(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang.
Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.
Đến tháng 4/1909, Đốc Bang và Tổng Kiêm đã tuyên truyền, giác ngộ được 30 nghĩa sĩ, đặt tên là đội "Bình Tây”. Ngày 15/4, lễ tế cờ được tổ chức tại núi Viên Nam, xã Mông Hóa. Đến tháng 8, số người tham gia nghĩa quân lên đến 41 người. Vũ khí chỉ có gậy gộc, dao rừng, một khẩu súng hỏa mai và một con thuyền độc mộc. Nghĩa quân chờ cơ hội tấn công lỵ sở Hòa Bình và thời cơ đã đến. Hai ông cho quân áp sát tỉnh lỵ, cho trinh sát đi điều tra nắm vững địa hình, binh lực, hỏa lực, các mục tiêu là đồn lính khố xanh, kho bạc, Ty Thương chính, nhà dây thép, nhà tù. Nắm chắc phần thắng, Tổng Kiêm và Đốc Bang nhanh chóng quyết định đánh chiếm tỉnh lỵ, thời gian được ấn định vào đêm ngày 2, rạng ngày 3/8/1909. Sau khi phân công nhiệm vụ, ngay từ buổi chiều, nghĩa quân đã phân ra từng tốp nhỏ đột nhập tỉnh lỵ. Vào tỉnh lỵ, nghĩa quân chia làm 2 toán: Một toán vào nhà tên giám binh và bao vây bên ngoài; một toán vào bốt gác và trại lính khố xanh. Giữa đêm, nghĩa quân đã lọt vào trại lính khố xanh, giết chết tên lính gác và tên lính kèn, xông vào nhà giết chết 5 tên, đánh bị thương 16 tên. Viên giám binh Chaigneau chỉ huy đội lính khố xanh bị Đốc Bang chém chết, các tên khác hốt hoảng trốn chạy thục mạng. Nghĩa quân phá nhà lao, thả các tù phạm (40 người). Nhiều tù phạm đi theo nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân lúc này lên 70 người, thu được 150 súng trường, 35.000 viên đạn. 10h ngày 3/8/1909, nghĩa quân rút khỏi Hòa Bình, trở lại Mông Hóa trong sự đón tiếp nồng hậu của Nhân dân. Cuộc tấn công của Tổng Kiêm và Đốc Bang vào tỉnh lỵ Hòa Bình khiến bọn thực dân Pháp giật mình. Nghĩa quân bắt đầu công khai vũ trang tổ chức kháng chiến chống Pháp suốt 5 tháng. Trước thanh thế đó, thực dân Pháp tìm nhiều phương kế để tiêu diệt nghĩa quân.
Ngày 14/8/1909, thực dân Pháp phản công, vừa đàn áp, vừa dụ dỗ Nhân dân, nhằm tách Nhân dân ra khỏi nghĩa quân. Chúng huy động 115 lính lê dương, 100 lính khố xanh tấn công Mông Hóa, nhưng nghĩa quân đã rút đến núi Viên Nam. Quân Pháp truy kích bao vây núi Viên Nam. Song Nhân dân Mường vẫn đoàn kết, một lòng ủng hộ nghĩa quân, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân, làm tai mắt cho nghĩa quân, thông báo cho nghĩa quân biết mọi sự vận động của quân đội thực dân. Sau trận này, Pháp định đến ngày 28/8 mở cuộc tấn công trên toàn cục để nhanh chóng tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng đêm ngày 26, rạng ngày 27, nghĩa quân đã tấn công và tiêu diệt đồn lính khố xanh Hòa Lạc, kết quả Pháp bị chết 4 người, bị thương 5 người, nghĩa quân bị chết 1 người.
Trong tình hình đó, quân Pháp đã lập một hệ thống đồn bốt phía Đông Nam sông Đà nhằm ngăn chặn nghĩa quân tràn về đồng bằng. Quyền Thống sứ Bắc Kỳ quyết định điều động thêm trên 2.000 quân đến Hòa Bình. Vòng vây căn cứ Viên Nam, Mông Hóa bị siết chặt. Nhiều cuộc ác chiến đã nổ ra. Tổng Kiêm, Đốc Bang định nhiều lần phá vòng vây nhưng không thành. Nghĩa quân giao tranh với giặc 7 lần.
Quân Pháp kéo về đóng ở Mông Hóa đến 4 đồn, ra sức bao vây nghĩa quân. Mọi đường tiếp tế lương thực của nghĩa quân đều bị phong tỏa, lương thực cạn dần. Lực lượng nghĩa quân mỗi ngày một yếu đi. Trong tình hình đó, Tổng Kiêm, Đốc Bang quyết định một trận tử chiến, vượt ra khỏi vòng vây. Ngày 10/4/1910, trận tử chiến diễn ra ở Mông Hóa. Kết quả trận chiến là 8 nghĩa quân hy sinh, 17 người bị bắt, trong đó có Tổng Kiêm và Đốc Bang. Tổng Kiêm bị kết án 25 năm tù, đày đi Côn Đảo; Đốc Bang bị kết án 20 năm tù, đày đi Cao Bằng, Lạng Sơn. Tất cả nghĩa quân đều bị tù. Cuộc nổi dậy của Tổng Kiêm, Đốc Bang thất bại.
Cuộc nổi dậy của Tổng Kiêm và Đốc Bang tuy thất bại, song nó đã làm cho thực dân Pháp phải một phen lao đao, khốn đốn. Cuộc nổi dậy cũng chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất, lòng hy sinh dũng cảm, ý chí chiến đấu kiên cường của đồng bào Mường chống lại chế độ thống trị của thực dân Pháp.
V.T (TH)
(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.
(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.
(HBĐT) - Ở khu vực người Mường, nhà nóc (gia đình), họ tộc là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường ở Hòa Bình. Mỗi nhà nóc gồm cha mẹ và các con trai, gái, dâu, rể cùng sống chung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố, tập hợp nhau thành họ tộc, chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một động lớn mà sau này gọi là Mường, có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ.
(HBĐT) - Với người Mường ở Hòa Bình, các khu dân cư (KDC) cổ truyền gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm tự cung tự cấp, mang nặng tính sơ khai, thuộc dạng tổ chức xã hội nông thôn miền núi. Do đặc điểm địa hình và phương thức sản xuất, nên các KDC của người Mường còn pha chút dáng dấp của tổ chức nông thôn theo dạng họ tộc cùng huyết thống.
(HBĐT) - Sau thời đại đá (thời tiền sử) là thời đại kim khí (thời sơ sử). Thời đại kim khí chính là thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
(HBĐT) - Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền "Văn hóa Hòa Bình". Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho cả các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc: Văn hóa Hòa Bình.
Kể từ năm 1927, chúng ta đã bắt đầu biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ” của M.Colani. Ngày 30/1/1932, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.