(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. 


Nguyễn Quang Bích nguyên là Tuần phủ Hưng Hóa. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích rất rộng, bao gồm cả miền Tây Bắc, từ sông Đà đến sông Lô, ngược lên Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Ông được vua Hàm Nghi phong làm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, là người thay mặt vua Hàm Nghi điều hành, phối hợp với các lực lượng Cần Vương yêu nước ở Bắc Kỳ. Nhiều thủ lĩnh chống Pháp ở miền Tây Bắc đã quy tụ dưới cờ nghĩa của ông, trong đó phải kể đến Đề Kiều, Đốc Ngữ…

Đốc Ngữ tên thật là Nguyễn Đức Ngữ, hay Nguyễn Đình Ngữ, quê ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội). Sau ông bị sung vào quân của triều đình Huế, làm chức Đốc binh trong quân của Hoàng Tá Viêm. Sau khi quân Pháp chiếm được thành Sơn Tây, Hưng Hóa, ông theo Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp chống Pháp. Ông đóng quân ở Ba Vì, phối hợp với quân của Đề Kiều. Ngày 5/1/1890, chủ tướng Nguyễn Quang Bích tạ thế, trước khi mất ông đã trao quyền chỉ huy nghĩa quân cho Đề Kiều. Lúc này, nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích chỉ còn lại Đề Kiều và Đốc Ngữ. Đốc Ngữ là một trong những thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc ở vùng hạ lưu sông Đà. Bằng lối đánh du kích, ông đã khiến cho thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề và hoảng sợ.

Địa bàn hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Đốc Ngữ rất rộng, bao gồm các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Hòa Bình. Trong 2 năm 1889-1890, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh. Ngày 7/10/1890, nghĩa quân tập kích thành Sơn Tây, phá nhà tù, giải phóng 174 tù nhân. Trong những tháng cuối năm 1890, nghĩa quân phục kích chống nhiều trận càn quét của Pháp ở vùng Sơn Tây - Hòa Bình. Hoạt động của nghĩa quân Đề Kiều, Đốc Ngữ được đồng bào các dân tộc nhiệt liệt ủng hộ. Thanh niên các dân tộc xung phong vào các đội nghĩa quân. Thanh thế của nghĩa quân sông Đà ngày càng mạnh. Từ năm 1891, quân Pháp tập trung số lớn lực lượng nhằm tiêu diệt nghĩa quân Đề Kiều, Đốc Ngữ. Đốc Ngữ chiến đấu rất ngoan cường, mưu trí, được đồng bào Mường nhiệt liệt ủng hộ. Ông hoạt động trên địa bàn từ Hưng Hóa đến Chợ Bờ. Đêm 29 rạng ngày 30/1/1891, nghĩa quân Đốc Ngữ đã tấn công đồn Chợ Bờ, tiêu diệt được tên quyền Phó Công sứ tỉnh Phương Lâm là Rougery và hai tên Pháp, giải phóng thị trấn Chợ Bờ. Vào thời điểm nghĩa quân Đốc Ngữ tấn công, tại đồn Chợ Bờ có một đội lính khố xanh người Việt do hai tên Pháp chỉ huy.

Chiến thắng Chợ Bờ là trận thắng lớn của nghĩa quân, lần đầu giải phóng được một thị trấn đặt tỉnh lỵ - thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc). Sau chiến thắng Chợ Bờ, nhiều binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp đã gia nhập nghĩa quân. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, nghĩa quân Đốc Ngữ đã tấn công san phẳng đồn, thu 118 khẩu súng trường kiểu năm 1874, 4 khẩu súng lục và 40.000 viên đạn, rồi rút về huyện Yên Lãng (thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây).

Đồn Yên Lãng cũng là một đồn quan trọng của quân Pháp ở vùng Hưng Hóa. Chốt đồn Yên Lãng, quân Pháp muốn khống chế hậu phương an toàn của nghĩa quân. Ngày 5/2/1892, với sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân Yên Lãng, 300 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ bất ngờ tấn công đồn Yên Lãng. Sau chiến thắng Chợ Bờ, chiến thắng Yên Lãng, uy danh của Đốc Ngữ bao trùm lên cả vùng Sơn Tây, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Hóa, Sơn La. Về số lượng, nghĩa quân của Đốc Ngữ đã lên đến 700 người, được trang bị tương đối mạnh. Về chiến thuật, Đốc Ngữ sử dụng chiến thuật du kích, phục kích, tập kích, đánh tập trung, đánh nhỏ, diệt gọn, cơ động, linh hoạt, bất ngờ. Đêm 7/8/1892, trong lần lẩn tránh sự truy tìm của giặc, ông bị sát hại. Nghĩa quân sông Đà dưới sự lãnh đạo của Đốc Ngữ bị tan rã.

Trong thời gian Đốc Ngữ hoạt động ở miền hạ lưu sông Đà, nhất là ở miền Hòa Bình, nghĩa quân của ông được đồng bào Mường tận tình giúp đỡ. Từ lâu đồng bào Mường đã có tinh thần yêu nước, cho nên họ nhanh chóng tiếp thu tư tưởng đánh giặc cứu nước của nghĩa quân Đốc Ngữ và hăng hái tham gia nghĩa quân. Truyền thống đánh giặc cứu nước của Nhân dân Hòa Bình trong phong trào nghĩa quân Đốc Ngữ kế tục truyền thống đánh giặc cứu nước của đồng bào Mường trong nhiều thời kỳ lịch sử.


V.T (TH)

Các tin khác


Trống đồng - di sản văn hóa Mường

(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.

Tổ chức xã hội cổ truyền ở Hòa Bình

(HBĐT) - Ở khu vực người Mường, nhà nóc (gia đình), họ tộc là hạt nhân cơ bản và nền tảng trong xã hội cổ truyền của người Mường ở Hòa Bình. Mỗi nhà nóc gồm cha mẹ và các con trai, gái, dâu, rể cùng sống chung dưới một mái nhà, có chung một nền kinh tế. Các nhà nóc có chung một dòng máu về phía bố, tập hợp nhau thành họ tộc, chung sức khai phá đất đai và họ tộc ấy có thể là chủ nhân duy nhất của một điểm dân cư hoặc phân tán, xen kẽ với nhiều dòng họ khác trong một động lớn mà sau này gọi là Mường, có khi tới hàng trăm làng xóm lớn nhỏ.

Những nét chính về làng Mường cổ Hòa Bình

(HBĐT) - Với người Mường ở Hòa Bình, các khu dân cư (KDC) cổ truyền gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm tự cung tự cấp, mang nặng tính sơ khai, thuộc dạng tổ chức xã hội nông thôn miền núi. Do đặc điểm địa hình và phương thức sản xuất, nên các KDC của người Mường còn pha chút dáng dấp của tổ chức nông thôn theo dạng họ tộc cùng huyết thống.

Tỉnh Hòa Bình thời sơ sử, thời kỳ Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

(HBĐT) - Sau thời đại đá (thời tiền sử) là thời đại kim khí (thời sơ sử). Thời đại kim khí chính là thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.

Dấu ấn nền văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền "Văn hóa Hòa Bình". Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho cả các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc: Văn hóa Hòa Bình. Kể từ năm 1927, chúng ta đã bắt đầu biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ” của M.Colani. Ngày 30/1/1932, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

 Tỉnh Hòa Bình thời kỳ tiền sử

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng và chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh Hòa Bình là nơi có nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ; là vùng đất của sử thi Đẻ đất đẻ nước. Hòa Bình còn là vùng đất âm vang tiếng cồng, chiêng của những lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Bắc; là quê hương của những làn điệu dân ca, trường ca, truyện thơ mang đậm nét văn hóa dân tộc và giàu chất nhân văn sâu sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục