(HBĐT) - Sau khi giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, cùng cả nước, Hòa Bình ra sức củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng cho công cuộc giai đoạn cách mạng mới: đánh Pháp trở lại xâm lược. Ngày 19/ 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã họp, phát động Nhân dân đứng lên kháng chiến. Trên cơ sở đó, lực lượng vũ trang Hòa Bình chuẩn bị phương án chiến đấu, toàn dân tiến hành tiêu thổ kháng chiến.


Ngày 15/4/1947, cuộc hành quân của thực dân Pháp đánh chiếm Hòa Bình bắt đầu. Bằng chiến thuật "sâu đo”, thực dân Pháp đã mở rộng được vùng chiếm đóng, xây dựng 47 đồn bốt, lực lượng chúng lên tới 1.200 quân, kiểm soát 2/3 đất đai, phần lớn nằm trên trục đường giao thông quan trọng và những vùng đông dân trong tỉnh. Tháng 5/1948, thực dân Pháp thành lập "Xứ Mường tự trị”, giao cho các quan lang phản động giữ chức vụ chánh quan lang, phó quan lang, chánh lãnh binh.

Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh chủ trương: Phát triển chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh bại âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” nhằm tiêu hao sinh lực địch, phá kế hoạch bình định và mở rộng phạm vi chiếm đóng của chúng. Cùng với việc hình thành và củng cố các ban chỉ huy quân sự, lực lượng dân quân du kích cũng phát triển nhanh. Đến cuối năm 1947, lực lượng vũ trang Hòa Bình có 2.764 đội viên dân quân du kích. Toàn tỉnh xây dựng được 10 trung đội du kích tập trung của huyện và tỉnh. Nhiều xã tổ chức các đơn vị du kích tập trung. Số du kích tập trung ở các xã đến trên 1.000 người. Ở tỉnh có một đại đội bộ đội chủ lực. Ở các huyện Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn, Mai Đà, mỗi nơi tổ chức một trung đội dân quân du kích tập trung. Du kích tập trung của huyện, xã, dân quân của thôn, bản đều đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chi ủy và do các ban chỉ huy huyện đội, xã đội, thôn đội chỉ huy chiến đấu.

Cùng với cả nước, quân và dân Hòa Bình đã chiến đấu kiên cường, hòa sức mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp chung của dân tộc. Trong đó có chiến thắng Việt Bắc. Trong vùng tạm chiếm, phong trào du kích phát triển mạnh, tiêu biểu như ở các xã: Yên Mông, Trung Minh (Kỳ Sơn), Toàn Sơn, Pù Bin, Mai Hạ (Mai Đà), Nhuận Trạch, Cao Sơn (Lương Sơn)… Chỉ riêng du kích Yên Lương, Phú Lẫm (Quyết Thắng) trong những tháng cuối năm 1948 đã đánh nhiều trận. Đặc biệt, ngày 30/10/1948, bằng rượu cần, lá ngón, bằng chông mìn, du kích Yên Lương, Phú Lẫm đã đánh tan cuộc càn quét của giặc, tiêu diệt trên 200 tên. Sau khi các địa phương như Cộng Hòa (Lạc Sơn), Quỳnh Lâm (Kỳ Sơn), Mai Châu (Mai Đà) mở đầu phong trào diệt tề trong toàn tỉnh, từ khắp các nơi, phong trào diệt tề càng trở nên sôi động và rộng khắp. Giữa tháng 6/1949, toàn tỉnh đã có hơn 100 tên tề gây nhiều tội ác bị trừng trị. Hàng ngũ tề điệp dần bị phân hóa. Ngày 4/9/1949, bộ đội, dân quân du lích phục kích trên đường 12A, diệt 4 ngụy binh, làm bị thương 5 tên. Du kích xã Đại Đồng đánh địa lôi trên đường 12A, phá hủy 2 xe ô tô, diệt 15 tên địch. Ở Kỳ Sơn, Đại đội 16 (du kích xã Quyết Chiến) và dân quân du kích xã Tu Lý (Đà Bắc) phục kích đánh thiệt hại nặng một trung đội địch. Bằng cả lực lượng quân sự, chính trị, phối hợp chặt chẽ với công tác địch vận, lực lượng vũ trang cùng Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã đánh bại một bước âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp.

Trong những năm tháng khó khăn đó, Đảng bộ Hòa Bình vẫn phải bảo đảm đường dây liên lạc chiến lược giữa Việt Bắc và liên khu III, liên khu IV. Để phá thế bao vây của địch, vào thu đông năm 1949, Bộ tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Liên khu III mở chiến dịch Lê Lợi nhằm đánh tan "Hành lang Đông - Tây” của địch ở Hòa Bình, khai thông đường liên lạc từ Liên khu IV lên Việt Bắc, đập tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị”.

Tính chung toàn chiến dịch, ta đã diệt 10 vị trí, bức rút 13 vị trí khác, diệt 876 tên địch, phá 37 xe vận tải, 4 xe jeep; giải phóng một khu vực rộng 2.000 km2, phá vỡ một đoạn dài 50 km hành lang Đông - Tây của địch. Toàn bộ vùng Mai Châu - Đà Bắc và đường số 15A được giải phóng. Dọc theo đường 12A, ta đã phá hết cơ sở của địch ở phía Tây và một phần phía Đông, cô lập Vụ Bản, Chiềng Vang, Cao Phong. Các cơ sở của ta ở xung quanh Cao Phong, Chiềng Vang được khôi phục và phát triển. Phòng tuyến sông Đà "Hành lang Đông - Tây” của địch bị phá tung một mảng lớn; "Xứ Mường tự trị” bị đánh một đòn chí tử… Dù còn cố thủ một số nơi trên địa bàn Hòa Bình, nhưng từ thực tế chiến trường Bắc Bộ, đặc biệt là sau đại thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, thực dân Pháp đã không thể bám trụ tại Hòa Bình.

Trước thế uy hiếp của ta, để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, thực dân Pháp đã quyết định rút khỏi Hòa Bình. Từ đầu tháng 11/1950, địch bắt đầu rút khỏi các vị trí. Ngày 8/11/1950, tỉnh Hòa Bình được giải phóng, "bức tường thép bên sông Đà” của kế hoạch Revers sụp đổ. 


V.T (TH)

Các tin khác


Nhân dân Hòa Bình tham gia phong trào Cần Vương của Đốc Ngữ chống thực dân Pháp xâm lược

(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. 

Độc đáo lịch Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Lịch của người Mường gọi là sách đoi, được sáng tạo dựa trên quan sát chuyển động của sao đoi. Lịch được làm bằng 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một hang, trong đó có một số ngày trong tháng được khắc bằng những ký hiệu khác nhau để đoán định ngày tốt, xấu cho khởi sự công việc.

Nhân dân các dân tộc Hòa Bình kiên cường chống giặc ngoại xâm, đô hộ

(HBĐT) - Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, các dân tộc ở Hòa Bình đã đoàn kết, đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, phát triển. Đồng thời, phải ghi nhận sự kiên cường của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong các cuộc chống giặc ngoại xâm và sự đô hộ của ngoại bang… Lịch sử còn ghi nhận những đóng góp của Hòa Bình trong công cuộc đấu tranh chống ách cai trị của ngoại xâm. Xin điểm qua một số đóng góp tiêu biểu:

Mo Mường Hòa Bình hướng tới di sản văn hóa thế giới

(HBĐT) - Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.

Quá trình thành lập tỉnh Mường Hòa Bình và đơn vị hành chính các cấp thời đó

(HBĐT) - Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.

Trống đồng - di sản văn hóa Mường

(HBĐT) - Hòa Bình có hai loại trống Đông Sơn: loại I Heger và loại II Heger. Trống Đông Sơn có khung niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Đã tìm được 11 chiếc trống Đông Sơn (loại I Heger) trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm A có 3 chiếc là trống sông Đà, trống Đồi Ro và trống Hòa Bình; nhóm B có 2 chiếc là trống Yên Bồng III và trống Đú Sáng; nhóm C có 5 chiếc là trống Khoan Dụ, Chợ Bờ, Lạc Long, Yên Bồng I, Yên Bồng II; nhóm Đ có trống Vĩnh Đồng II.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục