(HBĐT) - Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng trọng đại trong lịch sử nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài 2/3 thế kỷ, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã đến với Hòa Bình khá sớm.


Từ năm 1929, cơ sở cách mạng ở Lạc Thịnh được hình thành. Tiếp đó, tháng 12/1930, tổ Đảng thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) được thành lập. Những năm tháng sau đó, cách mạng đã cử những nhân tố cán bộ bí mật đi gây dựng cơ sở, nhen nhóm, tuyên truyền, vận động tổ chức các hoạt động ở Lạc Thủy, thị xã Hòa Bình; khơi dậy trong lòng người dân tinh thần giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Các tổ chức cứu quốc được thành lập ở một số nơi trong tỉnh với sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Trong tình hình chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta có nhiều cơ hội để "đánh Pháp, đuổi Nhật”, giành lại độc lập. Để có cơ hội chín muồi, giành thắng lợi, được sự giúp đỡ của các đảng bộ Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nam, phong trào Việt Minh ở tỉnh tuy phát triển còn chậm so với yêu cầu cách mạng nhưng đã có cơ sở ở tất cả các châu trong tỉnh. Để thực thi chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, tháng 4 - 5/1944, T.Ư Đảng đã điều động đồng chí Vũ Đình Bản và đồng chí Vũ Thơ (Vũ Kỳ Châu) lên hoạt động ở Hòa Bình để xây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng. Phong trào cách mạng ở Hòa Bình được đẩy lên một bước mới. Tháng 1/1945, trước yêu cầu của phong trào cách mạng, T.Ư Đảng quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình (gồm đồng chí Vũ Thơ và đồng chí Vũ Đình Bản) do đồng chí Vũ Thơ làm Bí thư.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. BTV T.Ư Đảng ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; đồng thời quyết định "phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa” và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi có điều kiện. Nắm bắt tình hình, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã phân công các ủy viên phụ trách phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, các đoàn thể cách mạng ở Hiền Lương, Tu Lý, Mường Khói, Vụ Bản, Chi Nê, Phố Vãng, Mường Diềm, Mường Thàng, Cao Phong, Phương Lâm, thị xã Hòa Bình… đều được củng cố, mở rộng.

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ về việc thành lập 7 chiến khu trong cả nước, chiến khu Hòa - Ninh - Thanh được thành lập. Đồng thời, khẩn trương xây dựng LLVT tập trung tại các khu căn cứ: Thạch Yên - Cao Phong, Hiền Lương - Tu Lý, Mường Khói, Mường Diềm, phát triển đội tự vệ chiến đấu tại các trung tâm, thị trấn, phố châu… Tháng 7/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định mở lớp đào tạo quân sự cho cán bộ các tỉnh và giao đồng chí Vương Thừa Vũ thực hiện. Căn cứ Mường Khói được chọn làm địa điểm. Lớp học mang tên "Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” được mở tại xóm Lọt, xã Hoài Ân vào đầu tháng 8/1945, có 20 cán bộ các tỉnh về dự.

Những ngày tháng 8/1945, không khí chuẩn bị giành chính quyền sục sôi trong toàn tỉnh. Ngày 18/8, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đến với Hòa Bình. Lực lượng vũ trang được củng cố. Quần chúng Nhân dân sẵn sàng chờ lệnh hành động… Bám sát ý kiến chỉ đạo của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ về lệnh khởi nghĩa, Ban Chỉ huy khởi nghĩa tỉnh quyết định tiến hành khởi nghĩa trước ở những nơi chắc thắng. Châu Lạc Sơn được chọn là nơi khởi nghĩa đầu tiên vào ngày 20/8. Đồng thời, Trưởng ban chỉ huy khởi nghĩa Vũ Thơ đã phát lệnh khởi nghĩa cho tất cả các châu trong tỉnh.

Sáng 20/8, LLVT, các đoàn thể Việt Minh khu căn cứ Mường Khói, Nhân dân các xã xung quanh châu lỵ, lực lượng cứu quốc và quần chúng Nhân dân đã rầm rập biểu tình giành chính quyền tại Vụ Bản. Trước khí thế sôi sục đó, quân lính của châu đã xin đầu hàng, nộp vũ khí gồm 50 khẩu súng, nhiều đạn dược cho lực lượng cách mạng. Khởi nghĩa Lạc Sơn thành công. Các ngày 21 - 22/8, khí thế cách mạng càng thêm sôi sục ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong cả nước. Ngày 22/8, ta giành chính quyền ở châu Kỳ Sơn. 14h ngày 23/8, lệnh khởi nghĩa ban ra. Các lực lượng cách mạng đã vượt sông Đà sang chiếm dinh tỉnh trưởng, sở bưu điện, trại lính bảo an, sở cẩm. Việc giành chính quyền cấp tỉnh thành công.

Khởi nghĩa ở Hà Nội, ở các tỉnh và tỉnh lỵ Hòa Bình thành công là điều kiện thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa, giành chính quyền ở các cấp cơ sở. Tại Lạc Thủy, ngày 23/8, quần chúng cách mạng đã ào ạt xông vào chiếm châu lỵ. Tri châu phải cúi đầu nộp châu đường và sổ sách cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa và mít tinh thành lập chính quyền cách mạng ở châu lỵ Mai Đà được tổ chức ngày 25/8. Châu Lương Sơn khởi nghĩa thiết lập chính quyền cách mạng ngày 26/8.

Trong vòng 7 ngày (từ ngày 20 - 26/8/1945), Đảng bộ tỉnh chỉ có 9 đảng viên đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn, góp phần cùng cả nước lập nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


V.T (TH)


Các tin khác


Nhân dân các dân tộc Hòa Bình kiên cường chống giặc ngoại xâm, đô hộ

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, các dân tộc ở Hòa Bình đã đoàn kết, đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Đồng thời, phải ghi nhận sự kiên cường của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và sự đô hộ của ngoại bang… Lịch sử còn ghi nhận những đóng góp của Hòa Bình trong công cuộc đấu tranh chống ách cai trị của ngoại xâm. Xin điểm qua một số đóng góp tiêu biểu:

Mo Mường Hòa Bình hướng tới di sản văn hóa thế giới

(HBĐT) - Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.

Quá trình thành lập tỉnh Mường Hòa Bình và đơn vị hành chính các cấp thời đó

(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.

Trống đồng - di sản văn hóa Mường

(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.

Tổ chức xã hội cổ truyền ở Hòa Bình

(HBĐT) - Ở khu vực người Mường, nhà nóc (gia đình), họ tộc là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường ở Hòa Bình. Mỗi nhà nóc gồm cha mẹ và các con trai, gái, dâu, rể cùng sống chung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố, tập hợp nhau thành họ tộc, chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một động lớn mà sau này gọi là Mường, có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ.

Những nét chính về làng Mường cổ Hòa Bình

(HBĐT) - Với người Mường ở Hòa Bình, các khu dân cư (KDC) cổ truyền gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm tự cung tự cấp, mang nặng tính sơ khai, thuộc dạng tổ chức xã hội nông thôn miền núi. Do đặc điểm địa hình và phương thức sản xuất, nên các KDC của người Mường còn pha chút dáng dấp của tổ chức nông thôn theo dạng họ tộc cùng huyết thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục