, các loại rau màu đều phát triển tốt, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình chị Dớ. Đặc biệt, gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập ổn định 6 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trong thời điểm chính vụ, mỗi ngày tạo việc làm cho 8 - 10 lao động địa phương. Chị Dớ chia sẻ: Mặc dù có đất rộng nhưng trước đây đường còn khó khăn nên người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay đường giao thông thuận lợi, chúng tôi đã đầu tư phát triển kinh tế, thu nhập ổn định hơn.
Ngoài chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Đồng chí Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò khẳng định: Chương trình xây dựng NTM đem lại những đổi thay tích cực cho người Mông ở Pà Cò. Đến nay, Pà Cò đạt 14/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Để đẩy nhanh xây dựng NTM, Pà Cò xác định tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Trong đó, xã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất tập trung nhằm sản xuất hàng hoá, chất lượng cao và đồng nhất theo yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông và các công trình trên địa bàn xã để xây dựng NTM.
Viết Đào
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh Hoà Bình tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí NTM.
Thời gian qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Hòa Bình đã phát huy vai trò xung kích, khơi dậy sức trẻ tích cực tham gia các công trình, phần việc thanh niên… góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương.
Xác định mục tiêu cao nhất trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, xã xác định kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, rừng là giải pháp trọng tâm.
Điện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, với nỗ lực trong đầu tư, cải tạo đã giúp nâng cao chất lượng điện năng. Qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, đến nay, huyện có 11 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), gồm: Nhân Nghĩa, Xuất Hóa, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc, Yên Phú, Tân Lập, Vũ Bình, Văn Nghĩa. Có 12 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, gồm: Ngọc Sơn, Định Cư, Chí Đạo, Tuân Đạo, Mỹ Thành, Miền Đồi, Ngọc Lâu, Quý Hòa, Tự Do, Bình Hẻm. Bình quân tiêu chí NTM của huyện đạt từ 15,22 tiêu chí/xã. Năm 2024, huyện không phấn đấu xã đạt chuẩn NTM. Năm 2025, huyện dự kiến phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM, gồm Định Cư và Văn Sơn.
Theo Sở NN&PTNT, tổng nguồn vốn dự kiến huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 là 25 nghìn tỷ đồng.