(HBĐT) - Hòa Bình có hàng trăm địa chỉ di tích với trên 100 di tích được xếp hạng; trong đó, 41 di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia (14 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và 60 di tích cấp tỉnh.


Dưới đây là một số DTLS-VH tiêu biểu:

Đền Thác Bờ:Trước khi xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, đền Thác Bờ có vị trí ở đoạn ngang giữa của thác Bờ. Sau 9 lần dịch chuyển dần lên theo mức nước nhường chỗ cho lòng hồ sông Đà, bên bờ phải sông Đà, đền được dựng lại trên quả đồi thuộc xã Thung Nai (Cao Phong). Bên bờ trái sông Đà, đền được dựng lại trên đỉnh đồi Hang Thần, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), đây là ngôi đền được UBND tỉnh công nhận là DTLS-VH cấp tỉnh theo Quyết định số 1858/QĐ-UBND, ngày 27/8/ 2008. Ngày lễ hội chính của đền Thác Bờ là mồng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đền nằm trên đỉnh của mỏm đồi mặt hướng ra lòng sông Đà. Qua nhiều lần trùng tu, ngày 15/4/1993, đền được xây dựng lại bằng gạch, theo hướng Đông Nam, xung quanh cây cối um tùm tỏa bóng mát. Đền gồm 3 gian với 3 vòm cuốn cho 3 cung, mái đổ bê tông, có cấu trúc mặt bằng hình chữ Đinh. Đền Thác Bờ có niên đại vài trăm năm; hiện chưa tìm thấy thần phả. Trong Nhân dân lưu truyền một số truyền thuyết về thác Bờ và Bà Chúa Thác Bờ.

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2632/QĐ-UBND, ngày 31/10/2013 phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Thác Bờ tại đồi Hang Thần, xã Vầy Nưa với diện tích đất sử dụng khoảng 5.955 m2. Được triển khai thực hiện từ năm 2014, đến nay công trình hoàn thành các hạng mục và đưa vào khai thác phục vụ du khách.

Hang Bụt nằm ở dãy núi đá vôi thuộc thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Trước kia, ở ngã ba Mãn Đức có một ngôi chùa gọi là chùa Lim. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị phá, Nhân dân địa phương đã rước bát hương, tượng Phật vào hang để thờ cúng nên hang này được gọi là hang Bụt. Hang Bụt có 3 vòm động đẹp, hấp dẫn; vô vàn khối nhũ rủ xuống, nhô ra thiên hình vạn trạng, gần phía cửa có một lối thông thiên, ánh sáng ngoài trời chiếu vào mờ ảo. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, Nhân dân trong vùng và khách bốn phương về hang Bụt lễ bái, cầu vọng rất đông, thành kính. Hang Bụt được công nhận DTLS-VH cấp tỉnh năm 2006.

Hang Chùa và chùa Hang, thuộc địa phận thôn Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thuỷ), có một quả núi sừng sững tên gọi Lăng Tiêu. Nằm trong lòng núi là động Văn Quang và 2 ngôi chùa cổ kính. Chùa có tên chữ là Thanh Lam Tự. Cách chùa chừng 20 bậc đá là một ngôi chùa khác nằm ẩn mình trong vòm hang đá. Chính vì lẽ đó mà cả hai ngôi chùa ở đây còn có tên là chùa Hang. Qua cửa chùa, đi sâu vào hang động là những khối nhũ muôn hình muôn vẻ, những vòm động thông thoáng; càng đi lên cao, không khí càng trong lành. Lễ hội chùa Hang diễn ra vào tháng Giêng âm lịch. Hang Chùa và chùa Hang được Bộ VH-TT xếp hạng DTLS-VH cấp quốc gia năm 1994.

Đền và miếu Trung Báo: Đây là khu đền, miếu ở thôn Trung Báo, xã Thanh Cao (Lương Sơn). Miếu xưa làm bằng gỗ, lợp tranh; đến năm Khải Định thứ 2 (1917) được xây dựng lại theo kiến trúc hình chữ Nhất; phía trước có bức đại tự ghi: Bảo Sơn Dục Tú. Trong miếu thờ Tản Viên Sơn Thánh. Đền Trung Báo được dựng giữa làng, cách miếu chừng 300 m. Đền Trung Báo thờ 3 vị: Tản Viên Sơn Thánh, Quốc Mẫu, Thành hoàng làng. Lễ hội chính thức tổ chức 3 năm 1 lần vào thượng tuần tháng Giêng. Đền và miếu Trung Báo được công nhận DTLS-VH cấp quốc gia năm 1997.

Khu mộ cổ Đống Thếch: Đống Thếch là tên gọi khu mộ Mường cổ thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi). "Đống” theo quan niệm của người Mường - dùng để chỉ những nơi có mồ mả; "Thếch” là địa danh chỉ vùng đất. Khu mộ là nơi chôn cất thi thể của những người thuộc dòng họ Đinh Công. Theo truyền thuyết, Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê Trung Hưng chống giặc và xây dựng triều chính. Với diện tích rộng vài vạn m2, trải qua nhiều đời, khu Đống Thếch ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ dòng họ Đinh Công. Khu mộ cổ Đống Thếch được công nhận di tích khảo cổ học (DTKCH) cấp quốc gia năm 1997.

Mái đá làng Vành nằm ở phía Tây dãy núi Trắng thuộc xóm Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn). Mái đá làng Vành được bà Madeleine Colani (1866-1943), nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và khai quật trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía Nam của tỉnh năm 1929. Đây là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30 m, chiều sâu hang 18 m, vòm trần cao 10 m, thấp dần vào phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 5 m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hóa được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng tây nam. Di tích Mái đá làng Vành thuộc nền văn hóa Hòa Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 - 8.000 năm. Colani xếp Mái đá làng Vành vào giai đoạn trung gian của văn hóa Hòa Bình, là loại di tích khảo cổ học thời đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá. Mái đá làng Vành được xếp hạng DTKCH cấp quốc gia năm 2003.

Hang xóm Trại nằm ở sườn núi phía Đông của núi đá vôi độc lập bên bờ suối Lạn, là nơi trung tâm của Mường Vang, gần kề với khu cư dân của xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn). Xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa, nay thuộc các xã Quý Hòa, Tân Lập, Nhân Nghĩa. Nằm trên độ cao 15 m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 8 m. Hang ăn sâu vào 13 m, cửa hang cao 10 m. Cửa và đáy hang rộng bằng nhau tạo thành hình vòng cung khá đẹp. Trong 3 lần thám sát và khai quật, số hiện vật thu được tại hang xóm Trại là 1.441 hiện vật đá, trên 100 các loại hiện vật xương, sừng khác. Hang xóm Trại là một di tích của nền văn hóa Hòa Bình khá tiêu biểu. Hang được công nhận là DTKCH cấp quốc gia năm 2003.


V.T (TH)


Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục