(HBĐT) - Khu căn cứ cách mạng (CCCM) Tu Lý - Hiền Lương là 1 trong 4 khu CCCM của tỉnh nằm trong hệ thống Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp xây dựng và chỉ đạo hoạt động. Nơi đây, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh tại xóm Giằng Xèo. Trên 10 đội viên tự vệ Cứu quốc thị xã và huyện Mai Đà đã về dự lớp huấn luyện. Tu Lý - Hiền Lương trở thành khu CCCM đầu tiên của tỉnh.
Năm 1946, lực lượng khu CCCM đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng khác của tỉnh tiêu diệt gọn đảng phái phản động Đại Việt Duy dân về chiếm Mường Diềm làm đại bản doanh, nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở tỉnh. Khu CCCM Tu Lý - Hiền Lương được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM) cấp quốc gia năm 1996.
Khu CCCM Mường Diềm là 1 trong 4 khu CCCM quan trọng, tiêu biểu cho việc xây dựng cơ sở và chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở tỉnh, do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo. Qua các thời kỳ thay đổi địa danh, khu CCCM Mường Diềm hiện nay thuộc 12 xã (cũ) của huyện Đà Bắc. Khu CCCM Mường Diềm đã được Bộ VH-TT xếp hạng là DTLSCM cấp quốc gia năm 1996.
Khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên: Cao Phong và Thạch Yên là 2 xã thuộc châu Kỳ Sơn (cũ). Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, nơi đây, Ban Cán sự Đảng tỉnh huy động, tuyển chọn 30 tự vệ, thanh niên Cứu quốc thị xã vào thành lập một đơn vị vũ trang tập trung, mở lớp luyện tập quân sự.
Ngày 23/8/1945, lực lượng tự vệ Cứu quốc của khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên phối hợp với cánh quân của khu CCCM Mường Khói (Lạc Sơn) tiến ra Phương Lâm, vượt sông Đà, sang phố Đúng, cùng các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần to lớn vào cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên được xếp hạng DTLSCM cấp quốc gia năm 1996.
Khu CCCM Mường Khói được thành lập trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Mường Khói bao gồm vùng đất thuộc 3 xã Hoài Ân, Hiếu Nghĩa và Tân Mỹ (cũ), nay là 2 xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ của huyện Lạc Sơn. Cả khu căn cứ lập được một trung đội vũ trang tập trung, lấy Mường Lọt làm địa bàn đứng chân và tổ chức huấn luyện; là địa điểm tổ chức lớp học quân sự cách mạng tập trung của Xứ ủy Bắc Kỳ "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu”.
Ngày 20/8/1945, LLVT và quần chúng Cách mạng Mường Khói đã tập trung tại đây để đứng lên giành chính quyền châu Lạc Sơn. Khu CCCM Mường Khói được xếp hạng DTLSCM cấp quốc gia năm 1993.
Nhà tù Hòa Bình: Tháng 3/1943, thực dân Pháp bắt đầu chuyển một số tù chính trị từ nhà tù Sơn La về giam giữ tại nhà tù Hòa Bình (thuộc phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình). Sau đó, chúng tiếp tục chuyển thêm một số đồng chí bị giam giữ từ các nơi khác đến. Tổng số tù chính trị trong nhà tù Hòa Bình lúc cao nhất lên tới 200 người. Trong nhà tù có 1 chi bộ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư với 20 đảng viên. Di tích Nhà tù Hòa Bình được Bộ VH-TT cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2000.
Đồn điền Chi Nê và Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng trước Cách mạng: Khu di tích gồm 3 địa điểm: Ngôi nhà trung tâm Đồn điền Chi Nê xưa, nơi được đón Bác Hồ tới thăm và làm việc năm 1947; Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng; kho để tiền. Khu di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng DTLSCM cấp quốc gia năm 2007. Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích rộng 15,5 ha. Năm 2010, công trình được khởi công xây dựng. Các hạng mục quan trọng của di tích đã được hoàn thiện và đưa vào khai thác, phục vụ khách thăm quan.
Nơi lưu dấu chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan năm 1951: Ngày 12/12/1951, tại dốc Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn (nay thuộc huyện Cao Phong) đã diễn ra một trận đánh quyết liệt. Trong trận đánh này, Anh hùng Cù Chính Lan đã dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng Pháp. Địa điểm trận đánh và xác xe tăng bị Anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt đã trở thành DTLSCM cấp quốc gia, được Bộ VH-TT công nhận năm 1993.
Địa điểm chiến thắng dốc Tra: Năm 1947, một trung đội du kích người Dao xã Toàn Sơn (Đà Bắc) do Trung đội trưởng Triệu Phúc Lịch lãnh đạo đã anh dũng chống trả sự tấn công của một đội quân Pháp tại khu vực dốc Tra, thuộc xã Toàn Sơn. Trong trận đánh này, Trung đội trưởng Triệu Phúc Lịch đã anh dũng hy sinh. Tại khu vực diễn ra trận đánh, Nhà nước đã cho xây dựng Tượng đài Triệu Phúc Lịch. Tượng đài được xây dựng năm 1979. Địa điểm chiến thắng dốc Tra được Bộ VH-TT công nhận là DTLSCM cấp quốc gia năm 1996.
Nơi lưu dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến: Đầu năm 1947, đoàn quân Tây Tiến (Trung đoàn 52) được thành lập, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào, đánh tiêu hao sinh lực địch tại Thượng Lào. Tại một ngọn đồi thuộc xóm Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn (nơi đặt Trạm quân y Trung đoàn) cách đây hơn 70 năm, đã có hơn 200 chiến sỹ đoàn quân Tây Tiến nằm lại trong tiếng cồng thương tiếc của người dân Mường Vang. Năm 1991, huyện Lạc Sơn xây dựng tại đây Tượng đài Tây Tiến. Nơi lưu dấu lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến được UBND tỉnh cấp bằng công nhận DTLSCM cấp tỉnh năm 2012.
V.T (TH)
(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang.
Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.
(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo.
(HBĐT) - Lịch của người Mường gọi là sách đoi, được sáng tạo dựa trên quan sát chuyển động của sao đoi. Lịch được làm bằng 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một hang, trong đó có một số ngày trong tháng được khắc bằng những ký hiệu khác nhau để đoán định ngày tốt, xấu cho khởi sự công việc.
(HBĐT) - Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, các dân tộc ở Hòa Bình đã đoàn kết, đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Đồng thời, phải ghi nhận sự kiên cường của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và sự đô hộ của ngoại bang… Lịch sử còn ghi nhận những đóng góp của Hòa Bình trong công cuộc đấu tranh chống ách cai trị của ngoại xâm. Xin điểm qua một số đóng góp tiêu biểu:
(HBĐT) - Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.
(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.