Vùng biển nước ta được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị thế kinh tế, địa chính trị và quốc phòng, an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị to lớn, biển, đảo Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề về suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường biển ven bờ; gia tăng các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Vì vậy cần có một Quy hoạch không gian biển nhằm định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Quy hoạch bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với bảo tồn các giá trị tự nhiên. Ảnh minh họa: Châu Đạo Cường/TTXVN phát

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả không gian biển

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Dân số của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển. Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển...
 
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển…

Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương được nêu tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng "Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, để có thể khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam, ứng phó hiệu quả những thách thức trước mắt và lâu dài, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cấp thiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển điều tra, khảo sát hiện trạng và nhu cầu sử dụng sử dụng không gian biển, bổ sung thông tin, dữ liệu để lập Quy hoạch. Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa đầu ngành từ các trường đại học, viện nghiên cứu, sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu của các bộ, ngành cơ quan trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được thực hiện ở nước ta. Quy hoạch không gian biển là quy hoạch đa ngành, mang tính tổng hợp, có tính "động và mở”, "dẫn dắt” và "tích hợp”, định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo theo hướng bền vững.

Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Quy hoạch không gian biển quốc gia được lập cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tầm nhìn của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả không gian biển; tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển; phát triển văn hóa, xã hội, các giá trị tự nhiên, lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích quốc gia trên biển, hải đảo; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thiện việc phân bổ không gian biển nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được sử dụng hiệu quả, bảo đảm cân đối được yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu thiên niên kỷ về biển, văn hóa, quốc phòng an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thành mục tiêu Việt Nam là quốc gia giàu mạnh về biển.

Đảm bảo phát triển bền vững

Với ý thức không gian biển là hữu hạn, thì cách tiếp cận có kế hoạch sử dụng không gian biển đang trở nên cần thiết. Mục tiêu và khác biệt của quy hoạch không gian biển so với quy hoạch các ngành khác là chú trọng đến phương thức giải quyết xung đột trong việc sử dụng không gian (ba chiều) của các ngành, trên một vùng biển cụ thể; đồng thời tăng tính tương thích trong các hoạt động sử dụng tài nguyên môi trường biển. 

Quy hoạch không gian biển được xem là công cụ hỗ trợ quản lý biển tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước dựa theo cách tiếp cận không gian, đặc biệt đối với các vùng biển và ven biển, đảo được khai thác, sử dụng ở quy mô lớn, cũng như đối với các ngành kinh tế biển mới nổi. Quy hoạch cung cấp cho quốc gia một phương thức để duy trì các giá trị đa dạng sinh học biển trong khi vẫn cho phép khai thác bền vững tiềm năng kinh tế biển, từ đó cân bằng nhu cầu phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.

Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng sử dụng không gian biển theo các vùng gồm vùng biển và ven biển; các đảo và quần đảo; các khu bảo tồn biển; vùng trời; hoạt động lấn biển và nhận chìm. Đối với mỗi không gian này, Quy hoạch định hướng việc khai thác, phát huy tài nguyên biển đảo theo hướng bền vững.

Trong đó, đối với vùng biển và ven biển, việc phân vùng sử dụng biển để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển

Đối với các đảo, quần đảo, hoàn thành cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho một số đảo trọng điểm về kinh tế (Vân Đồn, Cát Hải, Phú Quốc), tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao và du lịch đẳng cấp để phát triển các đảo này thành các đảo trù phú, sầm uất có tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế biển, đảo của cả nước. Bên cạnh đó tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh để bảo vệ vững chắc các vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời kết hợp phát triển một số ngành kinh tế có lợi thế và bảo tồn thiên nhiên.

Nâng cấp 12 khu bảo tồn biển đã được thiết lập và đưa vào hoạt động; thành lập đưa vào hoạt động 4 khu bảo tồn biển trước năm 2025 (gồm Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Nam Yết và Phú Quý). Quy hoạch các khu bảo tồn biển mới, hướng tới mục tiêu đưa 40 khu vào hoạt động.

Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh việc phân bổ hợp lý không gian sử dụng biển sẽ giúp đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển. Quy hoạch không gian biển là công cụ quan trọng để cụ thể hóa "Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả; góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Vùng trời trong Quy hoạch được bố trí khai thác, sử dụng cho các mục đích quốc phòng - an ninh, phát triển hàng không dân dụng, các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ luật pháp của Việt Nam, luật pháp quốc tế và các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, là thành viên; thực thi quản lý vùng trời thuộc chủ quyền của Việt Nam; quản lý các vùng thông báo bay theo thỏa thuận quốc tế về hàng không dân dụng.

Hoạt động lấn biển phải hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng môi trường tự nhiên và hệ sinh thái ven biển, đảo; làm tăng giá trị cảnh quan và phát huy lợi thế về vị trí địa lý bám biển; mở rộng không gian phát triển cho các địa phương ven biển, cho các đảo. Các hoạt động nhận chìm có thể được diễn ra nếu đáp ứng các tiêu chí về vị trí khu vực biển sử dụng để nhận chìm; kích thước các khu vực nhận chìm; công suất khu vực nhận chìm; tác động của nhận chìm; thời gian nhận chìm; vật chất nhận chìm theo đúng quy định của pháp luật.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã nêu quan điểm của Việt Nam về một quy định mới được nhà chức trách Trung Quốc ban hành.

Học viện Hải quân tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X

Sáng 22/5, tại Binh đoàn 15 (thành phố Pleiku, tỉnh Gai Lai), Đoàn nghệ thuật quần chúng Học viện Hải quân tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X năm 2024. Đại tá, PGS, TS. Ngô Thành Công, Phó Giám đốc Học viện và các cơ quan chức năng của Học viện tham dự, động viên.

Ngày thường nơi nhà giàn DK1

Nhà giàn DK1 là Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật được bắt đầu xây dựng từ năm 1989 dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam đất nước, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Hiện nay, 15 nhà giàn DK1 thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. Cụm bãi cạn: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè, Cà Mau… được ví như những "pháo đài” chốt giữ nơi tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió.

Chai nước biển Trường Sa và chuyến hải trình của cuộc đời

Là thành viên trong Đoàn công tác số 12 thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2024, có cha là liệt sỹ hải quân hy sinh trên vùng biển Trường Sa, ngay sau chuyến hải trình dài ngày, vừa đặt chân lên đất liền, chị Trần Thị Liên (Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) vội vã trở về quê hương Diễn Châu, Nghệ An để đặt lên bàn thờ chai nước nhỏ lấy từ vùng biển Trường Sa và nghẹn ngào bên mẹ: "Con đã hoàn thành ước nguyện một lần gặp được cha”.

Nỗ lực chống khai thác IUU để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản

Tỉnh Kiên Giang hiện có gần 10.000 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có gần 4.000 tàu 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Để góp phần gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), các đơn vị Biên phòng trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý vi phạm về khai thác thủy sản.

"Thi nhặt rác bãi biển"- hoạt động có ích với môi trường biển đảo Cô Tô

Ngày 13/5, tại bãi biển Tình Yêu thuộc khu vực thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), 60 du khách thuộc Công ty Phan Nguyễn đã tham gia nhặt rác, làm sạch bãi biển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục