(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đó là dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Nhắc đến Hòa Bình là nhắc đến dân tộc Mường với đặc điểm vừa tập trung về dân số vừa đậm đà về đời sống văn hóa ngôn ngữ Mường.

Là 1 trong 6 dân tộc thiểu số có số dân trên 1 triệu người, nhưng dân tộc Mường chưa có bộ chữ chính thức, trong khi 5 dân tộc: Tày, Thái, Khmer, Mông, Nùng đều có chữ viết. Năm 2016, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bộ chữ viết dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng. Đó là một dấu mốc quan trọng của dân tộc Mường, gắn với 130 năm xây dựng và phát triển của tỉnh.

Tiếng Mường là tiếng mẹ đẻ của dân tộc Mường. Cho đến nay, tuyệt đại đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, người Mường và người Kinh có chung nguồn gốc với giả thuyết có người Việt - Mường cổ trước đó.

Xét về mặt ngữ hệ (nguồn gốc), tiếng Mường và tiếng Việt đều có một nguồn gốc chung là thuộc nhóm Việt Mường. Nhóm này, ngoài tiếng Việt, tiếng Mường còn có tiếng Thổ, tiếng Chứt và các tiếng khác như tiếng Cuối, tiếng Poọng, tiếng Arem, tiếng Mã Liềng. Xét từ góc độ loại hình học, tiếng Mường có cùng loại hình với tiếng Việt, thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập với những đặc điểm: Từ không biến đổi hình thái; quan hệ ngữ pháp và ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị chủ yếu bằng hư từ, trật tự từ và ngữ điệu; từ có tính phân tiết, các từ đơn tiết làm thành hạt nhân cơ bản của từ vựng; ranh giới các âm tiết thường trùng với ranh giới các hình vị. Xét từ góc độ chức năng, tiếng Mường là ngôn ngữ dùng để giao tiếp trong nội bộ dân tộc Mường, bên cạnh tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia. Tiếng Mường có các phương ngữ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020: "Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở KH&CN đã triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đề tài do GS.TS Nguyễn Văn Khang làm chủ nhiệm, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các Ban Đảng, Sở KH&CN cùng các nhà ngôn ngữ học, các trí thức dân tộc Mường. Sau khi Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được nghiệm thu vào tháng 8/2016, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; tiếp đó, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính pháp lý, tính khoa học và sự đồng tình của bà con dân tộc Mường tại tỉnh; xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ với những nguyên tắc: Phản ánh, bao quát được bộ mặt ngữ âm chung của tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình, tức là có thể dùng để ghi được các biến thể tiếng Mường ở các vùng Mường trong tỉnh.

Như đã nêu ở trên, tiếng Mường tại tỉnh Hòa Bình thường được nhắc đến với 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Có thể coi đây là 4 phương ngữ lớn của tiếng Mường. Trong mỗi phương ngữ lớn này lại có các tiểu phương ngữ, các thổ ngữ làng, bản. Ngữ âm tiếng Mường ở mỗi địa phương tuy có đặc điểm riêng nhưng đều có những đặc điểm chung. Vì thế, tại Hòa Bình, tiếng Mường có tiếng Mường chung (mang đặc điểm khái quát của tiếng Mường) và tiếng Mường phương ngữ (tiếng Mường ở từng địa phương, vừa có những đặc điểm của tiếng Mường chung vừa có những đặc điểm riêng). Việc xây dựng bộ chữ Mường phải dựa trên cơ sở những đặc điểm của tiếng Mường chung và có chú ý đến những đặc điểm riêng của các tiếng Mường phương ngữ.

Bộ chữ Mường được xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, tức là, tận dụng những đặc điểm chung, thống nhất của chữ quốc ngữ để xây dựng chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ Mường xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, nhưng tránh chịu áp lực của tiếng Việt và chữ quốc ngữ nhằm giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của tiếng Mường. Đồng thời, luôn tính đến mối liên hệ với tiếng Việt và chữ quốc ngữ, tức là, tránh quá xa lạ với chữ quốc ngữ, làm cản trở việc phát huy lợi thế của việc biết chữ quốc ngữ khi học chữ Mường, cũng như giữ được thói quen, thẩm mỹ về chữ viết của chữ quốc ngữ đối với chữ Mường. Bộ chữ Mường tuy được xây dựng dựa trên chữ quốc ngữ nhưng phải khắc phục được tương đối triệt để những hạn chế này của chữ quốc ngữ.

Bộ chữ Mường phải là bộ chữ hiện đại nhưng tiện dụng, tức là: Bộ chữ Mường, một mặt phản ánh được lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại đối với việc xây dựng chữ viết và phù hợp với thời đại của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế, nhưng mặt khác phải thuận lợi trong giáo dục bằng chữ Mường và tiện lợi trong sử dụng. Hiện nay, một số sở, ban, ngành đã từng bước triển khai việc ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường vào cuộc sống. Trong đó, Báo Hòa Bình điện tử đã xây dựng trang tiếng Mường (cùng với trang tiếng Việt, tiếng Anh) để cập nhật các tin, bài đã được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mường để phục vụ bạn đọc và duy trì hàng tuần điểm tin truyền hình tiếng Mường.

                                                     VT(tổng hợp)

Các tin khác


Mo Mường Hòa Bình hướng tới di sản văn hóa thế giới

(HBĐT) - Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.

Quá trình thành lập tỉnh Mường Hòa Bình và đơn vị hành chính các cấp thời đó

(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.

Trống đồng - di sản văn hóa Mường

(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.

Tổ chức xã hội cổ truyền ở Hòa Bình

(HBĐT) - Ở khu vực người Mường, nhà nóc (gia đình), họ tộc là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường ở Hòa Bình. Mỗi nhà nóc gồm cha mẹ và các con trai, gái, dâu, rể cùng sống chung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố, tập hợp nhau thành họ tộc, chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một động lớn mà sau này gọi là Mường, có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ.

Những nét chính về làng Mường cổ Hòa Bình

(HBĐT) - Với người Mường ở Hòa Bình, các khu dân cư (KDC) cổ truyền gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm tự cung tự cấp, mang nặng tính sơ khai, thuộc dạng tổ chức xã hội nông thôn miền núi. Do đặc điểm địa hình và phương thức sản xuất, nên các KDC của người Mường còn pha chút dáng dấp của tổ chức nông thôn theo dạng họ tộc cùng huyết thống.

Tỉnh Hòa Bình thời sơ sử, thời kỳ Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

(HBĐT) - Sau thời đại đá (thời tiền sử) là thời đại kim khí (thời sơ sử). Thời đại kim khí chính là thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục