(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.

Ngày 29/11/1886, quyền Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ Paulin Francois Alexandre Vial ban hành quyết định    di chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Mường từ Chợ Bờ về Phương Lâm (tổng Hoằng Nhuệ, phủ Vàng An). Tháng 4/1888, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Phương Lâm, bãi bỏ các đơn vị hành chính cấp phủ và thay thế bằng các đạo… Sau đó, vì những lý do khác nhau, tỉnh lỵ lại chuyển về Chợ Bờ.

Vào thời điểm này, tỉnh Mường Hòa Bình gồm 6 châu: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc và châu Mai. Đến ngày 24/10/1908, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định sáp nhập châu Lạc Thủy vào tỉnh Hà Nam, tỉnh Mường Hòa Bình còn lại 5 châu. Theo sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, các châu, tổng, xã, xóm thuộc tỉnh Hòa Bình vào đầu thế kỷ XX như sau:

Châu Kỳ Sơn có 2 tổng, 10 xã, gồm: Tổng Hòa Bình (6 xã, 2 phố, các xã: Hòa Bình, Phương Lâm, Quỳnh Lâm, Túy Cổ Thượng, Mông Hóa, phố Phương Lâm và Hòa Bình); tổng Cao Phong (2 xã, 2 phố: xã Cao Phong, xã Thạch Yên).

Châu Lạc Sơn gồm 4 tổng, 47 xã, gồm các tổng: Lạc Nghiệp (11 xã), Lạc Thiện (12 xã), Lạc Thành (13 xã), Lạc Đạo (14 xã).

Châu Lương Sơn có 4 tổng (17 xã), gồm các tổng: Cư Yên (xã Kệ Sơn, Mỗ Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên, Liên Khuê, Thuận Lương); tổng Bằng Lộ (xã Yên Lệ, Quang Diệu, Đáo Lãng, Bằng Lộ, Quất Lâm); tổng Thanh Lương (xã Thanh Lương, Thanh Nông), tổng Kim Bôi (xã Kim Bôi, Hạ Bì, Vĩnh Đồng, Nật Sơn).

Châu Đà Bắc có 2 tổng, 6 xã và phố; 2 tổng: Đức Nhàn (xã Đức Nhàn, Quy Đức, Hào Tráng) và Hiền Lương (xã Hiền Lương, Tu Lý, phố Chợ Bờ).

Châu Mai có 2 tổng, 5 xã, phố, gồm: Tổng Bạch Mai (xã Mai Thượng, Tân Mai)  và tổng Thanh Mai (xã Mai Hạ, Bao La, phố Suối Rút). 

Tháng 4/1889, châu lỵ Lạc Sơn được thành lập ở Hoài Ân thuộc tổng Lạc Thành, châu lỵ Lạc Thủy được thành lập ở Chi Nê thuộc tổng Yên Nghĩa. Năm 1939, châu Đà Bắc và châu Mai sáp nhập thành châu Mai Đà. Sự xuất hiện của tỉnh Mường, hay nói một cách khác để cho tỉnh Mường hiện diện như mong ước của Minh Mệnh - vị vua luôn lo lắng về cải cách hành chính, hoàn thiện chính sách về miền núi, phải trải nghiệm chừng nửa thế kỷ (1836 - 1886) khi gặp được ý tưởng của giới cầm quyền Pháp. Với Minh Mệnh và triều Nguyễn, việc làm đó bao hàm ý nghĩa của một sự xoa dịu nỗi bất mãn của đội ngũ quan lang, cũng như mọi tầng lớp bình dân trong người Mường, chỉ vì luôn bái vọng Lê triều mà các địa bàn nơi họ sinh sống như: Lạc Thổ, Phụng Hóa, Yên Hóa trở thành bãi chiến trường trong suốt mấy chục năm, những tên làng, tên tổng như Sơn Âm, Thạch Bi bị xóa bỏ. Với người Pháp, bằng sự hiểu biết và tinh tường về dân tộc học thực dân, họ muốn từ thử nghiệm này sẽ có tiếp những tỉnh Thái, tỉnh Tày, tỉnh Mông. Việc ra đời của một đơn vị hành chính bao quát ngã tư Hưng Hóa - Ninh Bình - Hà Nội - Sơn Tây (thực ra chỉ là ngã ba Hưng Hóa - Ninh Bình - Sơn Tây, vì những vùng đất mới thuộc tỉnh Hà Nội trước sau vẫn của Sơn Tây) cho thấy, khu vực này thời Hùng Vương vốn nằm trong bộ Văn Lang, bộ Tân Hưng, đến thời Lý - Trần - Lê thuộc vào các phủ Tràng An - Tây Quan, Gia Hưng và Quảng Oai - Quốc Oai. Đến thời Nguyễn, các phủ trên thuộc vào các tỉnh: Ninh Bình, Hưng Hóa và Sơn Tây (có một thời thuộc cả Hà Nội) là vùng tụ cư, sinh sống truyền đời của dân tộc Mường. Do đó, tỉnh Mường ra đời là một nhu cầu của thực tiễn lịch sử, không hẳn như nhiều người cho rằng nó nằm trong chuỗi chính sách chia để trị của nhà cầm quyền Pháp. Có một sự thật là, chính bằng sự khoanh vùng lúc rộng, lúc hẹp và đến nay để lại một tỉnh Hòa Bình rộng chừng 4.600 km2 là một đóng góp kỳ diệu để bảo lưu, gìn giữ những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp nhất mà biết bao thế hệ người Mường đã xây đắp nên. Tỉnh Hòa Bình ra đời, cùng sự hình thành nên 4 Mường cốt lõi và tinh túy (Bi, Vang, Thàng, Động) nhất của người Mường, xứng đáng đi vào câu ca cho muôn đời.


 V.T (TH)

Các tin khác


Dấu ấn nền văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền "Văn hóa Hòa Bình". Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho cả các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc: Văn hóa Hòa Bình. Kể từ năm 1927, chúng ta đã bắt đầu biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ” của M.Colani. Ngày 30/1/1932, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

 Tỉnh Hòa Bình thời kỳ tiền sử

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng và chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh Hòa Bình là nơi có nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ; là vùng đất của sử thi Đẻ đất đẻ nước. Hòa Bình còn là vùng đất âm vang tiếng cồng, chiêng của những lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Bắc; là quê hương của những làn điệu dân ca, trường ca, truyện thơ mang đậm nét văn hóa dân tộc và giàu chất nhân văn sâu sắc.

Các dân tộc ở Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Do đó, kết cấu dân số theo dân tộc (tộc người) được xem là một trong những nét nổi bật trong dân số học ở Hòa Bình. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, Hòa Bình có 6 dân tộc có số dân đông hơn cả là dân tộc Mường (64%), dân tộc Kinh (26%), dân tộc Thái (4%), dân tộc Tày (3%), dân tộc Dao (2%), dân tộc Mông (0,3%); các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất thấp (cộng chung là 0,7%).

Những nét tổng thể về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Năm 2021, tỉnh sẽ có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình mở chuyên mục trên các ấn phẩm Báo in và Báo Hòa Bình điện tử, đăng tải nhiều tuyến bài viết về đất và người Hòa Bình, truyền thống lịch sử tỉnh Hòa Bình qua nhiều thời kỳ; nét bản sắc văn hóa và những phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó là những ghi nhận, đánh giá về thành tựu to lớn, những bước phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay.

Hòa Bình khí thế sục sôi giành chính quyền trong Mùa Thu lịch sử

(HBĐT) - "Lệnh khởi nghĩa phát đi đến đâu là ở đó cán bộ và quần chúng phấn khởi, khẩn trương hành động. Khắp núi rừng trong tỉnh dấy lên khí thế cách mạng sục sôi chưa từng có…”, đó là lời kể của các vị lão thành cách mạng, các bậc cao niên được cầm dao, nỏ, gậy gộc… tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Mùa Thu lịch sử tháng 8/1945.

Câu chuyện văn hóa phía sau mâm cỗ lá của người Mường

(HBĐT) - Không chỉ đơn giản là bày thức ăn lên lá chuối cho đẹp mắt, đỡ phải sử dụng nhiều bát đĩa mà khi nhìn vào mâm cỗ lá có thể biết đó là mâm cỗ dành cho "người dưới” hay dành cho "bề trên”, dành cho người sống hay dành cho người đã mất. Không chỉ đơn giản là ẩm thực, "cỗ lá” của xứ Mường Hòa Bình còn chứa đựng trong đó cả một câu chuyện văn hóa, một lối ứng xử phép tắc rất tôn ti trật tự trên - dưới thông qua ẩm thực của người Mường.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục